Monday, April 20, 2015

Chuyện Chỉ Có ở Việt Nam: Giải phóng

Thứ Hai, ngày 20.04.2015    
Quý thính giả thân mến, vì chế độ VN được xây dựng trên căn bản dối trá nên xã hội mà người dân Việt đang sống dưới sự cai trị của đảng CS mới đầy rẫy những nghịch lý. Để cùng chia sẻ những mẫu chuyện “cười ra nước mắt” của cuộc sống hôm nay qua chuyên mục Chuyện Chỉ Có ở VN, mời quý thính gỉa đài ĐLSN theo dõi bài viết của Thanh Thảo có tựa đề: “Giải phóng” sẽ được Tâm Anh trình bày sau đây
Vào cuối những năm 60, đầu năm 70 của thế kỷ trước, khi mà cuộc chiến giữa hai miền Nam- Bắc đang diễn ra tàn khốc nhất. Cụm từ " giải phóng miền nam" luôn thường trực trong tâm thức của mọi người dân Bắc việt. Vào cái tuổi mới lớn lên, lớp người như chúng tôi nhiều người thắc mắc, và tự hỏi nhau: giải phóng là gì? tại sao phải giải phóng Miền nam? Tra từ điển tiếng việt để có câu giải đáp chính xác: giải phóng chính là làm cho thoát khỏi cảnh áp bức, nô lệ, con người được tự do, hạnh phúc.
Theo định nghĩa trên thì giải phóng Miền nam chính là làm cho người dân Miền nam thoát khỏi ách kìm kẹp của đế quốc Mỹ và tay sai ngụy quyền, làm cho người dân được hưởng tự do, ấm no, hạnh phúc. Với tư duy như vậy thì " giải phóng miền nam" là việc làm chính nghĩa; là nghĩa vụ cao cả; là phi thường, là hãnh diện. Thời đó hình ảnh người chiến sỹ giải phóng quân được coi là người hùng của thời đại: " hoan hô anh giải phóng quân/ kính chào anh con người đẹp nhất/ lịch sử hôn anh chàng trai chân đất/ sống hiên ngang bất khuất trên đời". Tôi còn nhớ như in hình ảnh người lính năm xưa được tranh thủ ghé thăm nhà, cả làng tôi quây quần bên anh, nghe anh kể chuyện về ý chí bất khuất, kiên cường của bộ đội ta trong huấn luyện, trong chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, mọi người thán phục, kính nể và rất đỗi tự hào người con của làng bản đã và đang làm được những việc vì dân, vì nước.
Miền bắc xã hội chủ nghĩa với trọng trách là hậu phương vững chắc cho chiến trường miền nam, khẩu hiệu: " Hậu phương thi đua với tiền phương" đã trở thành động lực thúc đẩy cho hành động đối với những người được cho là không có cơ hội trực tiếp tham gia kháng chiến. Toàn dân Bắc việt không quản ngại gian khổ hy sinh, góp sức người, sức của để chi viện cho tiền tuyến. Những tấn thóc thuế nông nghiệp; những tấn thịt lợn hơi nghĩa vụ hàng năm của nông dân được giao nộp đầy đủ cho nhà nước cung cấp cho tiền phương. Những đợt tuyển quân được tổ chức mỗi năm hai lần để bổ xung bộ đội cho chiến trường.Những người vợ bộ đội thời đó được tôn vinh như một hiện thân mẫu mực của người phụ nữ Việt nam và họ cảm thấy tự hào được làm vợ người đang trực tiếp chiến đấu trên chiến trường nóng bỏng. Họ được động viên khích lệ sống thủy chung, giữ gìn phẩm hạnh để xứng đáng là vợ quân nhân. Những gia đình có con em vào nam chiến đấu đều được Đảng, Nhà nước tặng một bảng được gọi là : " bảng gia đình vẻ vang" được treo ở nơi trang trọng nhất.
