Chủ Nhật, ngày 05.04.2015
Kính thưa quý thính giả, để điểm
lại những sự kiện nổi bật tuần qua xin mời các bạn thính giả theo dõi
buổi hội luận giữa ĐPV Hoàng Ân và PV Trường An.
Hoàng Ân: Cám ơn chị Mỹ Linh, HA xin kính chào quý thính giả đang theo dõi chuyên mục VNTQ, xin mến chào anh TA.
Trường An: TA xin kính chào quý thính giả đài DLSN, chào chị HA.
Hoàng Ân: Trong những ngày qua, mặc dù nhà cầm quyền
Hà Nội đã đình chỉ việc đốn hạ hàng ngàn cây cổ thụ trước sức ép của dư
luận, nhưng phong trào xuống đường bảo vệ cây xanh vẫn tiếp tục diễn ra
giữa thủ đô Hà Nội. Anh có ghi nhận như thế nào về sự kiện này?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Theo như tôi được biết vào cuối tuần qua, hàng trăm người dân Hà Nội
đa số là thanh niên sinh viên, đã diễu hành chung quanh Hồ Gươm, giương
cao các biểu ngữ như "chặt cây là tội ác", trước khi kéo đến tượng đài
Lý Thái Tổ, vị vua đã quyết định dời đô về Thăng Long, tức thành phố Hà
Nội ngày nay.
Tuy nhiên, cuộc tuần hành mất đi nhiều ý nghĩa tốt đẹp vì sự hiện
diện dày đặc của công an với ánh mắt thù nghịch và liên tục dùng loa
phóng thanh kêu gọi người dân giải tán. Cuộc tuần hành cũng diễn ra
trong lúc hàng ngàn nghị viên thế giới đang tham dự Hội nghị Liên minh
Quốc tế ở Hà Nội. Hai ngày trước đó, một số người trẻ tuổi cũng bị công
an sách nhiễu và hù dọa để ngăn cản họ xuống đường tham dự cuộc tuần
hành đầy ý nghĩa này.
Hoàng Ân: Cũng trong tuần qua, nhà cầm quyền VN đã
phải nhượng bộ trước áp lực đình công của hàng trăm ngàn công nhân ở Sài
Gòn, với lời hứa hẹn sẽ sửa đổi đạo luật bảo hiểm xã hội, theo đó thì
giới công nhân có quyền lựa chọn lãnh tiền ngay sau khi nghỉ việc hoặc
để dành cho đến khi về hưu. Xin anh nhắc lại sự kiện này cho quý thính
giả cảu đài cùng nghe?
Trường An: Đúng vậy, đây là một chiến thắng ngoạn
mục trong cuộc đình công kéo dài một tuần lễ của hàng trăm ngàn công
nhân ở Sài Gòn. Đây cũng là lần đầu tiên mà giới công nhân tại VN phản
đối nhà nước thay đổi luật lệ mà không hề thăm dò ý kiến của họ.
Vào hôm thứ 4 vừa qua, quốc hội VN cũng đã phải đề nghị sửa đổi đạo
luật bảo hiểm xã hội để thỏa mãn các yêu cầu của công nhân là được lãnh
khoản tiền này bất cứ khi nào họ muốn sau khi nghỉ việc.
Nhân đây tôi xin được nhắc lại, cuộc đình công tập thể này bắt đầu từ
ngày 26/3 vừa qua, với 90 ngàn công nhân thuộc công ty giày Pou Yuen
của Đài Loan đồng loạt đình công để phản đối qui định mới của nhà nước
VN là chỉ chi trả tiền bảo hiểm xã hội khi công nhân viên chức đến tuổi
về hưu, thay vì được lãnh ngay lập tức sau khi nghỉ việc.
Sau khi tuần hành trong khuôn viên, các công nhân đã kéo đến trước
cổng công ty sát quốc lộ 1A, gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng,
trong khi hàng ngàn công an bao vây chung quanh. Trước đó nhà cầm quyền
VN đã cử đại diện đến giải thích là luật mới sẽ khuyến khích người lao
động tích lũy vốn liếng trước khi về hưu, nhưng các công nhân vẫn không
chấp nhận nên đã đẫn đến cuộc đình công trên diện rộng tại nhiều tình
thành Miền Nam.
Hoàng Ân: Như anh vừa nói, quốc hội VN cũng đề nghị
sửa đổi đạo luật bảo hiểm xã hội để thỏa mãn các yêu cầu của công nhân.
Vậy theo anh tại sao làn sóng công nhân vẫn tiếp tục biểu tình lan rộng
sang các tỉnh khác như Tiền Giang, Tây Ninh, Long An?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài.
