Chủ Nhật 26.4.2015
Kính thưa quý thính giả, để điểm lại những sự kiện nổi bật tuần qua
xin mời các bạn thính giả theo dõi buổi hội luận giữa ĐPV Hoàng Ân và PV
Trường An.
Hoàng Ân:Trong tuần qua, Ủy ban Bảo vệ Ký giả Thế giới
đã công bố một danh sách đen gồm 10 quốc gia kiểm duyệt khắt khe nhất
thế giới, có nghĩa là vi phạm quyền tự do báo chí trầm trọng nhất, trong
đó có VN. Xin anh nhắc lại tóm tắt sự kiện này để gửi đến quý thính giả
của đài DLSN cùng nghe?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Vào hôm 21/4 vừa qua, Ủy ban Bảo vệ Ký giả Thế giới đã công bố một
danh sách đen gồm 10 quốc gia có sự kiểm duyệt internet khắt khe nhất
thế giới đồng nghĩa với việc các quốc gia này có sự vi phạm quyền từ do
báo chí trầm trọng nhất trong đó có VN.
Được biết, Uỷ ban Bảo vệ Ký giả xếp VN vào hàng thứ 6, với lời giải
thích là các tờ báo ở VN đều trực thuộc đảng cộng sản, không hề có một
tờ báo tư nhân nào. Báo cáo cũng nhấn mạnh là những blogger, tức nhà báo
lề dân, đều bị trấn áp thô bạo, không chỉ bị kết án tù thật nặng mà còn
bị công an hành hung dã man trên đường phố. Theo ước tính của tổ chức
này thì có ít nhất 16 nhà báo lề dân đang ngồi tù ở VN.
Trước đó vào năm ngoái, một tổ chức ký giả khác là Phóng viên Không
biên giới cũng liệt kê VN vào danh sách các nước bị xem là "kẻ thù của
internet" với hàng loạt nghị định khắt khe nhằm đàn áp những tiếng nói
bất đồng chính kiến. Trong khi đó thì vào hôm thứ Hai, trưởng ban tuyên
giáo trung ương Đinh Thế Huynh cũng ra lệnh cho giới phóng viên báo chí
VN phải đấu tranh không khoan nhượng với các "thế lực thù địch" nhân
ngày kỷ niệm 65 năm thành lập ngành báo chí cộng sản.
Hoàng Ân: Trong một diễn biến khác, các tổ chức dân
sự xã hội VN lần đầu tiên đã tận dụng diễn đàn ASEAN để vạch trần sự lừa
bịp của các tổ chức dân sự do bạo quyền VN dàn dựng để tham gia diễn
đàn này. Anh vui lòng nói chi tiết hơn về sự kiện này?
Trường An: Đúng như chị vừa nói, trong mấy năm qua,
khối ASEAN đã mở các hội nghị xã hội dân sự để các tổ chức phi chính phủ
ở Đông Nam Á có cơ hội thảo luận và chia xẻ kinh nghiệm về việc bảo vệ
nhân quyền và cải tổ xã hội. Hội nghị năm nay diễn ra tại Mã Lai vào hai
ngày 23 và 24 tháng 4, với hàng ngàn người tham dự. Về phía người Việt,
ngoài một phái đoàn do cộng sản Hà Nội gửi đến, có sự tham dự của nhiều
đại diện thuộc các tổ chức và hội đoàn dân sự độc lập trong và ngoài
nước.
Trong phần trình bày của mình, các đại diện dân sự của VN đã vạch
trần bản chất quốc doanh của phái đoàn Hà Nội, đồng thời trình bày những
trường hợp vi phạm nhân quyền trầm trọng tại VN, từ đàn áp tôn giáo,
cướp đất của dân, cho đến việc hành hung những tiếng nói bất đồng chính
kiến. Một số tổ chức dân sự không gửi được đại diện vì bị bạo quyền Hà
Nội cấm xuất cảnh, nhưng đã gửi các bài tham luận của mình đến diễn đàn,
trong đó có cô Huỳnh Thục Vy, đại diện Hội Phụ nữ Nhân quyền tại VN,
với bài tham luận nói về tình trạng đàn áp tôn giáo tại VN.
Hoàng Ân: Anh có nhận như thế nào về việc ngư dân đảo Lý Sơn điêu đứng vì bị quân Trung Cộng tấn công ở quần đảo Hoàng Sa của VN?
Trường An: Theo như tôi được biết, trong hai ngày
tiếp xúc tìm hiểu nguyện vọng của ngư dân ở đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi,
một đoàn giám sát thuộc quốc hội VN đã được nghe trình bày về tình trạng
nguy hiểm của các ngư dân khi hành nghề ở vùng biển Hoàng Sa.
