Thứ Năm, ngày 02.04.2015
Xã hội loài người rất đa dạng
và phong phú vì có những người chỉ chú ý đến những điều
gần gũi mình với nhãn quan và kiến thức nhỏ hẹp nhưng lại có
những người khác nhìn thấy những điều lớn lao, cao đẹp, xa
rộng và bao trùm. Do vậy con người phải chấp nhận lẫn nhau với
những suy nghĩ khác nhau mới có thể sống chung hoà bình được.
Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính
giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: " Đôi lời cùng bạn " của Phạm Thanh
Nghiên sẽ được chính tác giả trình bày để tiếp nối chương trình tối
hôm nay.
Hôm qua có một bạn trẻ "chất vấn" tôi rằng: Tại sao không quan tâm
đến vấn đề cây cối, đến sông Đồng Nai hay một vài chuyện xã hội khác, mà
chỉ quan tâm đến chuyện "đao to búa lớn" như Nhân quyền, Dân chủ, toàn
vẹn Lãnh thổ? Bạn còn khẳng định rằng chiến dịch "Tranh đấu cho Tự do-
Nhân quyền- Dân chủ 2015", - mà bạn gọi là "mấy cái tuyên bố, thông cáo
đao to búa lớn, thùng rỗng kêu to"- chả có ai theo, ngoài mấy người ở
bên ngoài. Và rằng người dân Việt Nam trong nước "chỉ quan tâm đến giá
xăng, giá điện, lấp sông Đồng Nai, chả ai quan tâm đến biển Đông, đến
Hiệp ước Thành Đô".
Xét thấy những câu hỏi và các lý lẽ bạn đưa ra khá thú vị nên tôi
quyết định viết bài này để một số người quan tâm cùng tham khảo mặc dù
tôi cũng có trao đổi riêng với bạn rồi.
Về phần câu hỏi bạn dành cho tôi: "Tại sao không quan tâm đến chuyện
cây cối, đến sông Đồng Nai v.v...?" thì tôi xin trả lời với bạn rằng:
Tôi rất quan tâm đến những vấn đề đó. Và tôi không chỉ quan tâm đến
chuyện cây cối, đến chuyện lấp sông Đồng Nai, giá xăng, giá điện, chuyện
y tế, giáo dục, nạn bạo hành gia đình, bạo hành học đường, chuyện công
dân chết trong đồn công an v.v... mà tôi còn quan tâm đến rất nhiều
những vấn đề khác nữa, gọi chung là chuyện "DÂN SINH".
Còn các lý lẽ bạn đưa ra: "người dân trong nước chỉ quan tâm đến giá
xăng, giá điện...", và rằng "việc cây cối là cơ hội cho những người trẻ
thể hiện tình yêu và trách nhiệm xã hội, thay đổi nhận thức" v.v..., tôi
hoàn toàn đồng ý với bạn.
Thực tế thì nhiều người dân - nhưng không phải tất cả - quan tâm đến
những điều thiết thực, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ - tức vấn
đề Dân Sinh - và chúng ta cần phải tranh đấu cho những điều sát sườn
với đời sống hàng ngày của người dân. Ta gọi đó là mặt trận Dân Sinh.
Nhưng bên cạnh, có những điều người dân không quan tâm. Chính vì
không quan tâm cho nên chúng ta phải sống mà không có quyền. Và vì không
có đầy đủ quyền nên mới nảy sinh những vấn nạn về Dân Sinh. Cho nên mới
có mặt trận Nhân Quyền. Đó là một mối quan hệ hệ quả mang tính tất yếu
song nhiều người vẫn ngộ nhận là có thể tách bạch được.
Đến đây, lại phải đưa vấn đề đi sâu một chút, đó là: cho dù có Nhân
quyền, nhưng cốt lõi không có quyền công dân, quyền lập đảng phái, quyền
chọn thành phần lãnh đạo thì hơn 90 triệu con người cũng bị đốn chứ
không riêng gì vài ngàn cây xanh. Và vì vậy mới có mặt trận Dân Chủ.
Trong một xã hội mà quyền con người, quyền công dân không được tôn
trọng thì các vấn nạn xã hội không những không được giải quyết mà càng
ngày càng nảy sinh và nghiêm trọng hơn.
Người có cái nhìn đàng hoàng và khách quan là thấy hết nhu cầu của
mọi hoạt động. Có lúc vì kế hoạch có sẵn, vì tình huống xã hội... mà
người ta tập trung vào chuyện này thay vì chuyện khác. Với cá nhân tôi,
khả năng và sức lực có hạn nên phải chọn lựa công việc mình cho là trọng
tâm, cụ thể là chiến dịch "Nhân quyền 2015". Nói như thế không có nghĩa
là tôi không đồng hành với các công việc khác như đã đề cập ở trên.