Theo tôi, hiện nay người lao động không còn tin vào giới lãnh đạo của
đảng CSVN bởi trong các cuộc đình công đòi quyền lợi chính đáng vừa
qua, chế độ CSVN được xác định chính là thủ phạm đã gây ra sự bất công
đối với giới công nhân cả nước. Qua đó, người ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng
đảng CSVN không hề đại diện cho giai cấp công nhân như những gì họ đã
tuyên truyền mà ngược lại, họ chỉ vì lợi của các các nhân cũng như coi
lợi ích của đảng cao hơn lợi ích của dân tộc.
Các cuộc đình công trước đây chủ yếu vẫn là những mâu thuẫn giữa
người lao động và công ty. Phía doanh nghiệp thường dễ dàng chấp nhận và
thoả hiệp trước những yêu cầu của công nhân. Xung đột giữ công nhân và
giới chủ có thể giải quyết được, vì cả hai bên đều cần nhau.
Tuy nhiên, cuộc đình công kéo dài liên tiếp 7 ngày qua là xung đột
giữa người lao động và chế độ CSVN. Cho đến thời điểm này, chế độ CSVN
vẫn tiếp tục tỏ ra không khoan nhượng. Do đó, làn sóng đình công sẽ tiếp
tục gia tăng mạnh hơn trong mấy ngày qua tại các tỉnh Tiền Giang, Tây
Ninh, Long An và một số tỉnh khác.
Theo tôi, CSVN có muốn khoan nhượng cũng không thể được. Vì quỹ lương
hưu và bảo hiểm xã hội do CSVN nắm giữ đã cạn kiệt, chuẩn bị bước sang
giai đoạn đổ vỡ. Để cứu vãn tình thế, CSVN tung quái chiêu 'giữ tạm'
tiền công nhân, vài chục năm sau tiếp tục màn xù nợ như kịch bản đánh tư
sản, đổi tiền tại miền Nam Việt Nam sau năm 75.
Hoàng Ân: Trong một diễn biến khác, Chính phủ Nhật
Bản vừa lên tiếng cảnh báo cầm quyền VN về tệ nạn hối lộ các dự án mà
phía Nhật Bản tài trợ. Anh vui lòng nói chi tiết rõ hơn về sự kiện này?
Trường An: Đúng như chị vừa nhắc tới, Cơ quan Hợp
tác Quốc tế Nhật (JICA) vào hôm1 /4 đã cảnh cáo nhà cầm quyền VN là nếu
tiếp tục xảy ra các vụ hối lộ tại các dự án mà Nhật tài trợ thì chính
phủ Nhật sẽ đình chỉ toàn bộ chương trình này.
Lời cảnh cáo này được ông Yamamoto Kenichi, phó phòng JICA tại VN,
đưa ra trong cuộc họp báo cùng ngày. Ông Kenichi cho biết là dân chúng
Nhật rất phẫn nộ khi biết về hai vụ hối lộ trong các dự án mà Nhật tài
trợ ở VN.
Xin được nhắc lại, vào năm 2008, báo chí Nhật phanh phui ra vụ hối lộ
lên đến mấy triệu Mỹ kim tại dự án xây hầm vượt sông ở Thủ Thiêm. Vào
tháng 3 năm ngoái thì giám đốc một công ty cố vấn về giao thông của Nhật
thú nhận trước tòa án là đã hối lộ khoảng 1 triệu Mỹ kim cho một số
quan chức cao cấp trong ngành hỏa xa VN để được trúng thầu.
Hoàng Ân: Thế còn việc lợi tức đầu người của VN chỉ cao hơn Lào và Campuchia thì sao thưa anh?
Trường An: Cơ quan thống kê của khối ASEAN vừa công
bố số liệu của năm 2013, theo đó thì lợi tức đầu người ở VN vào khoảng
1900 Mỹ kim một năm, chỉ cao hơn chút ít so với Lào, Miên và Miến Điện
nhưng vẫn còn cách xa các nước khác. Theo số liệu này thì tổng sản lượng
quốc nội của VN vào năm 2013 vào khoảng 171 tỷ Mỹ kim, bằng một nửa
Thái Lan và Singapore.
Trong khi đó thì điệp khúc "được mùa nhưng mất giá" lại diễn ra khiến
giới nông dân trồng lúa gạo ở miền Nam tiếp tục điêu đứng. Tương tự như
các năm trước, giới nông dân miền Nam đã trúng được mùa lúa đông xuân,
với diện tích hơn 1 triệu 600 ngàn mẫu, nhưng nhiều nông dân phải để lúa
chín rục trên đồng hoặc gặt xong thì chất đống trên ruộng vì không có
người mua. Và nếu có bán thì giá lúa vào khoảng 4 ngàn đồng một ký,
tương đương 20 xu Mỹ, thì vẫn lỗ nặng.
Hoàng Ân: Cám ơn PV Trường An đã chia sẻ các tin tức
và nhận xét để gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt và
hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.
No comments:
Post a Comment