Sunday, October 26, 2014

Việt Nam Tuần Qua

Chủ Nhật 26.10.2014   
Để nhớ lại các sự kiện quan trọng diễn ra trong 7 ngày qua, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "VN Tuần Qua" với Hoàng Ân và phóng viên Trường An. Xin mời Chị Hoàng Ân
Hoàng Ân: Xin cám ơn chị Mỹ Linh. HA xin kính chào quý thính giả đang theo dõi chuyên mục VNTQ, xin mến chào anh TA.
Trường An: TA xin kính chào quý thính giả đài ĐLSN, chào chị HA.
ĐPV Hoàng Ân: Trong tuần qua, giới đấu tranh trong và ngoài nước rất vui mừng khi Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, một trong những tù nhân lương tâm nổi tiếng tại VN đã đến được bến bờ tự do sau nhiều năm bị bạo quyền VN giam cầm. Xin anh trình bày lại sự kiện này để gửi đến quý thính giả của đài cùng nghe?
PV Trường An: Trước hết TA xin được chúc mừng Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã thoát khỏi chế độ cộng sản để đến được bến bờ tự do.
Nay quay lại với câu hỏi của chị HA, tôi xin được tóm tắt lại diễn biến của sự việc như sau:
Tối ngày 21/10, lực lượng công an đã áp giải Blogger Điếu Cày từ trại giam số 6 Nghệ An ra sân bay Nội Bài-Hà Nội, sau đó trục xuất ông ra khỏi Việt Nam. Trong khi đó, gia đình của ông ở Sài Gòn không nhận được bất kỳ thông báo gì từ phía nhà cầm quyền.
An ninh đã đưa ông qua cổng số 7 để lên chuyến bay đi Hong Kong vào lúc 19 giờ tối cùng ngày. Điều đặc biệt là tại sân bay Nội Bài, đích thân bà Jennifer Neidhart de Ortiz, tham tán chính trị của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội đã có mặt tại đó để hoàn thành thủ tục cho ông Hải sang định cư tại Hoa Kỳ.
Được biết trước đó vài tuần, thân nhân của Blogger này cũng cho biết là bạo quyền VN dụ dỗ ông ký tên nhận tội và xin ân xá nhưng ông Hải cương quyết từ chối. Con trai của Blogger này cho biết, gia đình đã sửng sốt khi nhận được cú điện thoại của ông Hải từ phi trường Hồng Kông thông báo là ông bị trục xuất sang Mỹ.
Xin được nhắc lại, Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải là một trong những người tiên phong trong phong trào đấu tranh chống Trung Cộng xâm lấn VN. Ông cũng là sáng lập viên Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, dùng ngòi bút để đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ tại VN. Vào năm 2008, bạo quyền VN bắt giam ông với cáo buộc "trốn thuế" nhưng khi mãn hạn tù thì bị khép thêm tội "tuyên truyền chống nhà nước" với bản án 12 năm tù. Thái độ bất khuất và ánh mắt kiên cường của Điếu Cày trong các phiên tòa đã gây xúc động trong dư luận thế giới, khiến nhiều tổ chức quốc tế và chính phủ liên tục áp lực bạo quyền VN phải trả tự do cho ông.
Hoàng Ân: Theo nhiều nguồn tin thì việc trả tự do cho Blogger Điếu Cày là nằm trong những mặc cả giữa chính phủ Hoa Kỳ và nhà cầm quyền Việt Nam trong đàm phán TPP. Anh có suy nghĩ như thế nào về việc này?
PV Trường An: Theo tôi sự kiện Blogger Điếu Cày được thả là kết quả của những vận động từ cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, và các tổ chức nhân quyền quốc tế với chính phủ Mỹ nhằm đem lại ảnh hưởng tích cực trong khi hai nước đang có những bước tiến để nâng quan hệ lên tầm mức cao hơn.
Trường hợp ông Hải bị án tù 12 năm với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” đã được chính giới Mỹ quan tâm từ nhiều năm qua. Tổng thống Barack Obama phát biểu trong ngày Tự do Báo chí Thế giới 2012 đã nhắc đến Điếu Cày như một thí dụ về sự thiếu tự do báo chí ở nhiều nơi trên thế giới.
Trước những yêu cầu của Hoa Kỳ, nhà cầm quyền Hà Nội đã phải thả Điếu Cày, như một tín hiệu tích cực để đáp lại việc Hoa Kỳ nới lỏng chính sách cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, để dễ dàng hơn cho Hà Nội trong việc thương thảo gia nhập TPP và xa hơn là để tạo cơ hội thuận tiện cho Tổng thống Barack Obama ghé thăm Việt Nam trước khi hết nhiệm kỳ.
