Friday, December 9, 2011

Phỏng vấn ông Trần Quốc Bảo về lời tuyên bố của Nguyễn Tấn Dũng trước quốc hội CSVN

Ngày 09.12.2011     

Ngày 25/11/2011 nhân dịp điều trần trước quốc hội liên quan đến vấn đề tranh chấ giữa Việt Nam và Trung Cộng về các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố:
Đối với Hoàng Sa thì năm 1956 thì Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía đông của quần đảo Trường Sa. Rồi đến năm 1974 thì Trung Quốc cũng dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý hiện tại của chính quyền Sài Gòn, tức là chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Thì chính quyền Sài Gòn, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp. Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam của chúng ta lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này.

Qua tuyên bố này người ta thấy đây là lần đầu tiên một nhân vật lãnh đạo cao cấp và hàng chóp bu của đảng cộng sản Việt Nam lên tiếng khẳng định Trung Cộng dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và cũng là lần đầu tiên danh từ "chính quyền Việt Nam Cộng Hòa" được dùng để chỉ chính quyền miền Nam.
Để tìm hiểu ý nghĩa của sự việc này, xin mời quý thính giả theo dõi cuộc trao đổi của chúng tôi với ông Trần Quốc Bảo, chủ tịch Hội đồng Điều hợp Trung Ương Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc, đồng thời cũng là chủ tịch Ủy ban nghiên cứu trận hải chiến Hoàng Sa.
Hải Sơn (HS): Xin kính chào ông Trần Quốc Bảo, trước hết xin ông vui lòng cho biết tại sao phải chờ đến thời điểm này mới có một cấp lãnh đạo vào hàng chóp bu của CSVN như ông Nguyễn Tấn Dũng mới chính thức lên tiếng xác nhận Trung Cộng dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, thưa ông?
Ông Trần Quốc Bảo (TQB): Trước đây đảng CS há miệng mắc quai, không thể nào mạnh miệng lên án Trung Cộng xâm chiếm Hoàng Sa bởi vì cái công hàm mà Phạm Văn Đồng ký ngày 14/9/1958 đã mặc thị công nhận tuyên bố của Trung Cộng với lãnh hải bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa. Chính vì công hàm này mà Trung Cộng đã nhiều lần viện dẫn ra để chứng minh là chính đảng CSVN đã công nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Hoa từ những năm 1950. Ngày hôm nay ông Nguyễn Tấn Dũng mạnh miệng tuyên bố là Trung Cộng đã dùng vũ lực xâm chiến Hoàng Sa, theo tôi có hai lý do.
Lý do thứ nhất là trước áp lực của dân chúng Việt Nam trong nước và hải ngoại thì đảng CSVN không thể nào không tuyên bố như vậy. Bởi vì nếu còn giữ im lặng thì quả tình là quá hen.
Thứ hai, bây giờ được sự hậu thuẩn của một số quốc gia mà trong đó chính yếu là Hoa Kỳ với chủ trương giảm thiểu ảnh hưởng của Trung Cộng tại Thái Bình Dương cho nên CSVN đã mạnh miệng tuyên bố như vậy.
HS: Được biết là lúc xảy ra trận hải chiến Hoàng Sa thì CSVN hoàn toàn im lặng. Là chủ tịch của Ủy ban Nghiên cứu trận hải chiến Hoàng Sa, xin ông nói rõ hơn về thái độ và phản ứng của CSVN lúc đó như thế nào?
TQB: Vâng, đúng vậy. Trong khi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã mạnh mẽ lên án Trung Cộng trước những hành động khiêu khích của Trung Cộng cũng như đã dùng vũ lực để chiếm đoạt Hoàng Sa trong trận hải chiến ngày 19/1/1974 thì cộng sản Bắc Việt hay nói rõ hơn là đảng CSVN lúc bấy giờ đã hoàn toàn im lặng đối với bên ngoài. Trong khi đó thì trong nội bộ lại cho cán bộ học tập là quần đảo Hoàng Sa lọt vào tay một nước xã hội chủ nghĩa anh em, ý nói là Trung Cộng, thì sẽ bảo đảm hơn là thuộc về chế độ "Mỹ Ngụy". Sự kiện này chúng tôi ghi nhận được là do ông Bùi Tín lúc bấy giờ là một cán bộ làm việc trong ngành tuyên huấn của cộng sản Bắc Việt đã cho Ủy ban Hoàng Sa biết như vậy.