Năm 1973, hiệp định Pari được ký kết, theo đó Mỹ rút khỏi Miền nam Việt nam, cuộc chiến chỉ còn trơ trọi lại người việt đánh người việt. Quân đội Bắc việt ngày càng chiếm ưu thế vì còn có Nga xô và Trung quốc chi viện từ đầu đến chân, từ bát cơm, manh áo, giày, dép, cho đến vũ khi đạn dược. Thừa thắng xông lên và cuộc chiến kết thúc với thắng lợi thuộc về quân giải phóng Miền bắc xã hội chủ nghĩa. Miền nam được " giải phóng" Bắc việt tưng bừng hân hoan, Miền nam thất trận, đau đớn, tủi nhục. Hai miền Nam Băc có tâm trạng đối lập nhau, kẻ chiến thắng người chiến bại.
Vinh quang nào cũng đến đỉnh điểm của nó rồi đàn hồi trở lại trạng thái bình thường. Miền bắc , những chiến sỹ giải phóng quân bắt đầu giải ngũ hàng loạt, người có thế, có chút khả năng, trình độ thì tìm mọi cách xin chuyển ngành vào các cơ quan nhà nước, kẻ hèn kém hơn thì trở lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình để kiếm kế sinh nhai. Hành trang của họ là chiếc ba lô, vài bộ quần áo . Ai có ít chức quyền hoặc lanh lợi chút đỉnh thì sắm cho mình chiếc khung xe đạp mang nhãn hiệu sài gòn, ai có vẻ kém cỏi hơn thì sắm được con búp bê trông thật ngộ nghĩnh bởi những người Miền bắc chưa bao giờ nhìn thấy nó. Hiếm hoi mới có người sắm được chiếc xe gắn máy hãng Hon đa cũ kỹ, dân Miền bắc nhìn cứ gọi là lác cả mắt. Cũng vào thời điểm đó những đám tang mà dân Bắc gọi là " ma khô" được rộ lên khắp mọi nơi bởi vì Nhà nước đồng loạt chính thức báo tử đối với các con em hy sinh trong chiến trận Miền nam. Làng nào cũng có tang, dòng họ nào cũng chiết trên đầu vành khăn trắng. Nếu như ánh hào quang chỉ lóe lên trong khoảnh khắc, niềm vinh quang chỉ có thể đem lại cho một nhóm người nào đó thì sự đau thương tang tóc đã phủ khắp lên toàn dân tộc và nó dai dẳng kéo dài đi cùng năm tháng.
Cuộc sống thật phũ phàng, trên đất Bắc đầy dẫy những chiến sỹ giải phóng quân năm xưa một thời là thế ,nay trở lại đời thường kiếm kế mưu sinh tự nhiên mất hết mọi sỹ diện. Nhiều người lao vào làm ăn phi pháp, không ít người đã vi phạm pháp luật, bị Đảng, Chính quyền quy chụp là " công thần địa vị"; thoái hóa biên chất; gây rối; chống phá đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước. Những người vợ liệt sỹ đã không còn giữ được phẩm hạnh của mình, bất chấp dư luận tự tìm cho mình hạnh phúc nhỏ nhoi cho dù có muộn màng, và không thể toại nguyện song còn hơn không. Những danh hiệu liệt sỹ, thương binh dần dần cũng phai nhạt, chẳng ai quan tâm, chẳng ai nhắc đến, những bà mẹ có con là liệt sỹ bắt đầu cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo.
Gỉai phóng, lẽ thường các nước trên thế giới, người dân hân hoan, đón nhận và cuộc sống từ đó được đổi đời, vậy mà ở Việt nam hàng triệu người lại phải bất chấp mạng sống của mình để tìm đến tự do nơi đất khách quê người. Giải phóng mà bốn thập niên trôi qua nhìn lại hình ảnh đất nước ta, dân tộc ta ngày càng tụt hậu so với các nước ngay trong khu vực của mình. Bốn mươi năm qua mà sự đau thương tang tóc vẫn bám riết theo đất nước này đó là sự nghèo đói; những di chứng chiến tranh và lòng hận thù, đố kỵ vẫn chưa hề vợi đi. Người chiến thắng vẫn luôn tung hô, vỗ ngực tự hào và giáo dục cho thế hệ sau như một truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc. Và theo đó kẻ chiến bại càng găm trong lòng một mối thù truyền kiếp.
Than ôi! Cái gọi là " giải phóng" có một không hai này chỉ có ở Việt nam.
Thanh Thảo

No comments:

Post a Comment