BÀ BÙI THỊ MINH HẰNG LẠI TUYỆT THỰC PHẢN ĐỐI BỌN CAI TÙ
Anh Bùi Trung Nhân, con trai của bà Bùi Thị Minh Hằng, vừa loan báo
là bà Hằng đã tuyệt thực suốt 20 ngày qua tại trại giam Gia Trung tỉnh
Gia Lai để phản đối bọn cai tù đã tịch thu toàn bộ quần áo cá nhân của
bà. Lý do của việc tịch thu là vì bà Hằng nhất quyết không mặc các bộ đồ
tù có hàng chữ "Phạm nhân". Bà Hằng yêu cầu là muốn bà mặc quần áo này
thì phải ghi hàng chữ "tù nhân chính trị".
Ngoài lời kể của anh Bùi Trung Nhân sau chuyến đi thăm mẹ, cô Quỳnh
Anh, con gái bà Hằng, cũng cho biết là bà Hằng đã liên tục bị khủng bố
tinh thần, thậm chí là giới cai tù còn xúi giục những đồng tù khiêu
khích và xô xát với bà Hằng. Chính vì thế, bà Hằng đã mở cuộc tuyệt thực
từ ngày 2/4 vừa qua, và hiện nay sức khỏe rất suy yếu sau 20 ngày không
ăn uống.
Cần nhắc lại, bà Bùi Thị Minh Hằng là một phụ nữ được nhiều người
biết đến vì các hoạt động đấu tranh chống quân Tàu xâm lược và bênh vực
cho quyền con người tại VN. Bà Hằng bị bạo quyền bỏ tù về tội "gây rối
trật tự" sau khi đến thăm tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển ở Đồng
Tháp vào năm ngoái.
ỦY BAN BẢO VỆ KÝ GIẢ LẠI TỐ CÁO VN ĐÀN ÁP GIỚI BÁO CHÍ
Trong báo cáo đưa ra vào hôm qua, Ủy ban Bảo vệ Ký giả Quốc tế lên án
những vụ tấn công và khủng bố tinh thần giới báo chí tại nhiều quốc
gia, trong đó có bạo quyền VN.
Theo báo cáo thì mấy năm qua là thời kỳ hung hiểm nhất của giới ký
giả, không chỉ đến từ bọn khủng bố quốc tế mà còn là một số chế độ độc
tài bạo ngược. Theo báo cáo thì từ năm 1992 đến nay, hơn 1000 phóng viên
ký giả trên toàn thế giới đã bị sát hại, mà vụ man rợ nhất là vụ thảm
sát tại tòa soạn báo Charlie Hedbo vào đầu năm nay.
Báo cáo cũng lưu ý thế giới về các thủ đoạn đàn áp quyền tự do ngôn
luận ở 4 nước cộng sản Bắc Hàn, Trung Cộng, VN và Cuba, với hàng loạt
chính sách kiểm duyệt mạng lưới internet và hàng trăm bloggers bị bỏ tù
với các tội danh rất phi lý, điển hình như điều luật 258 của bạo quyền
Hà Nội có nội dung "lợi dụng các quyền tự do dân chủ để chống đảng và
nhà nước" với mức án lên đến 7 năm tù.
Theo ủy ban thì hiện có ít nhất 16 nhà báo lề dân bị bạo quyền VN bỏ
tù, trong khi các trang mạng có nội dung chống Tàu hay phê phán đảng
CSVN bị phong tỏa hoàn toàn. Ủy ban tuyên bố là việc mở cửa về kinh tế
không giúp cho VN cởi mở hơn về tự do báo chí, trái lại còn bắt chước
Trung Cộng để trở thành quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo nhất thế giới.
KHỐI ASEAN LÊN ÁN TRUNG CỘNG ĐANG PHÁ HOẠI HÒA BÌNH Ở BIỂN ĐÔNG
Kết thúc ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 26 ở Mã
Lai, khối ASEAN đã đưa ra một dự thảo về tuyên bố chung, trong đó có
đoạn lên án Trung Cộng đang làm xói mòn lòng tin của các nước, thậm chí
là phá hoại sự ổn định và hòa bình trong khu vực.
