Friday, December 30, 2011

TRỒNG HOA TẾT TRONG VÔ VỌNG

Ngày 30.12.2011      

Lời dẫn: Năm hết Tết đến, giới nông dân nghèo ở miền Trung lại trút hết vốn liếng vào việc trồng hoa để kiếm chút tiền tiêu Tết sau những trận lũ lụt mỗi năm. Nhưng niềm mơ ước nhỏ nhoi đó, có trở thành sự thật hay không sẽ tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phóng sự dưới đây của Phi Khanh, qua sự trình bày của chị Dian.
Sau trận lụt, mọi thứ đều trở nên tiêu điều, với đồng ruộng hoang tàn, cây cối xác xơ và người người lo âu... Thế nhưng những mầm xanh được ươm trong bồn nhỏ, trên vĩ trên nong hay trên nia, đang đợi ngày nắng ấm sẽ mang ra trước sân chờ ngày 'xuống đồng'. Việc chờ đợi ngày đặt cây ươm xuống đồng, đối với người nông dân, bao giờ cũng mang một niềm vui lâng lâng khó tả, tựa như một lời hứa hẹn về hội hè đình đám.

Ông Tùng, một nông dân xã Ðiện Thọ, huyện Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Tôi ươm gần hai ngàn gốc dưa leo, ba ngàn cây cà tím, một ngàn rưỡi cây cà chua và hai trăm cây đu đủ. Đợi nắng lên sẽ mang chúng ra đồng, ra bãi sông để trồng. Nếu như mưa thuận gió hòa, kiếm cũng được vài chục triệu đồng lứa đầu để ăn Tết. Nếu không thì phải chờ vào hạt lúa hay con heo, và chắc mà khó có cái Tết vui".
Ông nói tiếp: "Thường thì nông dân ở xã tôi có cái lợi thế mà không phải xã nào cũng có. Đó là những nà đất, tức bãi bồi phù sa lâu năm vì con sông đã biến mất hoặc thành con lạch chảy men theo bãi bồi xưa. Nhờ nà đất, mới trồng được nhiều, chứ dựa vào đất vườn thì trồng nhiều sao được. Đó là chưa nói chuyện đất đai càng ngày càng eo hẹp bởi những công trình mà nhà nước lấn chiếm... Thôi thì mình trồng được ngày nào mừng ngày đó, khi nào người ta lấy đất thì mình tính tiếp".
Chúng tôi hỏi thêm về mối lo của ông ở chuyện lấy đất. Ông Tùng cho biết: "Trước đây, chúng tôi làm hoa màu, rau cải rất thoải mái. Nhưng chừng mười năm trở lại đây, làm thì làm chứ đất đai ngày càng eo hẹp, nhà nước trưng thu lúc nào không hay. Có nhiều làng rau, làng hoa nổi tiếng đã biến mất. Chẳng hạn như làng trồng thuốc lá Ðiện Thắng là mất hẳn. Người ta trưng thu đất, đền bù mỗi sào mấy chục triệu. Bà con mình nghèo, có người thấy số tiền lớn là nhận, nhưng có người bị ép nhận. Ai dè mua gạo chưa được ba năm là đói hoàn đói mà đất thì mất hết. Vườn thuốc thành ra công trình, có người nhớ nghề, xuống tận Ðiện Nam để thuê đất mà trồng".
Tiếp tục đi thăm những vườn rau khác ở huyện Duy Xuyên, chúng tôi nhận thấy nhà nào cũng đang ươm cây, có nhà trồng vài trăm cây thược dược, chuẩn bị cho vô chậu. Gặp chị Nữ, người trồng bán hoa và cây giống cho mùa Tết, chị cho biết: "Năm nay cây giống bán chạy hơn mấy năm trước vì kham hiếm. Mỗi cây giống thược dược có giá từ 15 ngàn đến 20 ngàn đồng, bầu bí thì giá từ 2 ngàn đồng đến 10 ngàn đồng, hoa vạn thọ cũng có giá tương đương bầu bí. Thời tiết năm nay khó lường!".
Chị kể thêm: "Cái thú vui trồng hoa Tết là ở chỗ chăm sóc, nhìn nó ra lá đơn, lá kép rồi cho nụ, trổ bông, chứ còn đi bán hoa thì buồn chết đi được. Bán ở quê thì chẳng được mấy đồng, người ta trả giá hoa cứ như trả cá tôm vậy. Thấy đời thêm chán, nghèo chi mà nghèo kinh khủng! Còn ra thành phố thì phải đóng thuế, mỗi lô đất để bán hoa tốn từ 900 ngàn đồng đến 3 triệu đồng. Rồi còn phải mất thời gian đi đấu giá. Nếu đấu trật, mình phải mua lại lô của những người có tiền, lên đến cả chục triệu bạc. Bán hoa kiểu đó thì khỏi ăn Tết!".
Nhưng điều kỳ lạ là càng đói thì người dân trong vùng lại càng trồng nhiều hoa. Điều này nghe có vẻ nghịch lý nhưng đó là sự thật. Vì cái đói và cái khốn khổ không còn chia đều cho cả dân tộc, mà là dành riêng cho dân nghèo, trong khi tầng lớp cán bộ và người dân có "lý lịch đỏ" vẫn sống thản nhiên, không hề biết cái nghèo là gì.
Một quan chức xã cho biết: "Năm nào nhà tôi cũng mua một cặp quất, vài chậu hoa, vài giò lan, một số lay-dơn cúng bàn thờ, ngót nghét cũng năm triệu đồng tiền hoa Tết, có năm lên cả bảy tám triệu. Năm nay, tôi dự định chi một chục triệu đồng cho tiền hoa Tết!". Một chục triệu đồng của ông chủ tịch xã với khoản lương nhà nước 3 triệu rưởi đồng một tháng nói ra nghe nhẹ hều. Trong khi đó những chủ trồng hoa nói riêng, và người nông dân nói chung, số tiền đó là cả một tài sản.
Những người trồng hoa quả Tết năm nay cũng vẫn có chung nỗi lo lắng vì kinh nghiệm ê chề của những năm trước. Họ trồng để mà trồng nhưng nỗi lo lớn nhất vẫn là bị thị trường hoa nhập từ Trung Quốc thao túng.
Chị Thủy, chủ một vườn hoa ở huyện Ðức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: "Có năm, đến khuya ba mươi và giao thừa, mình vẫn còn ngồi ngoài chợ hoa vì còn nguyên ba trăm chậu. Đầu năm nên mình không dám khóc. Nhưng bỏ thì thương vương thì tội, đành mang về. Nhưng giờ đó xe nghỉ Tết rồi, phải ở ngoài đường ăn Tết đến trưa mồng Một mới có người chở hoa về nhà giùm. Nghề này còn khổ hơn làm dâu trăm họ. Nhưng không trồng thì tiếc, mà trồng thì cứ cầu trời cho mình bán được hàng!"
Câu chuyện hoa Tết vẫn luôn là một bài ca không thể nào quên của dân nghèo miền Trung. Dù sao chăng nữa, người viết bài này cũng xin cầu chúc những người bán hoa có một mùa bội thu, bớt gian nan và ăn một cái Tết vui vẻ, sum vầy!
Phi Khanh

No comments:

Post a Comment