Thursday, April 2, 2015

Tin tức ngày thứ Năm, 02.04.2015

GIỚI CÔNG NHÂN CHIẾN THẮNG SAU 7 NGÀY ĐÌNH CÔNG RẦM RỘ

Nhà cầm quyền VN đã phải nhượng bộ trước áp lực đình công của hàng trăm ngàn công nhân ở Sài Gòn, với lời hứa hẹn sẽ sửa đổi đạo luật bảo hiểm xã hội, theo đó thì giới công nhân có quyền lựa chọn lãnh tiền ngay sau khi nghỉ việc hoặc để dành cho đến khi về hưu.
Đây là một chiến thắng ngoạn mục trong cuộc đình công kéo dài một tuần lễ của hàng trăm ngàn công nhân ở Sài Gòn. Đây cũng là lần đầu tiên mà giới công nhân tại VN phản đối nhà nước thay đổi luật lệ mà không hề thăm dò ý kiến của họ.
Cuộc đình công khởi đầu với khoảng 90 ngàn công nhân thuộc công ty làm giày Pou Yuen của Đài Loan ở khu công nghiệp Tân Tạo của quận Tân Bình, nhưng đã lan sang nhiều công ty và tỉnh thành lân cận trong mấy ngày qua, bất chấp các dụ dỗ lẫn đe dọa của công an và tổng liên đoàn lao động VN.
Vào hôm qua, quốc hội VN cũng đề nghị sửa đổi đạo luật bảo hiểm xã hội để thỏa mãn các yêu cầu của công nhân là được lãnh khoản tiền này bất cứ khi nào họ muốn sau khi nghỉ việc.

XÃ HỘI VN ĐANG TRÊN ĐƯỜNG CHUYỂN MÌNH

Giới quan sát viên trong và ngoài nước đều đưa ra nhận định là xã hội VN đang có những chuyển động tốt đẹp, với hai cuộc biểu tình và đình công lớn ở miền bắc lẫn miền nam khiến nhà cầm quyền phải nhượng bộ trước các đòi hỏi chính đáng của người dân.
Theo nhận định nói trên thì đây là lần đầu tiên, phong trào "bất tuân dân sự" đang thổi một luồng gió mới vào xã hội VN. Thuật ngữ "bất tuân dân sự" đang được nhắc đến nhiều ở trong nước, lấy ý từ cuộc xuống đường đòi hòi tự do ứng cử và bầu cử của người dân Hồng Kông. Luật sư Nguyễn Văn Đài, một khuôn mặt đấu tranh nổi tiếng ở VN, nhận định là người Việt đang học hỏi các phương thức đấu tranh ôn hòa của thế giới để đòi hỏi các quyền lợi thiết thực cho chính mình và xã hội.
Cần nhắc lại, tại Sài Gòn, cuộc đình công của hàng chục ngàn công nhân đã khiến tập đoàn lãnh đạo phải hứa hẹn sửa đổi đạo luật bảo hiểm mới ban hành, có hiệu lực kể từ đầu năm tới.

NHẬT CẢNH CÁO VN VỀ TỆ NẠN HỐI LỘ TẠI CÁC DỰ ÁN MÀ NHẬT TÀI TRỢ

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật (JICA) vào hôm qua cảnh cáo nhà nước VN là nếu tiếp tục xảy ra các vụ hối lộ tại các dự án mà Nhật tài trợ thì chính phủ Nhật sẽ đình chỉ toàn bộ chương trình này.
Lời cảnh cáo này do ông Yamamoto Kenichi, phó phòng JICA tại VN, đưa ra trong cuộc họp báo vào hôm qua. Ông Kenichi cho biết là dân chúng Nhật rất phẫn nộ khi biết về hai vụ hối lộ trong các dự án mà Nhật tài trợ ở VN.
Cần nhắc lại là vào năm 2008, báo chí Nhật phanh phui ra vụ hối lộ lên đến mấy triệu Mỹ kim tại dự án xây hầm vượt sông ở Thủ Thiêm. Vào tháng 3 năm ngoái thì giám đốc một công ty cố vấn về giao thông của Nhật thú nhận trước tòa án là đã hối lộ khoảng 1 triệu Mỹ kim cho một số quan chức cao cấp trong ngành hỏa xa VN để được trúng thầu.

