CÔNG AN TRUY TỐ NHÓM THANH NIÊN MANG PHÙ HIỆU QUÂN LỰC VNCH
Vào sáng ngày 27/4 vừa qua, công an đã ập vào tư gia, lục soát và đọc
lệnh bắt giữ của các thanh niên mặc quân phục và mang phù hiệu quân lực
VNCH trong cuộc tuần hành "Vì một Hà Nội xanh" vào 3 tuần trước.
Tại nhà anh Nguyễn Viết Dũng ở tỉnh Nghệ An, công an đã tịch thu một
bộ quân phục VNCH và máy computer trong khi anh Dũng vẫn bị giam nhốt
tại đồn công an quận Hoàn Kiếm. Lệnh bắt giữ anh và nhóm đồng hành ghi
rõ là họ sẽ bị truy tố về tội "gây rối trật tự công cộng".
Cần nhắc lại là Nguyễn Viết Dũng 29 tuổi, biệt danh là Dũng Phi Hồ,
bị bắt vào trưa ngày 12/4 tại một quán trà đá ở Hà Nội. Là một thanh
niên sinh ra sau chiến tranh và lớn lên ở Nghệ An, anh Dũng có một tình
yêu cháy bỏng với chế độ VNCH sau khi tìm hiểu về chế độ này. Một tuần
trước khi bị bắt, Dũng và nhóm bạn đã công khai ra tuyên cáo thành lập
đảng Cộng Hòa, với biểu tượng là lá cờ vàng ba sọc đỏ.
Trong mấy tuần qua, nhiều nhóm thanh niên sinh viên ở Úc châu đã
xuống đường xin chữ ký để yêu cầu bạo quyền Hà Nội trả tự do cho nhóm
anh Dũng. Thỉnh nguyện thư sẽ được gửi đến Ngoại trưởng Úc và nhiều dân
biểu nghị sĩ để họ can thiệp cho trường hợp anh Dũng.
MỘT NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT THIỆT MẠNG TRONG VỤ ĐỘNG ĐẤT Ở NEPAL
Bộ ngoại giao Mỹ xác nhận là một người Việt đã thiệt mạng trong vụ
động đất dữ dội ở Nepal. Nạn nhân là ông Trương Vĩnh, một trong 4 công
dân Mỹ, bị thiệt mạng trên đỉnh núi Everest khi tuyết lở vùi lấp khu cắm
trại của họ.
Trong khi đó thì trái ngược với những gì tòa lãnh sự VN ở Nepal loan
báo, một nhóm 5 người Việt vẫn còn kẹt lại ở thị trấn Namche, có độ cao
hơn 3 cây số, cách thủ đô Kathmandu khoảng 3 ngày đi bộ. Hai ngày trước
đây, tòa đại sứ VN ở Ấn Độ tuyên bố là 4 người này đã được trực thăng di
tản về tòa lãnh sự VN ở Kathmandu. Tuy nhiên theo tờ báo Thanh Niên thì
vào hôm qua, một thành viên trong nhóm này đã gọi điện về cho gia đình,
thông báo là họ vẫn còn bị kẹt trên núi và đang kiệt sức sau mấy ngày
đi bộ.
Trong khi đó thì một số nguồn tin trên mạng cho biết là hiện còn hàng
chục người Việt, trong đó có nhiều người sinh sống tại Nepal, vẫn còn
mất tích hay chưa liên lạc được. Những người này đa số là đi hành hương
hoặc đi thăm nơi Đức Phật ra đời.
HÀNG CHỤC NGƯỜI TỬ NẠN GIAO THÔNG TRONG NGÀY NGHỈ LỄ ĐẦU TIÊN
Ủy ban An toàn Giao thông VN vào hôm qua loan báo là chỉ trong ngày
nghỉ lễ đầu tiên, đã có 28 vụ tai nạn giao thông diễn ra trên toàn quốc,
khiến 22 người chết và 22 người khác bị thương. Trong khi đó thì tình
trạng tắc nghẽn giao thông cũng diễn ra trầm trọng tại các thành phố Sài
Gòn và Hà Nội khi hàng triệu người chen chúc đón xe hay lái xe về quê.
