Tuesday, December 20, 2011

KHÔNG GIỐNG AI!

Ngày 20.12.2011     

Lời dẫn: Để đối phó với vấn nạn tham nhũng và hối lộ trong giới công an, các quan chức cao cấp đã liên tục đưa ra những qui định nhằm chấn chỉnh cái lực lượng mà dân chúng VN gọi là bọn "âm binh trên đường phố". Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận có tựa đề "Không Giống Ai!" của Lê Phục Văn, phân tích về những qui định đó, qua sự trình bày của anh Song Thập.
Vào ngày 7/12 vừa qua, lực lượng công an Sài Gòn đã bắt đầu áp dụng quy định mang số 346, theo đó thì giới cảnh sát giao thông, khi đi tuần tra trên đường phố, không được có trong túi trên 100 ngàn đồng. Nếu bị kiểm tra và phát giác trong túi có hơn số tiền đó thì sẽ bị kỷ luật, từ mức cảnh cáo cho đến sa thải khỏi ngành.

Mục đích của quy định này là nhằm hạn chế (xin nhấn mạnh ở chữ "hạn chế") tình trạng tiêu cực, tức nhận hối lộ của giới cảnh sát giao thông. Nhưng làm sao để kiểm tra là họ sẽ tuân thủ qui định đó?
Theo ông thượng tá Trần Thanh Trà, phó phòng cảnh sát giao thông Sài Gòn, thì sẽ có nhiều biệt đội thanh tra, kể cả các thanh tra của bộ công an, sẽ mặc đồ dân sự để mở các cuộc kiểm tra bất ngờ. Nếu số tiền trong túi không phù hợp với con số ghi trong giấy phạt thì có nghĩa là ăn hối lộ.
Kể ra thì biện pháp này nghe lọt tai hơn là cái sáng kiến may quân phục không có túi cho giới công an vào mấy năm trước. Cái sáng kiến quân phục không túi sau đó được các hãng thông tân quốc tế loan tải, khiến giới cảnh sát Tây phương có dịp cười lăn lộn. Và không chừng cái sáng kiến mới này lại khiến cho họ có thêm chuyện cười trong lúc trà dư tửu hậu.
Nhưng không lẽ giới công an Sài Gòn không hề hay biết là thành phố Đà Nẵng đã áp dụng biện pháp này từ mấy năm trước, với số tiền giới hạn là 50 ngàn đồng, mà kết quả là ở góc đường nào cũng có cảnh vòi tiền mãi lộ một cách công khai?
Lý do là giới công an giao thông không thể không tuân theo quy định, nhưng cũng không thể sống với đồng lương quá ít ỏi. Đó là chưa kể gia đình phải vay mượn khắp nơi để chạy chọt cho họ vào ngành cảnh sát giao thông. Túng thì phải tính, hay nói văn hoa hơn, là "cùng tắc biến" và "biến tắc thông". Họ nghĩ ra được nhiều cách để qua mặt thanh tra và các xếp trên. Một trong những cách đó là ra lệnh cho các tài xế vi phạm giao thông mang tiền đến đưa cho các quầy bán thuốc lá, hay quầy vé số nào gần đó, giữ giùm rồi họ sẽ đến lấy sau khi xong ca làm việc.
Tệ hơn thế nữa, ngay cả giới thanh tra cũng chẳng thanh liêm gì cho lắm, vì lương lậu cũng chẳng cao hơn những tay công an "đứng đường" là bao nhiêu. Và khi hai bên cùng phối hợp để chung chia. thì dù có một trăm cái quy định, hay một trăm ban thanh tra, cũng chẳng mang lại kết quả. Chỉ tội nghiệp là sẽ có vài con dê bị mang ra tế thần để chứng tỏ sự thành công của chiến dịch.
Thế nhưng trong buổi trả lời chất vấn của cái gọi là hội đồng nhân dân thành phố Sài Gòn, ông đại tá Phan Thanh Minh, phó giám đốc công an Sài Gòn, lại trút tội cho giới tài xế là đã dùng tiền mua chuộc khiến các công an bị sa ngã. Nhưng theo ông Minh thì đó chỉ là "vài con sâu làm rầu nồi canh", chứ trong năm nay có đến 3000 cảnh sát giao thông ở Sài Gòn không hề nhận hối lộ.
Người ta cứ ngỡ là cả hội trường sẽ cười ầm lên. Nhưng không, các ông bà nghị sĩ Sài Gòn gật gù, tỏ ra chia xẻ trước vẻ mặt thành khẩn của ông Minh và lời yêu cầu cử tri phải thông cảm cho sự sa ngã của một số công an. Hoàn toàn không có một người nào đặt câu hỏi với ông Minh là tại sao biết rõ có 3000 công an không hề nhận hối lộ?
Nếu đúng như thế, thì tại sao mấy ngàn công an đó lại không thể giám sát hay lột bộ mặt của vài con sâu kia, mà để cho chúng tha hồ làm bậy, gây mất uy tín cho lực lượng "còn đảng còn mình"? Không lẽ mấy con sâu đó là "con anh Sáu, cháu anh Ba" nên cả đám không dám đụng đến? Và nếu chỉ có vài con sâu thôi thì việc gì phải ra qui định không được mang theo quá 100 ngàn đồng, làm mất sĩ diện của giới công an?
Hỏi chơi cho vui thôi, chứ bất cứ người dân nào cũng biết rõ câu trả lời. Ở VN hiện nay, việc tìm thấy một công an không ăn hối lộ còn khó hơn là đi "tìm một cây kim trong đống rơm", họ chưa bị lộ vì chưa bị bắt quả tang, chứ không phải là trong sạch. Hơn thế nữa, giới công an hiện lôi thêm vài tên dân phòng đi theo để giúp chận bắt xe cộ, thì chuyện quần áo không có túi hay trong túi không có tiền, đâu có ảnh hưởng gì nhiều đến chuyện mãi lộ. Vì họ có mấy tay gia nô canh chừng giới thanh tra và báo chí, cũng như giúp giữ tiền. Không lẽ phải ra một qui định cấm mấy tên dân phòng mang trong túi quá 100 ngàn đồng?
Hay là ra lệnh cấm dân chúng mang theo tiền khi lái xe ra đường để giúp cho giới công an khỏi bị mua chuộc như ông phó giám đốc công Sài Gòn đang trút tội cho dân? Cứ thử xem sao! Nếu không thành công thì nhà nước VN cũng vẫn nổi tiếng khắp thế giới, vì có những lệnh cấm... Không Giống Ai!
Lê Phục Văn

No comments:

Post a Comment