Sunday, April 19, 2015

Việt Nam Tuần Qua

Chủ Nhật, ngày 19.04.2015    
Kính thưa quý thính giả, để điểm lại những sự kiện nổi bật tuần qua xin mời các bạn thính giả theo dõi buổi hội luận giữa ĐPV Hoàng Ân và PV Trường An.
Hoàng Ân:Để mở đầu buổi hội luận ngày hôm nay, xin anh trình bày tóm tắt lại sự kiện người dân Long An đã ném bom xăng và tạt acid vào lực cưỡng chế đất tại tỉnh này?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Một cuộc giao chiến dữ dội bằng gạch đá, bom xăng và tạt acid đã khiến cho hàng loạt công an bị thương khi lực lượng "còn đảng còn mình" kéo đến cưỡng chế căn lều tạm bợ của gia đình ông Nguyễn Trung Can và bà Mai Thị Kim Hương tại huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An
.
Cuộc cưỡng chế biến thành một cuộc giao chiến dữ dội khi hàng chục thân nhân của gia đình ông Can cho nổ bình gió đá, sau đó dùng bom xăng và tạt acid để kháng cự, gây thương tích cho hàng loạt công an, trong đó có viên trung tá Nguyễn Văn Thủy, người cầm đầu lực lượng này. Hàng chục công an sau đó được đưa đến bệnh viện để chữa trị các vết phỏng vì acid và bom xăng. Ngay sau đó một cuộc trả thù tàn độc của công an đã diễn ra với hàng chục người bị đánh đập đến ngất xỉu và 12 người bị áp giải về đồn, bao gồm em Nguyễn Mai Trung Tuấn, con của ông Can và bà Hương.
Trong buổi họp báo vào chiều 15/4, cầm quyền tỉnh Long An tuyên bố là sẽ giam giữ và truy tố 7 thành viên thuộc ba gia đình đã kháng cự lực lượng cưỡng chế vào hôm thứ Ba, gây thương tích cho nhiều công an.
Trong khi đó tờ báo Tuổi Trẻ Online cho biết trung tá Nguyễn Văn Thủy, trưởng công an xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa bị tạt nguyên ca acid vào lưng, phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy. Ngoài ra có 20 người trong lực lượng cưỡng chế bị tấn công, trong đó có 2 người bị thương tích do dao đâm và 18 người bị phỏng nặng.
Hoàng Ân: Thế còn cuộc biểu tình ở Bình Thuận thì sao thưa anh?
Trường An: Theo như tôi được biết trong 2 ngày 15-16/4, hàng ngàn người dân tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận đã tràn ra quốc lộ 1 để phản đối tình trạng ô nhiễm nặng nề do nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gây ra. Cuộc xuống đường đã gây tắc nghẽn giao thông cho đến tối khuya, với xe cộ đậu dài đến hàng chục cây số trên tuyến quốc lộ này. Ngay sau đó, hàng trăm cảnh sát cơ động được điều đến giải tán đám đông dẫn đến một cuộc giao chiến diễn ra khi người dân ném đá dữ dội và bom xăng vào lực lượng cơ động, an ninh chống bạo động được trang bị đầy đủ các quân trang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Lực lượng an ninh này cũng đáp lại bằng lựu đạn khói, hơi cay và bố ráp bắt rất nhiều người.
Hoàng Ân: Theo anh cuộc biểu tình Bình Thuận có phải là cái cớ để CSVN tăng cường công tác an ninh cho các tỉnh phía Nam vào ngày 30.4 sắp đến?
Trường An: Đúng vậy, cầm quyền CSVN đang có kế hoạch tăng cường an ninh ở các tỉnh phía nam, mà Bình Thuận là nơi eo thắt có thể canh chặn giữa hai miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Cuộc biểu tình này là cái cớ để CSVN trấn áp và thắt chặt an ninh đối với người Chăm và dân tộc thiểu số ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Nơi chảo lửa miền Trung vốn đã khắc nghiệt với nắng gió và sự bất công, tàn bạo của nhà cầm quyền đối với các dân tộc thiểu số ở đây. Và giờ đây tiếp thêm các dự án khủng như nhà máy điện hạt nhân đã khởi công và kéo theo hàng vạn công nhân Việt cùng gia đình vào đây xây dựng để thu hẹp không gian sống của người Chăm và co cụm lại để dễ dàng quản lý và thắt chặt.
Như chúng ta đều biết, từ cuộc biểu tình ở Tây Nguyên năm 2001, sau khi đàn áp đẫm máu những người dân tộc thiểu số vô tội trong cuộc biểu tình về đất đai, liền sau đó là sự ồ ạt tràn vào Tây Nguyên với số lượng lớn quân đội, công an, một số ban ngành mới, cả những dự án lớn cũng theo đó ùa vào và đẩy người thiểu số ra bìa rừng heo hút, mà Boxit Tây Nguyên tiềm ẩn bùn đỏ chế người là một ví dụ điển hình.
Hoàng Ân: Cũng trong tuần qua, bạo quyền tỉnh Phú Yên đã san bằng ngôi thánh thất Cao Đài ở huyện Tuy An để mở rộng đường quốc lộ. Xin anh nói rõ hơn về sự việc này?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Vào hôm 15/4 vừa qua, bạo quyền tỉnh Phú Yên đã san bằng ngôi thánh thất Cao Đài ở huyện Tuy An với lời giải thích là để mở rộng đường quốc lộ 1A. Theo đó vào lúc 7 giờ sáng cùng ngày, bạo quyền VN huy động một lực lượng hùng hậu đến cưỡng chiếm, dùng xe ủi san bằng khu đất này. Một số tín đồ có thái độ phản kháng liền bị công an đánh đập và tống lên xe chở tù. Đến 9 giờ sáng thì hoàn tất việc cưỡng chế đồng thời dựng hàng rào bao quanh và gắn một bảng hiệu ghi rõ khu đất này do nhà cầm quyền xã An Cư làm chủ.
Được biết Thánh thất này tọa lạc ở thôn Phú Tân 2, xã An Cư, huyện Tuy An và lâu này vẫn bị bạo quyền làm khó dễ vì đây là thánh thất của các tín đồ Cao Đài Bảo Thủ Chơn Truyền, không chịu lệ thuộc vào hệ thống Cao Đài quốc doanh.
Hoàng Ân: Anh có ghi nhận như thế nào về việc Ủy ban thường vụ quốc hội VN đã đồng ý bác bỏ hai quyền lực quan trọng dành cho chức vụ Thủ tướng trong dự luật Tổ chức Chính phủ đang được thảo luận?
Trường An: Theo như tôi được biết, một trong hai quyền lực bị bác bỏ là quyền ra lệnh tổng động viên, ban hành thiết quân luật trong tình huống khẩn cấp của đất nước. Ủy ban thường vụ quốc hội VN giải thích rằng, nếu ban cho thẩm quyển lớn như vậy thì người Thủ tướng dễ vi phạm nhân quyền và không phù hợp với hiến pháp. Một quyền hạn khác cũng bị bác bỏ là quyền phê duyệt danh sách bổ nhiệm quan chức lãnh đạo các tỉnh thành trực thuộc trung ương.
Tuy nhiên để bù lại các quyền đó thì thủ tướng có quyền bổ nhiệm tạm thời các bộ trưởng hay quan chức lãnh đạo các tỉnh thành, trong thời gian chờ đợi quốc hội thông qua và chủ tịch nước ký quyết định chính thức.
Hoàng Ân: Cám ơn PV Trường An đã chia sẻ các tin tức và nhận xét để gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.

No comments:

Post a Comment