Thursday, October 30, 2014

Ký sự đêm khuya - nhọc nhằn đời dân oan!

Thứ Năm 30.10.2014   
Từ khi đất nước nhiễu nhương, xảy ra thành phần dân oan từ những vụ cướp đất thì niềm khổ ải của dân chúng dường như dồn hết vào lớp người này, đa số đều đã ở vào tuổi trung niên, già cả. Trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề: " Ký sự đêm khuya - nhọc nhằn đời dân oan! " của Phương Bích sẽ được Tâm Anh trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Cách đây ít lâu, một cô bạn trên facebook từ Mỹ về thăm quê, có đưa cho tôi một lố gồm 12 hộp dầu gió, và 2 lọ thuốc cảm cúm, nhờ tôi gửi cho bà con dân oan. Lần lữa mãi đến tối nay, mới ghé qua chỗ bà con vẫn tá túc ở cửa đền Quán Thánh. Trước bà con ở vườn hoa Lý Tự Trọng, bị đuổi dạt sang Mai Xuân Thưởng, rồi giờ lại dạt sang nương náu ở cửa đền.
Đêm nay tôi ghé qua, thấy vắng vẻ quá. Dắt xe lên vỉa hè, ngó vào sau cái quầy bán hàng, thấy một cụ bà ngồi đó, lại gần mới nhận ra cụ là một trong những người dân oan trước đây. Tôi hỏi cụ mọi người đâu cả, cụ bảo nó đánh dữ quá nên một số về rồi, còn 5 người trụ lại thôi. Hỏi thăm một hồi, cụ bảo chúng nó ác hơn phát xít. Bây giờ chính quyền không ra mặt thì cho đầu gấu đến đập phá đồ của bà con. Cụ giở trong bọc, lôi ra một cái màn màu tối sẫm, chỉ cho tôi xem những vết vá víu chằng chịt, bảo chúng nó dùng dao rạch tanh bành cái màn của cụ, cụ phải lấy kim chỉ díu nó lại. Tối quá, mà tôi không đem máy ảnh nên không chụp được. Tôi đưa cụ hộp dầu. cụ chỉ sang cái lều cách đó vài mét, bảo vợ chồng ông Vàng Sao đang ở đó. Tôi lại sang đưa dầu. Ban đầu không nghĩ đó là cái lều có người trong đó, vì nó thấp quá, xung quanh lại chất các túi nilon đen, khiến tôi tưởng là chỗ tập kết rác của công nhân môi trường.
Khi tôi rời đi, cụ bà nhờ tôi ghé qua đồn công an Thụy Khuê, xem bà Nguyễn Thị Hồng Khanh ra sao. Lúc trước cụ có kể, bà Khanh đang ngồi ăn cơm, có 2 thằng đến bê cả nồi cơm canh của bà mang đi. Bà Khanh đang đi báo công an từ trưa, giờ vẫn chưa thấy về. Lúc cụ kể chuyện này, có ông gác đền ngồi đó. Ông bảo chúng nó đánh nhiều lần lắm, tôi mà không can thì bà con đến khổ với chúng.
Tôi hứa sẽ qua đồn công an Thụy Khuê tìm bà Khanh , nhưng không chắc đã tìm được bà ấy, vì tôi đâu có biết mặt bà?
Đến cửa đồn, tôi đứng bên này đường, tần ngần nhìn vào bên trong đồn, thấy vắng hoe và yên tĩnh. Định tặc lưỡi đi về, nhưng không yên tâm nên tôi dắt xe sang đường, đi thẳng vào đồn, tới chỗ tay công an trực ban đang ngồi. Ban đầu khi tôi hỏi thăm, tay trực ban có ý muốn gạt đi, bảo không biết. Đến lúc tôi nói rõ vụ cướp cơm, hắn mới chỉ người phụ nữ đang ngồi ngủ ở trên ghế băng cạnh đó, bảo bà ấy đấy.
Tôi đánh thức bà Khanh dậy, bảo để tôi đèo bà về lại cửa đền. Bà nhìn tôi, bắt đầu khóc. Tay công an thì bảo bà cứ đòi lại 2 cái nồi, mà công an có lấy nồi của bà đâu? Tôi bảo dĩ nhiên là các anh không lấy nồi, nhưng hẳn các anh biết kẻ lấy nồi của họ, vì chuyện này không phải xảy ra lần đầu. Tay công an bắt đầu sửng cồ, cao giọng bảo lẽ ra không làm việc với người không liên quan, được chưa?
Cái giọng xấc láo của tay trực ban làm tôi nóng gáy, tôi bắt đầu gay gắt, bảo tôi là người qua đường, thấy chuyện bất bình thì không thể không lên tiếng. Chuyện xảy ra trên địa bàn của các anh không chỉ một lần, hẳn các anh phải nắm quá rõ chứ không thể nói là không biết được. Ai có thù oán gì với bà con mà phải rạch màn, cướp nồi cơm của họ? Nay mai xảy ra chuyện giết người, các anh cũng bảo là làm sao biết được à? Mà tôi là người lớn tuổi hơn anh, anh đừng có nói với tôi bằng cái giọng đó.
Hắn gay gắt, tôi cũng gay gắt. Có lẽ hắn không quen có người lạ vào tận lãnh địa của hắn để vặn vẹo. Trong khi đó bà Nhung vừa nức nở, vừa tố: tôi đã chạy theo van xin chúng nó, thế mà chúng nó không hề động lòng, cướp miếng cơm ngay từ miệng tôi. Tôi nhịn đói từ trưa đến giờ. Các anh quá biết chúng nó là ai, nhưng các anh không làm gì hết.
Tôi cũng bảo, hết công an, chính quyền, lại đến côn đồ đàn áp bà con thì họ sống sao nổi?
Thêm một tay trẻ, gầy, mặc đồ dân sự ra hỗ trợ tay trực ban, nhưng tôi chả ngán. Tôi cứ lý tôi nói, vì tôi biết thóp họ chỉ muốn tôi mau chóng đưa bà Khanh ra khỏi đồn. Nói đủ rồi thì tôi xách túi, bảo đưa bà đi ăn rồi đèo bà về. Hai tay kia chắc mừng lắm, bảo vâng bác đưa bà ấy đi ăn đi – Mẹ chúng mày chứ! Để người ta ngồi từ trưa tới giờ.
Từ lúc tôi đến cho đến lúc về, bà Khanh cứ nức nở mãi, nước mắt uất nghẹn cứ lăn mãi trên gương mặt nhàu nhĩ của bà. Bà cảm ơn tôi, bảo bà đi bộ được, nhưng tôi cứ bắt bà ngồi lên xe. Đi qua hàng phở, tôi dừng lại bảo tôi đưa bà vào ăn cho đỡ đói, nhưng bà bảo bà không nuốt được. Tôi xuống xe, mở ví lấy 500 ngàn đưa cho bà, nhưng bà chắp tay, bảo tôi xin cô, tôi chỉ xin cô 100 ngàn thôi, rồi để tôi đi bộ về. Nói thế nào bà ấy cũng không nhận thêm. Tôi đành đưa bà 100 ngàn, bà đưa cả 2 tay đón lấy nó, vẫn nức nở.
Tôi đèo bà về cửa đền rồi ra về, trong lòng ám ảnh mãi tiếng nức nở của người đàn bà đầu đã 2 thứ tóc.....
Phương Bích

No comments:

Post a Comment