Theo số liệu của ủy ban này thì ngoài ra các vụ tai nạn, lực lượng
công an đã phạt vạ hơn 9 ngàn vụ vi phạm giao thông, tạm giữ 61 xe hơi,
một ngàn xe gắn máy và tước bằng lái của 170 người. Trong một vụ điển
hình, một xe đò 30 chỗ ngồi nhưng đã chở đến 100 hành khách trên tuyến
đường Móng Cái – Nam Định.
Tại Sài Gòn thì các ngã đường dẫn về các tỉnh đều lâm vào cảnh kẹt xe
trầm trọng từ đêm 27/4. Một số tuyến đường đã kẹt xe dài đến mấy cây số
suốt nhiều tiếng đồng hồ.
NGƯỜI DA ĐEN NỔI LOẠN TẠI THÀNH PHỐ BALTIMORE CỦA MỸ
Chính phủ Mỹ đã ra lệnh giới nghiêm và đưa quân đội đến thành phố
Baltimore để ngăn chận tình trạng bạo loạn đang lan rộng vì cái chết của
một người da đen trong đồn cảnh sát.
Lệnh giới nghiêm được khẩn cấp ban hành sau khi đám đông đốt phá các
cửa tiệm và xe cộ trong thành phố, và tấn công lực lượng cảnh sát. Nhiều
trường học và công ty đã nhận lệnh đóng cửa.
Cuộc bạo loạn diễn ra sau tang lễ của anh Freddie Gray 25 tuổi, bị
thiệt mạng trong đồn cảnh sát vào hôm 19/4, gây thêm căm phẫn trong cộng
đồng người da đen sau một số vụ thiệt mạng dưới tay cảnh sát Mỹ. Sáu
cảnh sát đã bị ngưng chức để điều tra về cái chết của anh Gray, nhưng
vẫn không dập tắt được sự phẫn nộ của người da đen.
KÝ GIẢ PHÁP PHANH PHUI VỤ THẢM SÁT Ở TÂN CƯƠNG VÀO THÁNG 7 NĂM NGOÁI
Sau nhiều tháng nỗ lực, một số ký giả thuộc thông tấn xã Pháp đã đến
được Tân Cương để tìm hiểu sự thật về vụ Trung Cộng thảm sát hàng trăm
người dân Hồi Hột vào tháng 7 năm ngoái.
Theo lời kể của các nhân chứng, bản tin vào hôm qua của Pháp Tấn Xã
(AFP) cho biết là hàng ngàn người cũng bị mang đi biệt tích trong vụ đàn
áp mà báo chí Trung Cộng loan tin là một băng đảng trang bị dao búa đã
tấn công vào một đồn công an và công sở, khiến lực lượng an ninh phải nổ
súng chống trả, khiến 96 người chết.
Tuy nhiên người dân Tân Cương cho biết là vào ngày 28/7 hôm đó, họ rủ
nhau xuống đường phản đối bạo quyền Bắc Kinh ra lệnh cấm hành lễ trong
mùa chay Ramadan của người Hồi giáo. Công an đã nã đạn vào đám đông
khoảng 1000 người, và bắt giữ toàn bộ những người còn sống, cho đến nay
vẫn không ai biết về số phận của họ ra sao.
CON SỐ NẠN NHÂN TRONG VỤ ĐỘNG ĐẤT Ở NEPAL CÓ THỂ LÊN ĐẾN 10 NGÀN NGƯỜI
Cơ quan LHQ vào hôm qua loan báo là họ sẽ trích ra 15 triệu Mỹ kim để
trợ giúp khẩn cấp cho Nepal, trong khi giới hữu trách và các tổ chức
quốc tế lo sợ là con số người chết có thể vượt qua mức 10 ngàn người
trong vụ động đất có cường độ 7.9 Richter.
Theo các số liệu mới nhất thì con số người chết đã vượt qua mức 5
ngàn người, và hơn 9 ngàn người khác bị thương. Tuy nhiên giới hữu trách
cho biết là nhiều làng mạc đã bị san bằng và lực lượng cứu trợ chưa thể
đến nơi vì đường sá bị hư hỏng hay vùi lấp. Vấn nạn lớn nhất của Nepal
hiện nay là hàng triệu người đang lâm vào cảnh vô gia cư, thiếu thực
phẩm hay nước uống. Tổng thiệt hại được ước tính vào khoảng 5 tỷ Mỹ kim,
nhưng thiệt hại lớn nhất là nhiều di tích lịch sử vô giá đã bị hủy diệt
trong cơn động đất này.
No comments:
Post a Comment