Hoàng Ân: Trong mấy ngày qua, rất nhiều nhà tranh đấu tại VN đặc biệt là những người phát động phong trào “chúng tôi muốn biết’’ liên tục bị nhà cầm quyền sách nhiễu và đe dọa. Anh có ghi nhận về những sự kiện này như thế nào để gửi đến quý thính giả của đài được hiểu hơn?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả!
Kể từ khi chiến dịch "Chúng tôi muốn biết" do Mạng lưới Blogger Việt Nam khởi xướng hôm 2/9 đến nay, công an cộng sản Việt Nam liên tục gia tăng sức ép đối với những người phát động chiến dịch này, cụ thể:
Cựu Tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên cho biết gần hai tháng nay công an thường xuyên canh gác nhà cô. Sự việc đặc biệt nghiêm trọng xảy ra hồi tuần truớc khi một trong số những công an mặc thường phục theo cô ra tiệm cắt tóc để chửi bới, xúc phạm cô rất nặng nề. Tên này còn đe giết và dọa mang xe đến ủi nhà Phạm Thanh Nghiên.
Trường hợp tiếp theo tôi muốn nhắc đến nữa là nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, một trong những đại diện của Phong trào Chúng Tôi Muốn Biết cũng đã bị công an sách nhiễu vào tối ngày hôm qua. Ngay sau đó ông bị đưa lên đồn và bị đe dọa.
Trong một diễn biến khác vào hôm 23/10, anh Cù Huy Xuân Đức, con trai của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, đã phổ biến lá thư gửi tập đoàn lãnh đạo CSVN, nội dung phản đối việc nhà cầm quyền đang cướp đoạt căn nhà của nhà thơ Xuân Diệu mà mà ông Hà Vũ là người thừa kế. Ngay sau khi nhận được tin này, ông Vũ khẳng định việc cưỡng đoạt khu đất này là hành động trả thù của bạo quyền VN về việc ông vẫn tiếp tục đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ tại VN sau khi đặt chân đến Mỹ.
Hoàng Ân: Thế còn việc giáo dân Thái Hà biểu tình chống đối việc cướp đất thì sao thưa anh?
PV Trường An: Theo tôi được biết vào chiều hôm 23/10, hàng ngàn giáo dân đã biểu tình trước trụ sở hành chánh quận Đống Đa – Hà Nội để phản đối nhà cầm quyền cưỡng đoạt một phần đất của Hồ Ba Giang, thuộc quyền sở hữu của Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và giáo xứ Thái Hà.
Một số vụ xô xát đã diễn ra khi một số công an đội lốt côn đồ xông vào đám đông để cướp giật các khẩu hiệu, và không một quan chức nào đi ra nhận thư kiến nghị của người biểu tình. Trước đó Dòng Chúa Cứu Thế VN cũng gửi các hồ sơ tài liệu chứng minh là khu đất Hồ Ba Giang là thuộc giáo xứ Thái Hà và chưa hề có chuyện hiến tặng hay bán lại cho bất cứ ai.
Hoàng Ân: Nay chuyển qua lĩnh vực kinh tế. Trong mấy ngày qua, dư luận trong nước vô cùng phẫn nộ trước những phát biểu rối trá của lãnh đạo Bộ giao thông vận tải trong việc xây dựng sân bay Long Thành tại Đồng Nai và cho rằng đây là một tai tiếng mới trong dự án này. Anh có thể nói rõ hơn về việc này được không?
Trường An: Sau khi bị Nhật Bản phủ nhận việc cho vay 2 tỷ Mỹ kim, bộ giao thông vận tải VN vào hôm qua lại phải đính chính về một tuyên bố láo khoét khác của ông thứ trưởng Phạm Quý Tiêu sau khi ông này tuyên bố là một tập đoàn của Pháp, có tên là ADPi, cam kết sẽ tài trợ 2 tỷ Mỹ kim cho dự án phi trường quốc tế Long Thành.
Trong thông báo đưa ra vào chiều hôm qua, bộ giao thông tuyên bố là họ không biết ADPi là công ty nào và chưa hề tiếp xúc với công ty này. Tuy nhiên để bào chữa cho ông thứ trưởng Phạm Quý Tiêu, bộ này nói rằng ADPi là một công ty con của tập đoàn ADPM, và tập đoàn này đang có ý định tài trợ cho dự án này.
Trong khi đó thì trước tình trạng ngập lụt tràn lan ở Sài Gòn, giới chức thành phố này lại mở các phiên họp để đổ lỗi cho nhau và dự định mời các nhà khoa học nhóm họp để tìm biện pháp giải quyết. Thế nhưng theo báo chí lề đảng thì đã có hàng trăm phiên họp như thế suốt nhiều năm qua, nhưng người dân vẫn tiếp tục bơi lội trên đường phố mỗi khi mưa xuống, và giới hữu trách thì luôn đổ tội cho "triều cường" hay "biến đổi khí hậu".
Hoàng Ân: Cám ơn anh PV Trường An đã chia sẻ các tin tức và nhận xét để gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.

No comments:

Post a Comment