LỢI TỨC BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI Ở VN CHỈ CAO HƠN LÀO VÀ CAMPUCHIA

Cơ quan thống kê của khối ASEAN vừa công bố số liệu của năm 2013, theo đó thì lợi tức đầu người ở VN vào khoảng 1900 Mỹ kim một năm, chỉ cao hơn chút ít so với Lào, Miên và Miến Điện nhưng vẫn còn cách xa các nước khác. Theo số liệu này thì tổng sản lượng quốc nội của VN vào năm 2013 vào khoảng 171 tỷ Mỹ kim, bằng một nửa Thái Lan và Singapore.
Trong khi đó thì điệp khúc "được mùa nhưng mất giá" lại diễn ra khiến giới nông dân trồng lúa gạo ở miền Nam tiếp tục điêu đứng. Tương tự như các năm trước, giới nông dân miền Nam đã trúng được mùa lúa đông xuân, với diện tích hơn 1 triệu 600 ngàn mẫu, nhưng nhiều nông dân phải để lúa chín rục trên đồng hoặc gặt xong thì chất đống trên ruộng vì không có người mua. Và nếu có bán thì giá lúa vào khoảng 4 ngàn đồng một ký, tương đương 20 xu Mỹ, thì vẫn lỗ nặng.

TRUNG CỘNG ĐANG XÂY "VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH" Ở BIỂN ĐÔNG

Tư lệnh hạm đội 7 của Mỹ, đô đốc Harry Harris, vừa lên tiếng cảnh báo thế giới là Trung Cộng đang có tham vọng xây dựng một "vạn lý trường thành" ở Biển Đông.
Phát biểu trong chuyến viếng thăm Úc vào hôm thứ Ba, Đô đốc Harris cho biết là Trung Cộng đã bơm cát để san lấp một số đảo san hô, hình thành một cứ điểm rộng đến 4 cây số vuông ở quần đảo Trường Sa, nơi đang có tranh chấp về chủ quyền với VN, Philippines, Brunei, Đài Loan và Mã Lai. Ông Harris nhấn mạnh rằng, đây là một hành động chưa hề có tiền lệ trên thế giới.
Trong khi đó thì một thuộc cấp của ông Harris lại thúc giục quân đội Nhật mở rộng việc tuần tra đến Biển Đông để ngăn chận sự bành trướng của Trung Cộng tại vùng biển này. Phát biểu tại Nhật, đô đốc Robert Thomas, tuyên bố là đạo luật phòng vệ chung mà quốc hội Nhật vừa thông qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hạm đội 7 của Mỹ và hải quân Nhật phối hợp tuần tra tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

NGÀNH HÀNG KHÔNG THÁI LAN BỊ THẾ GIỚI TẨY CHAY

Hàng loạt quốc gia đã ra quyết định ngăn cấm các máy bay Thái Lan vào không phận của họ vì không đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn.
Cần biết là quyết định này được đưa ra sau khi Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) công bố kết quả kiểm tra mới nhất về mức độ an toàn của các máy bay và phẩm chất phi công Thái Lan. Vào tuần trước, chính phủ Nhật đã ra lệnh đình chỉ mọi chuyến bay của hãng Thai Airways đến Nhật. Ngay sau đó thì Nam Hàn cũng từ chối kế hoạch mở đường bay thẳng đến Nam Hàn của hãng Asia Atlantic Airlines. Và cuối tuần qua thì Trung Cộng cũng không cho phép hãng Orient Thai Airlines mở đường bay đến Hoa Lục.
Riêng Hoa Kỳ thì chưa có quyết định gì sau khi nhận kết quả của ICAO. Tuy nhiên việc tẩy chay của một số nước khiến cho ngành hàng không Thái Lan lại thêm điêu đứng sau cuộc đảo chánh quân sự vào tháng 5 năm ngoái, với số lượng du khách đến nước này đang giảm mạnh.

No comments:

Post a Comment