Còn cái gọi là chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam, tức là một cơ cấu ngoại vi do đảng CSVN dựng ra để tiến hành âm mưu thôn tính miền Nam lúc bấy giờ thì có lên tiếng, nhưng lời lẽ của bản lên tiếng này chỉ nêu lên sự kiện các tranh chấp biên giới cần được đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết chớ không dám đề cập gì đến hành động xâm lăng bằng vũ lực của Trung Cộng.
Thật ra thì chúng ta không ngạc nhiên về thái độ và phản ứng kể trên của đảng CSVN, bởi vì ngay từ những năm 1956 thì đảng CSVN đã chấp nhận dâng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cho Trung Cộng để đổi lấy sự giúp đỡ quân sự trong chiến dịch quyết định tiến chiếm miền Nam bằng vũ lực. Đó cũng chính là lý do tại sao thủ tướng Phạm Văn Đồng của cộng sản Bắc Việt lúc đó đã ký công hàm được mệnh danh là "công hàm bán nước" ngày 14/9/1958 mà chúng tôi đã kể trên.
HS: Thế thì lý do gì bây giờ ông Dũng lại minh thị dùng danh xưng "chính quyền Việt Nam Cộng Hòa" thưa ông?
TQB: Như tôi đã nói thì muốn chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam thì phải xác định chính quyền quản trị quần đảo này. CSVN đâu có thể nói là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tức là cộng sản Bắc Việt lúc bấy giờ. Bởi vì chính Phạm Văn Đồng đã nhân danh chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa công nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Cộng qua "công hàm bán nước" ngày 14/9/1958.
Vì vậy phải nói Hoàng Sa thuộc một chính quyền hợp pháp, mà hợp pháp thì không thể nào dùng cái danh từ gọi là "ngụy quyền" như CSVN hay dùng được. Chính vì lý do đó, để vô hiệu hóa cái công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng đối với Hoàng Sa, Trường Sa thì bắt buộc đảng CSVN phải dùng "chính quyền Việt Nam Cộng Hòa".
HS: Có người cho rằng dùng danh xưng này ông Dũng chứng tỏ đã cởi mở hơn các tay cộng sản chốp bu khác. Nhận định của ông về điểm này như thế nào ạ?
TQB: Tôi không tin như vậy. Đối với đảng CSVN và đối với những vấn đề quan trọng và có thể dùng chữ của họ gọi là 'nhạy cảm', thì không thể nào đây là quyết định của một cá nhân mà phải là quyết định của tập thể. Mà trong trường hợp này là quyết định của cả bộ chính trị. Quyết định nó thể hiện chủ trương và mục tiêu, mưu đồ của đảng CSVN. Đây cũng chính là trường hợp công hàm ngày 14/9/1958 mà Phạm Văn Đồng đã ký. Quyết định này không phải là quyết định của cá nhân Phạm Văn Đồng mà là quyết định của toàn bộ chính trị đảng CSVN lúc bấy giờ mà đứng đầu chính là Hồ Chí Minh.
HS: Thưa ông Bảo, vậy thì qua sự kiện này, tức là qua những tuyên bố của ông Dũng, cảm nghĩ chung của ông như thế nào ạ?
TQB: Những câu phát biểu của ông Nguyễn Tấn Dũng đã rõ ràng phản ảnh cái văn hóa lươn lẹo, dối gạt truyền thống của đảng CSVN. Khi mà muốn được Trung Cộng giúp đỡ thì CSVN đã tâng bốc, dâng hải đảo. Nhưng khi trở mặt thì lại lên tiếng tố cáo và kể cả việc sửa đổi hiến pháp như CSVN đã sửa đổi hiến pháp năm 1980 để chửi rủa Trung Cộng là một bá quyền. Tương tự như vậy, trong nội bộ của dân tộc thì vì nhu cầu đảng CSVN sẵn sàng đổi giọng điệu với bao nhiêu năm miệt thị là "ngụy quyền" mà nay khi cần thì dõng dạc xác định với danh xưng là "Việt Nam Cộng Hòa".
Cũng như trước đây thì xem người Việt bỏ nước tỵ nạn là thành phần bất hảo, thành phần đĩ điếm nhưng khi ngữa tay xin tiền thì lại nâng lên là "khúc ruột ngàn dậm" là những "Việt kiều yêu nước" là "tinh hoa của đất nước".
Đất nước của chúng ta sẽ không thể nào khá được với thành phần lãnh đạo mà có cái văn hóa lươn lẹo và dối gạt như vậy.
HS: Cám ơn ông Trần Quốc Bảo đã chia sẻ nhận định với thính giả Đáp Lời Sông Núi về câu tuyên bố gây nhiều đàm tiếu của thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng.

No comments:

Post a Comment