Bản dự thảo viết rằng, khối ASEAN chia sẻ các quan ngại của chính phủ
các nước về việc Trung Cộng rầm rộ xây dựng trên các hải đảo mà họ tấn
chiếm ở Biển Đông. Tuy nhiên, cũng như các tuyên bố khác, dự thảo chỉ
nhắc lại lập trường chung chung là đề nghị các nước phải giải quyết các
tranh chấp bằng đối thoại và không để cho tình huống trở nên xấu hơn.
Tuy nhiên, giới quan sát viên cho rằng, qua dự thảo này, khối ASEAN
rõ ràng là có phần nhượng bộ trước đòi hỏi của Philippines là khối ASEAN
phải đoàn kết và phải có biện pháp cứng rắn hơn đối với Trung Cộng. Hơn
thế nữa, việc Trung Cộng xây dựng các cơ sở hạ tầng tại các đảo ở
Trường Sa sẽ khống chế hải lộ giao thương quan trọng ở Biển Đông, gây uy
hiếp cho nhiều nước chứ không riêng gì VN hay Philippines.
HỒNG KÔNG BẮT GIỮ 8 NGƯỜI BIỂU TÌNH ĐÒI DÂN CHỦ
Nhà cầm quyền Hồng Kông đã bắt giam 8 người biểu tình sau cuộc xô xát
với cảnh sát vào chiều tối Chủ nhật với cáo buộc "gây rối trật tự công
cộng" và "tấn công nhân viên công lực".
Cuộc biểu tình ôn hòa biến thành cuộc xô xát khi cảnh sát xử dụng dùi
cui và hơi cay để giải tán đám đông đang tụ tập ở khu thương mại sầm
uất Mong Kok. Một ngày trước đó, một cuộc giao chiến cũng diễn ra tại
khu vực Kennedy Town khi người dân chận đường để chất vấn một đoàn xe
tuyên truyền về lộ trình bầu cử do nhà cầm quyền thân Bắc Kinh công bố
vào tuần trước.
Cần nhắc lại là, bất chấp làn sóng phản đối mãnh liệt của người dân
Hồng Kông, đặc biệt là cuộc biểu tình kéo dài mấy tháng vào cuối năm
ngoái, nhà cầm quyền Hồng Kông vào hôm 22/4 công bố lộ trình tuyển cử,
với số ứng viên chỉ khoảng 3 người, và phải được Bắc Kinh chấp thuận
trước.
HOA KỲ KÊU GỌI ĐÌNH CHIẾN Ở MIẾN ĐIỆN
Chính phủ Mỹ vào hôm qua kêu gọi quân đội Miến và lực lượng sắc tộc
nước này hãy đình chiến để tránh gây thêm tai họa cho thường dân đang
chạy trốn.
Cần biết là hai lực lượng này đã khai chiến dữ dội từ ngày 17/4,
khiến cho thỏa ước đạt được giữa chính phủ Miến và 16 tổ chức võ trang
sắc tộc đã bị tan vỡ. Tòa đại sứ Mỹ ở Miến Điện cho biết là hàng trăm
thường dân đang tháo chạy khỏi khu vực giao chiến ở tỉnh Rakhine. Đây là
lần đầu tiên mà lực lượng Arakan giao chiến với quân đội Miến sau nhiều
năm đình chiến.
Trong khi đó thì cuộc chiến giữa quân đội Miến và sắc tộc Kokang ở
sát biên giới Trung Cộng vẫn chưa chấm dứt. Vào tuần trước, báo chí Miến
loan tin là 16 binh sĩ tử trận khi mở cuộc hành quân càn quét lực lượng
này.
NAM HÀN VIỆN TRỢ PHÂN BÓN CHO NÔNG DÂN BẮC HÀN
Sau 5 năm đình chỉ viện trợ, chính phủ Nam Hàn vừa cho phép chuyển giao 15 ngàn tấn phân bón để trợ giúp cho nông dân Bắc Hàn.
Theo thông cáo của bộ Thống nhất Nam Hàn thì số phân bón này là của
tư nhân đóng góp và việc chuyển giao đến miền bắc sẽ do một tổ chức
thiện nguyện ở Nam Hàn đảm trách. Thông cáo nói rằng, đây là một việc
nhân đạo nên chính phủ Nam Hàn chấp thuận việc này.
Cần nhắc lại là từ năm 2010, sau vụ chiến hạm Cheonan bị Bắc Hàn bắn
chìm, Nam Hàn quyết định gia tăng mức độ cấm vận và ngưng mọi chương
trình trợ giúp thực phẩm cho Bắc Hàn.
No comments:
Post a Comment