Theo lời trình bày thì kể từ năm 2007, trong khi các trận mưa bão đã
nhận chìm 32 tàu thuyền, thì có đến 82 tàu bị quân Trung Cộng bắt giữ,
đòi tiền chuộc hoặc đập phá và cướp bóc tài sản trên vùng biển Hoàng Sa.
Chỉ tính riêng trong năm ngoái đến nay, đã có 22 tàu cá Lý Sơn bị quân
Tàu tấn công cướp bóc, gây thiệt hại nặng nề về tài sản. Một ngư dân cho
biết là mỗi chuyến ra biển Hoàng Sa giống như đánh cược tính mạng của
mình, hễ thấy bóng dáng cái mà nhà cầm quyền quen gọi là "tàu lạ" là vội
vã chạy trốn.
Theo một số chuyên gia nhận định trong thời gian tới, giới ngư dân
Việt Nam sẽ trực diện với nhiều nguy hiểm hơn nữa khi bạo quyền Hà Nội
đã chấp nhận cho Trung Cộng điều động thêm nhiều tàu tuần tra và phi cơ
đến Hoàng Sa, trong cái gọi là phối hợp kiểm tra việc đánh bắt hải sản
với lực lượng hải cảnh VN. Đây cũng là một trong các thỏa ước mà Tổng bí
thư CSVN Nguyễn Phú Trọng đã ký kết với Tập Cận Bình trong chuyến viếng
thăm Trung Cộng vào đầu tháng này.
Hoàng Ân: Thế còn việc cộng sản VN đã quyết định
buộc tội anh Nguyễn Viết Dũng vì mặc áo có huy hiệu quân lực VNCH khi
tham gia tuần hành vì một Hà Nôi xanh thì sao thưa anh?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Sau 9 ngày bị bắt giam, anh Nguyễn Viết Dũng bị công an Hà Nội buộc
tội "gây rối trật tự công cộng" chỉ vì đã mặc bộ quân phục với phù hiệu
VNCH trong buổi tuần hành bảo vệ môi trường vào sáng Chủ nhật vừa qua ở
Hà Nội.
Xin được nhắc lại là Nguyễn Viết Dũng, biệt danh Dũng Phi Hổ, đã cùng
một nhóm bạn gắn phù hiệu VNCH đã bị công an lùng bắt sau cuộc tuần
hành "Vì một Hà Nội xanh" vào hai tuần trước. Theo những người tham dự
thì anh Dũng, một thanh niên đến từ tỉnh Nghệ An, cùng 4 người bạn đều
hiền lành nhã nhặn, không có một hành vi gây rối nào trong buổi tuần
hành nói trên.
Điều đáng nói hơn nữa là thông báo bắt người của công an được ký vào
ngày 13/4, nhưng đến hôm 20/4 vừa qua thì gia đình anh Dũng mới nhận
được. Trước đó, cô Nguyễn Thị Diệu Ánh, em gái của anh Dũng, đã liên tục
đến đồn công an quận Hoàn Kiếm để hỏi về số phận của anh mình, nhưng
không được trả lời. Nếu bị kết án về tội danh ấm ớ này, nhóm Nguyễn Viết
Dũng có thể lãnh án đến vài năm tù, tương tự như Bùi Thị Minh Hằng hay
nhiều người khác đang thọ án tại các trại giam với cùng tội danh.
Hoàng Ân: Xin được hỏi anh câu hỏi cuối trong buổi
hội luận ngày hôm nay. Anh có ghi nhận như thế nào về việc việc gia đình
nhà đấu tranh dân chủ Nguyễn Bắc Truyển tiếp tục bị đàn áp thô bạo?
Trường An: Kể từ khi ra tù vào năm 2010, tù nhân
lương tâm Nguyễn Bắc Truyển và gia đình liên tục bị bạo quyền địa phương
làm khó dễ. Không chỉ bị sách nhiễu tại địa phương, mỗi khi đi đến tỉnh
thành khác cũng bị bọn an ninh bám theo và thậm chí hành hung một cách
tàn bạo.
Trong lá thư vừa phổ biến trên mạng, ông Nguyễn Bắc Truyển cho biết
các sách nhiễu mới nhất của bạo quyền là cúp điện và dùng sơn vẽ hàng
chữ "cần bán nhà gấp" ở hai bên cổng tường. Trong thời gian qua, căn nhà
của ông ở huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp liên tục bị công an vô cớ ập vào
khám xét, đập phá đồ đạc hoặc lấy mang đi mà không lập biên bản. Vào hôm
qua thì nhà bị cúp điện với lý do quá 6 tháng không báo cáo số điện xử
dụng.
Hoàng Ân: Cám ơn PV Trường An đã chia sẻ các tin tức và nhận xét để
gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại anh và
quý thính giả trong chương trình tuần tới.
No comments:
Post a Comment