Thứ Năm, ngày 30.04.2015
30 Tháng 4 năm nay vừa tròn đúng 40 năm, ngày chiến xa CSVN ủi xập
hàng rào Dinh Độc Lập, đánh dấu ngày kết thúc cuộc chiến ý thức hệ, hay
cuộc chiến quốc cộng, giải phóng miền Nam hay gì gì đi nữa thì việc
thống nhất đất nước với cái giá không nhỏ bởi vì hàng trăm ngàn, thậm
chí hàng triệu người Việt đã phải bỏ mình trên trận địa, trong ngục tù
cải tạo hay trên đường vượt thoát là điều lẽ ra không nên có.
Trong lúc nhà nước cộng sản huy động tài vật lực để tổ chức ăn mừng
chiến thắng từ Nam chí Bắc một cách rầm rộ với những cuộc bắn pháo hoa,
hay diễn hành trên đường phố để chứng tỏ uy lực của đảng cộng sản, thì
tại hải ngoại, bất cứ nơi nào có đông người Việt cư ngụ thì nơi đó ít
nhiều đều có các buổi tưởng niệm ngày đau buồn của đất nước. Thực tế này
đưa đến một nhận định đau lòng: Sau 40 năm thống nhất, khối người Việt
trong và ngoài nước không đoàn kết được với nhau trước hiểm họa Bắc
thuộc lần thứ 5, bởi vì đảng CSVN vẫn còn đó, vẫn cam tâm ôm cứng 16 chữ
vàng và 4 tốt miễn sao duy trì được ngôi vị lãnh đạo độc tôn muôn năm
trường trị. Đất nước chúng ta hết hy vọng rồi chăng? Câu trả lời dứt
khoát là KHÔNG. Chúng ta còn rất nhiều hy vọng. Mời nghe một người trẻ
với tấm lòng thiết tha về quê hương dân tộc, một anh thư nước Việt thời
hiện đại, chị Huỳnh Thục Vy chia sẻ:
Tháng Tư lại về...
Những vết thương âm ỉ lại thêm một lần đau nhức trong tâm thức
nhiều người Việt, những người đã từng chịu đau thương vì cuộc xâm lược
mà những người cộng sản Bắc Việt đã áp đặt lên miền Nam. Là một người
trẻ sinh sau 1975, tôi không phải nếm trải những kinh nghiệm đau đớn
trong cuộc chiến này. Nhưng hằng năm, cứ vào dịp này, trong lòng tôi lại
rộn lên những hoài niệm về giấc mơ thời tuổi trẻ của ba tôi những ngày
sống dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Tôi không phải là người sống với quá khứ vì tôi còn trẻ và tương
lai còn dài. Nhưng tôi tôn trọng những giá trị đã đạt được của tiền
nhân, tôi thương yêu và ước gì, tôi có thể xoa dịu được tất cả những ai
phải chịu những đớn đau, mất mát trong quá khứ đau buồn đó. Cứ mỗi tháng
Tư về, tôi nhớ đến rất nhiều điều của quá khứ tang thương miền Nam, đất
nước của ông bà tôi, đất nước thời niên thiếu của ba tôi. Tôi nhớ đến
những sĩ quan quân đội đã tuẫn tiết vì thất bại trong nỗ lực bảo vệ quốc
gia tự do của mình. Tôi nghĩ đến hàng trăm ngàn người bị sóng biển Đông
nhấn chìm. Tôi nhớ đến hàng ngàn quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa phải
bỏ mạng trong các trại lao động khổ sai. Tôi cũng nghĩ đến bố chồng tôi,
một viên cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa, đã bị đột quỵ và mất hết ý chí
sống từ sau 1975.
