Saturday, October 25, 2014

Danh tướng Dã Tượng

Thứ Bảy, ngày 25.10.2014
Nhà Trần, một vương triều có nhiều chiến công hiển hách, với hàng loạt tướng lãnh xuất sắc thuộc nhiều lãnh vực. Trong số đó có một vị tướng xuất thân dân dã, luôn đặt lợi ích của dân tộc lên trên thù nhà, có biệt tài huấn luyện voi rừng nên đã thành lập một đội tượng binh gây kinh hoàng cho quân Nguyên - Mông xâm lược vào thế kỷ 13. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối hôm nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Danh tướng Dã Tượng" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh.
Giáp bào, đao bén, đứng lưng voi,
Dã Tượng anh hùng diệt quân Nguyên.
Ra vào sanh tử vì non nước,
Muôn đời còn nhớ đến thanh danh.
Dã Tượng là một tướng quân đã có nhiều chiến công trong công cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông vào thời nhà Trần. Ông cùng với Yết Kiêu, Cao Mang, Đại Hành và Nguyễn Địa Lô là 5 vị tướng tài giỏi dưới trướng đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ hai và thứ ba, ông đã đóng góp nhiều công sức trong các cuộc chiến đấu và bảo vệ chủ tướng. Chính Ông và Yết Kiêu có công rất lớn trong trận bắt sống Toa Đô, người được xem là đệ nhất dũng tướng của Mông Cổ. Ông được đánh giá là một tướng quân dũng cảm và đầy mưu trí. Sau những cuộc thi tài giữa các bộ tướng của đức Hưng Đạo Vương, Dã Tượng chỉ đứng sau Phạm Ngũ Lão. Ông còn có biệt tài thuần hóa voi rừng và chỉ huy đội tượng binh, nên có tên là Dã Tượng.

Trong trận Chi Lăng năm 1283, quân Đại Việt bại trận, phải lui về Vạn Kiếp trong lúc thủy quân bị tan rã. Đức Hưng Đạo Vương muốn rút quân theo đường núi, không đến điểm hẹn với Yết Kiêu đang chỉ huy thủy quân tại Bãi Tân. Dã Tượng e ngại đường núi có thể bị phục binh nên khuyên can Hưng Đạo Vương và nói rằng: "Yết Kiêu chưa thấy Đại Vương thì nhất định sẽ không cho thuyền rút lui". Tin lời Dã Tượng, Hưng Đạo Vương đưa quân đến Bãi Tân, quả nhiên là Yết Kiêu vẫn kiên trì cắm thuyền đợi chủ tuớng. Trước tấm lòng trung nghĩa, Hưng Đạo Vương cảm khái than: "Ôi, chim hồng hộc muốn bay cao nhờ có sáu trụ cánh, nếu không thì cũng như chim thường thôi". Nói xong Ngài ra cho lệnh cho thuyền tách bến.
Ngoài việc thuần hoá voi rừng, Dã Tượng còn chỉ huy binh sĩ xông pha chiến đấu ngoài trận mạc nên về sau được vua Trần Nhân Tôn phong là Tiết Chế Binh Nhung.
Dã Tượng và Yết Kiêu là hai cận tướng cùng vào sinh ra tử với Hưng Đạo Vương. Cả hai anh hùng đều xuất thân từ giới bình dân, nhưng có tấm lòng trung nghĩa và biệt tài về quân sự. Dã Tượng chỉ huy đội Tượng Binh, Yết Kiêu chỉ huy đội Thủy Quân. Cả hai đều một lòng khuyên Hưng Đạo Vương bỏ thù nhà lo cứu nước và sau đó, Hưng Đạo Vương đã đại thắng giặc Nguyên - Mông, được toàn dân Việt truyền tụng và kính cẩn tôn xưng là Đức Thánh Trần. Còn Dã Tượng và Yết Kiêu được hậu thế kính yêu tôn thờ mãi cho đến hôm nay.
Đền thờ Dã Tượng hiện ở Đình Câu Dương, làng Câu Dương, huyện Thái Thạnh, tỉnh Thái Bình.
Tác giả Nguyễn Minh Thanh đã cảm tác bài thơ ca ngợi danh tướng Dã Tượng như sau:
Xả thân giúp chủ rõ can trường,
Nghĩa khí khuông phò Hưng Đạo Vương.
Nghị luận quân mưu tài dũng lược,
Xông pha trận địa chí kiên cường.
Tượng binh huấn luyện nên thuần thục,
Bộ tốt trui rèn nắm kỷ cương.
Dã Tượng phương danh lưu sử Việt.
Tấm lòng trăng sáng chiếu Hồ Gươm.
Và mới đây nhất, phẫn nộ vì thái độ nhu nhược của tập đoàn lãnh đạo CSVN trước dã tâm xâm lược của Tàu cộng, nhà thơ Nguyễn Minh Thanh lại mượn hình ảnh oai hùng của Dã Tượng để làm hai câu đối như sau:
Ngày xưa: Đấng hào kiệt tựu kế an bang phương danh lưu vạn cổ.
Ngày nay: Lũ gian hùng cầu vinh mại quốc xú tánh lụy thiên thu.
* * *
Một điều đáng tiếc là sử Việt không ghi chép tên thật của Dã Tượng và quê quán xuất thân, kể cả tuổi tác của ông. Thế nhưng cái tên Dã Tượng và Yết Kiêu đã tồn tại mãi mãi trong quân sử Việt như là hai danh tướng xuất sắc, luôn tháp tùng Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trong các trận đánh với quân Mông Cổ.
Nhắc đến Dã Tượng là phải nhắc đến đội tượng binh được xem như là các chiến xa thời đó, chuyên dùng để công thành phá lũy, gây kinh hoàng cho các đạo quân Nguyên. Lịch sử cũng ghi chép "Lời thề sông Hát" của đức Hưng đạo vương khi thớt voi yêu quý của Ngài bị sa lầy trong khi vượt sông Hát mà không thể cứu được vì thủy triều dâng lên quá nhanh. Quá đau lòng khi nhìn thấy nước mắt chia ly của con voi trung thành, Ngài đã vung kiếm chỉ xuống sông và thề rằng: "Trận này nếu không thắng sẽ không trở về!".
Với quyết tâm đó, dân quân Đại Việt đã đánh bại các đạo quân Mông Cổ nổi tiếng là bách chiến bách thắng mà "vó ngựa đi đến đâu là nơi đó thành bình địa". Dĩ nhiên các chiến thắng hiển hách đó có được là phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt và máu xương của rất nhiều con dân Đại Việt, trong đó có các dũng tướng như Dã Tượng và Yết Kiêu.
Chắc chắn không con dân Việt nào muốn có chiến tranh và đổ máu. Nhưng trước nguy cơ bị làm nô lệ cho giặc phương Bắc, từ thế gia vọng tộc hay những người bình dân, đều không còn chọn lựa nào khác là phải đứng lên chiến đấu bảo vệ đất nước và gia đình mình.
Dã Tượng là một con người như thế. Một con người không tên không tuổi nhưng đã lừng lững đi vào dòng lịch sử bất khuất và kiên cường của nòi giống Tiên Rồng!
Việt Thái

No comments:

Post a Comment