Giả sử bây giờ ai cũng nhào ra dán một khẩu hiệu lên cây để rồi xem
đó là công cuộc tranh đấu duy nhất, những thứ khác là "đao to búa lớn"
là một cái nhìn coi thường người khác nếu không muốn nói là tự mãn. Hoặc
ai cũng tham gia vào chiến dịch Nhân quyền 2015 và coi những chuyện Dân
sinh là không quan trọng, chưa cần thiết thì đó là một cái nhìn khập
khiểng. Những người tranh đấu cho tương lai đất nước cần trân trọng mọi
nỗ lực đổi thay tích cực của mọi mặt trận. Mỗi người trong khả năng giới
hạn và tùy theo hoàn cảnh, sở trường của mình để tập trung hoạt động
chính vào một mặt trận và hỗ trợ những lãnh vực khác qua việc tiếp sức
thông tin, bày tỏ lập trường...
Chính vì thực tế này mà một số hội/nhóm Xã Hội Dân Sự ra đời để đáp
ứng phần nào các nhu cầu đó. Và ngay cả cá nhân những người tranh đấu
không thuộc tổ chức, hội /nhóm nào cũng có những hoạt động rất tích cực
trên mặt trận Dân sinh, Nhân quyền hoặc Dân chủ.
Thử đặt ra tình huống, nếu Hà Nội không chặt phá cây thì sao?
Thì hầu hết những cuộc biểu tình ôn hòa (trước đó) với nhiều ngàn
người tham gia đều vì lý do chống Tàu xâm lược, là bảo vệ biển đảo và
toàn vẹn lãnh thổ. Hoặc những lần tưởng niệm những người lính đã hy sinh
để bảo vệ tổ quốc. Hay đòi tự do cho những người tranh đấu cho tự do,
dân chủ, nhân quyền đang sắp phải đối diện với bản án tù bỏ túi.
Trong những lần này, người ta nhận ra nhau, tìm thấy những người cùng
lý tưởng qua những chuyện chẳng liên quan gì tới các vấn đề "Dân Sinh",
các quyền lợi sát sườn.
Bạn trẻ mà tôi nhắc đến trở thành người của ngày hôm nay, được nhiều
người biết đến cũng vì thuở bạn còn mang cờ đỏ sao vàng đi hô: "Trường
Sa - Hoàng Sa - Việt Nam", tức vì cái lý do rất "đao to búa lớn" như
thế.
Tôi tin rằng, qua những cuộc tuần hành bảo vệ cây xanh ngày hôm nay
sẽ có những bạn trẻ thay đổi nhận thức, thấy được giá trị cũng như trách
nhiệm của mình với đất nước. Ngày mai, sẽ còn nhiều nữa những cuộc gặp
gỡ, hội ngộ nhau khởi đi từ những cuộc bày tỏ công khai về một vấn đề cụ
thể trong xã hội.
Tuy nhiên:
Bảo vệ cây xanh là cần thiết nhưng nếu không bảo vệ quyền con người để con người bảo vệ cây xanh thì sao?
Bảo vệ quyền con người mà không bảo vệ quyền công dân để công dân có
quyền quyết định thành phần lãnh đạo đất nước, quyền quyết định hiến
pháp, luật pháp thì quyền con người đó có bền vững hay không?
Bảo vệ quyền công dân mà không giữ được độc lập của đất nước thì liệu có còn cái gọi là công dân để có quyền hay không?
Không có một phương thức tranh đấu nào tốt nhất cho đến khi cuộc cách
mạng thành công. Bạn cứ làm việc bạn thấy cần thiết, và tôi vẫn cứ kiên
trì với những gì tôi lựa chọn. Nhưng nguyên tắc là phải tôn trọng tất
thảy mọi người và trân trọng tất thảy mọi việc. Và nhắc lại câu nói trên
rằng: "Người có cái nhìn đàng hoàng và khách quan là thấy hết nhu cầu
của mọi hoạt động".
Kết thúc bài viết, xin đưa ra một câu hỏi (mang tính hài hước) để
những người quan tâm cùng suy ngẫm: Nếu chúng ta bỏ mặt trận Nhân Quyền
và Dân Chủ, ai sẽ là người chiếm lĩnh mặt trận này?
Phạm Thanh Nghiên
No comments:
Post a Comment