Sunday, October 5, 2014

Nói Với Người Cộng Sản

Chủ Nhật 05.10.2014   
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Hải Nguyên
Thưa quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,
Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, người Việt Nam chúng ta thường nghe người dân truyền tai nhau câu: "người miền Nam nhận họ, người miền Bắc nhận hàng". Câu nói đó thật bình dân nhưng cũng vô cùng sâu sắc, nó đã diễn tả được đúng tình cảnh khác nhau của hai miền, sự thiếu thốn khác nhau của hai miền và còn nói lên được thực trạng trớ trêu, xót xa của người Việt Nam lúc đó, tuy thống nhất mà dân tộc vẫn phân ly.
"Người miền Bắc nhận hàng" là vì miền Bắc xã hội chủ nghĩa quá thiếu thốn về cả vật chất lẫn tinh thần so với xã hội miền Nam dưới chế độ tư bản kinh tế thị trường. Người Bắc khi đó vào Nam thấy cái gì cũng mới, cũng lạ, cũng hấp dẫn. Người Bắc nào lúc đó cũng khao khát và sẵn sàng đón nhận những vật phẩm, hàng hóa của người miền Nam biếu tặng, từ chiếc tủ lạnh, ti-vi, xe Honda cho tới chiếc dù, bộ ly, con búp-bê, cuốn tự điển. Đấy là chưa kể tới việc giới cán bộ miền Bắc hả hê chiếm nhà, tịch thu tài sản, vàng bạc, kho tàng, đất đai và phương tiện sản xuất của người dân miền Nam.
"Người miền Nam nhận họ" là vì có rất nhiều người miền Nam có quê hương bản quán ở Bắc, có nhiều người thân, ruột thịt vẫn sống ở Bắc. Họ là những người đã di cư từ miền Bắc vào Nam năm 1954 sau khi chính quyền cộng sản trở về thống trị miền Bắc. Sống ở Nam nhưng một phần tình cảm vẫn vương nơi xứ Bắc. Tình họ hàng, anh em sau hơn 20 xa cách nhớ mong, mừng tủi khôn nguôi. Bên cạnh đó việc nhận họ hàng ruột thịt với người Bắc còn có một ý nghĩa khác ngoài tình cảm là có thể được an toàn hơn trước chính sách kỳ thị, trả thù của chính quyền cộng sản miền Bắc đối với những công chức, binh sĩ, cư dân Việt Nam Cộng Hòa.
Thưa quí vị, quí bạn, chúng ta phải nhắc lại sơ qua tình cảnh trớ trêu, đau khổ vừa kể của dân tộc ta là vì năm nay là tròn 60 năm của sự kiện Di cư vào Nam năm 1954.
Cuộc Di cư 1954 xảy ra trong bối cảnh Hiệp nghị Giơ Ne Vơ 1954 lập lại hòa bình trên bán đảo Đông Dương, tạm thời chia cắt Việt Nam ra làm hai tại vĩ tuyến 17, phía Bắc thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Cộng sản Việt Nam, phía Nam thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Điều 14 khoản d của Hiệp nghị cho phép dân chúng hai bên được tự do di chuyển sang phía kia trong thời hạn 300 ngày, sau đó được kéo dài thêm 3 tháng nữa.
Cuộc di cư đã diễn ra từ cả hai phía, từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc, bắt đầu ngày 19 tháng 05 năm 1954 chấm dứt ngày 19 tháng 08 năm 1955. Nhưng số lượng người bỏ miền Bắc để di cư vào Nam đông gấp hàng chục lần số người bỏ Nam ra Bắc. Theo những nguồn khả tín, cho đến khi chương trình di cư chính thức kết thúc đã có hơn một triệu người miền Bắc đi vào Nam, còn số người Nam di cư ra Bắc chỉ vào khoảng năm ngàn người hoặc hơn một trăm ngàn người tùy thuộc số liệu của cơ quan thống kê.
Hôm nay nhìn lại cuộc Di cư 1954, chúng ta thấy con số tổng kết về lượng người di cư về mỗi phía đã tự nói lên sự thật không thể chối cải về tính ưu việt hơn thua của mỗi chế độ mà người dân quyết định lựa chọn để sống cùng. Nếu tạm lấy một con số tròn, ta sẽ thấy đã có 01 triệu người chọn vào Nam tức gấp cỡ 10 lần so với con số 10 vạn người chọn ra Bắc. Đó cũng là lý do tại sao dư luận lúc đó đã đánh giá cuộc Di cư 1954 chính là cuộc "bỏ phiếu bằng chân" của người dân Việt Nam trong việc lựa chọn giữa hai chế độ chính trị: Cộng sản hay Tư bản. Kết cục cuộc di cư trong gần 400 ngày đã cho thấy đại đa số người dân Việt lúc đó đã quyết định lựa chọn chế độ tư bản, bác bỏ chế độ cộng sản.
Đời sống khá giả, văn minh hơn hẳn của những người Bắc di cư 1954 tại miền Nam ngay sau tháng Tư 1975 so với những người ở lại Bắc hay người Nam di cư ra Bắc cũng cho thấy sự lựa chọn di cư vào Nam năm 1954 là một quyết định hoàn toàn đúng đắn và sáng suốt. Nhưng tiếc thay chính quyền cộng sản miền Bắc đã không để cho dân tộc ta quyết định như thế, họ đã quyết tâm đánh chiếm miền Nam để phá bỏ một chế độ chính trị văn minh hơn họ.
Nhìn vào bối cảnh Việt Nam hôm nay chúng ta lại càng thấy rõ hơn tính đúng đắn và sáng suốt của sự lựa chọn chính trị trong cuộc di cư Bắc Nam cách đây 60 năm khi những ngày vừa qua chính quyền cộng sản Việt Nam đã liên tiếp cử người sang Mỹ để cầu mong được chính phủ Mỹ quan tâm, trợ giúp nhiều hơn.
Thưa quí vị, quí bạn, trên cơ sở lợi ích dân tộc và vì sự hòa giải dân tộc, chúng ta hoan nghênh những động thái thân Mỹ, cầu Mỹ của chính quyền cộng sản Việt Nam hiện nay. Nhưng chúng ta cũng không nên quên rằng chính chế độ cộng sản Việt Nam đã đẩy cả hai miền Nam Bắc vào cuộc chiến chém giết lẫn nhau với tên gọi "Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước" và với khẩu hiệu "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào". Do vậy chừng nào chính quyền cộng sản Việt Nam không thực sự hối cải, thừa nhận lỗi lầm, sai lầm trong cuộc chiến Nam Bắc 1954-1975 thì chừng đó bản chất độc đoán, dối trá lừa mỵ nhân dân Việt Nam của chính quyền này vẫn không thay đổi dù chính quyền này có thể trở thành một chính quyền thân Mỹ. Đó là một sự thật mà người dân Việt Nam chúng ta cần phải ghi khắc trong tâm để tương lai Việt Nam không bị lặp lại thảm kịch dối lừa 1954-1975.
Hải Nguyên và Tiến Văn kính chào tạm biệt quí vị.
Tiến Văn
5/10/2014

No comments:

Post a Comment