Một đảng viên cộng sản kỳ cựu, từng là phó TBT báo Nhân Dân, từng có
mặt tại Dinh Độc Lập đúng vào trưa ngày 30 tháng 4 năm 75 để nhận sự đầu
hàng của TT Dương Văn Minh, tỵ nạn tại Pháp và sau đó trở thành nhà báo
tự do, ông Bùi Tín cảnh báo:
Trống kèn ầm ỹ, pháo hoa khắp nơi, duyệt binh hoành tráng chỉ còn
là màn khói mỏng che đậy những sai lầm và tội ác chồng chất cùng những
bất công kinh khủng mà xã hội không còn có thể chịu đựng nổi.
Đến nay mọi sự sai lầm, giả dối, lừa lọc, mỵ dân của các khóa Bộ
Chính Trị đều đã và đang phá sản, nhiều đảng viên CS có công tâm, trọng
danh dự đã lên tiếng đòi đảng phải từ bỏ cái tên CS tội lỗi, thực hiện
chế độ đa nguyên để có kiểm tra, tranh đua, thay thế cùng với các đảng
khác trên cơ sở bình đẳng, tạ tội với toàn dân. Nếu Bộ Chính Trị vẫn cứ
chủ quan ngang ngược, họ sẽ vấp phải sự phẫn nộ của toàn dân được thế
giới dân chủ hỗ trợ, họ sẽ ngày càng bị cô lập, và họ sẽ không tránh
khỏi là những kẻ phạm tội ác, bị toàn dân hỏi tội trước vành móng ngựa
của luật pháp công minh. Hồ sơ tội phạm đã đầy đủ đến thừa thãi.
Và sau cùng, một bước tiến tới của người dân thấp cổ bé miệng hôm nay
sẽ là một bước lùi của nhà cầm quyền cộng sản ngày mai không xa. Xin
mượn lời của Nguyệt Quỳnh để kết luận:
Bốn mươi năm đã quá đủ để người tù vừa rời khỏi trại giam vẫn
vững vàng bước chân, để người dân ngừng lời than oán cùng sát vai nhau
đòi lại cái quyền làm chủ đất nước này. Hàng trăm người ở Cam Ranh đã
xuống đường đòi quyền được đối thoại, hàng ngàn người ở Bình Thuận đã
xuống đường đòi giải quyết môi trường ô nhiễm, hàng ngàn người ở Hà Nội
đã tuần hành để bảo vệ cây xanh, và hàng chục ngàn công nhân đã xuống
đường để phản đối điều 60 Luật Bảo Hiểm Xã Hội... Những bước chân dồn
dập của người dân trên các nẻo đường đất nước đang làm rung chuyển chế
độ độc tài.
Tôi nghĩ đến Nguyễn Đặng Minh Mẫn, người thiếu nữ vừa mới bị biệt
giam tuần rồi và câu nhắn của cô qua một tù nhân lương tâm. Quả thật
Minh Mẫn vẫn " trước sau như một" .Tám năm tù với biết bao nhiêu lần
biệt giam không khuất phục nổi người thiếu nữ nhỏ nhắn này. Như bao
nhiêu người trẻ đang chịu trù dập, bách hại cho quê hương mình, Minh Mẫn
chính là cánh thiên nga trong lời thơ của thi sĩ Tagore và tôi tin rằng
ban mai thế nào cũng đến, bóng tối sẽ tan đi và tiếng đập cánh của
thiên nga sẽ xé vòm trời rực rỡ.
Chúng tôi xin kết thúc phần tản mạn ngắn ngủi này với lời kêu gọi mọi
người lắng lòng dành ra một phút để tưởng nhớ anh linh các nạn nhân của
chế độ đã bỏ mình trước và sau cuộc chiến cách đây 40 năm. Đặc biệt để
vinh danh và tưởng niệm 5 vị tướng lĩnh VNCH đã tuẩn tiết trong những
ngày cuối cùng vì cho rằng đã không bảo vệ được miền Nam tự do thân yêu:
Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Chuẩn Tướng Lê
Văn Hưng, Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai.
No comments:
Post a Comment