Sunday, October 26, 2014

Nói Với Người Cộng Sản

Chủ Nhật 26.10.2014   
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian.
Kính chào quí thính giả, quí vị đảng viên cộng sản lâu năm và các bạn công an, bộ đội,
Bàn luận về Hồ Chí Minh vẫn rất dễ làm cho chúng ta trở nên căng thẳng, bất đồng, thậm chí trở thành xung đột, mất hẳn quan hệ với nhau. Vì vậy mà nhiều người đã chọn giải pháp né tránh, không đụng chạm đến nhân vật này. Nhưng dù trốn tránh thế nào, chúng ta cũng không thể tránh được một thực tại đang bao trùm là chế độ do Hồ Chí Minh dựng nên vẫn tiếp tục gây ra những hệ lụy tai hại cho đất nước như việc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đã và đang tiếp tục bị mất vào tay Trung Cộng. Hơn nữa, những kẻ cầm quyền hiện nay vẫn dùng Hồ Chí Minh để tô vẽ cho quyền lực độc tài của chúng. Do đó, việc làm rõ những sự thật về Hồ Chí Minh để có được một đánh giá công bằng, đúng đắn là một việc làm cần thiết và hữu ích cho bất cứ ai muốn đất nước có tiến bộ, dân chủ.
Với mục đích đó, chúng ta sẽ thỉnh thoảng đề cập đến vấn đề này như một chuyên mục nhỏ của chuyên mục "Nói với người cộng sản". Hôm nay sẽ bắt đầu bằng câu hỏi: Hồ Chí Minh có phải là một người yêu nước không?
Trước tiên, chúng ta cần xem lại ý nghĩa của chữ "Yêu nước" (hay "không yêu nước"). Trong cụm từ này chúng ta thấy có chữ "yêu", mà "yêu" lại thuộc về vấn đề con tim, về tình cảm, xúc cảm, là một trạng thái thuộc nội tâm, chủ quan của con người. Như vậy về mặt lý luận chúng ta không thể nào khẳng định hoặc bác bỏ hoàn toàn được "yêu nước" hay "không yêu nước". Hơn nữa, về mặt tập quán hay đạo đức xã hội nói chung, hiếm thấy ai tuyên bố rằng "tôi không yêu nước tôi", "không yêu bố mẹ tôi". Như vậy, chắc chắn, khi một người đã trở thành một lãnh tụ chính trị, một nguyên thủ của một quốc gia, thì đương nhiên con người này phải luôn bày tỏ và thể hiện ra ngoài rằng họ là một người yêu nước, yêu tổ quốc. Đó là một chân lý bất dịch.
Vì vậy câu hỏi "Hồ Chí Minh có phải là một người yêu nước không?" là một câu hỏi không có nhiều ý nghĩa và sẽ gây tranh cãi bất tận vì không ai có đủ chứng cớ chắc chắn cho vấn đề này, nhất là khi đương sự đã chết rồi và trong khi còn sống đương sự này không bao giờ nói rằng "tôi không yêu nước".
Như vậy xem xét Hồ Chí Minh chúng ta cần quan tâm, xem xét những vấn đề khác quan trọng và cụ thể hơn nhiều, ví dụ như: với tư cách lãnh tụ của một đảng, nguyên thủ của một quốc gia, Hồ Chí Minh đã thực hiện, đã mang lại những gì hoặc đã đặt ra được những nền móng gì cho tương lai của quốc gia, dân tộc?
Nghĩa là chúng ta nên xem xét, đánh giá Hồ Chí Minh dựa trên các sự kiện, các cứ liệu khách quan, các hành động cụ thể, các chương trình, chính sách cụ thể của chính quyền, của đảng cộng sản dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh thay vì dựa vào những lời phát biểu hay những khẩu hiệu, hình ảnh có tính tuyên truyền.
Thưa quí vị, quí bạn công an, bộ đội, chúng tôi biết rằng rất nhiều người trong chúng ta hôm nay, khi nói đến Hồ Chí Minh là chúng ta nghĩ ngay đến một con người rất bình dị, thân thương, gần gũi mà lại rất vĩ đại, tài giỏi, cống hiến cho đất nước như một vị thánh. Đó là một tình cảm chúng ta nên tôn trọng. Nhưng tiếc thay, tình cảm cần tôn trọng này lại là yếu tố không thuận lợi để chúng ta có thể có một cái nhìn đúng đắn, khách quan về Hồ Chí Minh. Bởi, những gì phù hợp với tình cảm đã định của chúng ta thì chúng ta sẽ dễ tiếp thu, tin tưởng, ủng hộ còn nếu là ngược lại thì chúng ta sẽ dễ có xu hướng gạt bỏ, phản đối hay xa lánh một cách vô thức. Thành ra chúng ta sẽ rất khó, nếu không muốn nói là sẽ không bao giờ biết được sự thật khách quan về Hồ Chí Minh nếu chúng ta vẫn giữ những tình cảm, những định kiến đã hình thành từ lâu nay về Hồ Chí Minh.
Vậy chúng tôi xin đề nghị quí vị, quí bạn hôm nay hãy tạm đặt mọi sự yêu mến, tôn kính hay ghét bỏ, phản đối sang một bên để nghe nội dung của một bức thư sau đây:
Marseille, ngày 15 tháng Chín năm 1911
Kính thưa Tổng Thống Cộng Hòa Pháp,
Tôi xin trân trọng thỉnh nguyện lòng hảo tâm của Ngài ban cho tôi đặc ân được nhận vào học nội trú trường Thuộc Địa.
Tôi hiện đang làm công nhân trong công ty Sa-giơ Rê-u-ni (tàu A-mi-ran La-tu-sơ-Trê-vi-lơ) để sinh sống.
Tôi hoàn toàn không có chút tài sản nào, nhưng rất khao khát học hỏi. Tôi ước mong trở thành người có ích cho nước Pháp. Đối với đồng bào tôi, tôi muốn đồng thời làm thế nào cho họ hưởng được những ích lợi của việc học hành.
Tôi người gốc tỉnh Nghệ An, xứ An nam.
Trong khi chờ đợi câu trả lời mà tôi hy vọng là thuận lợi của Tổng Thống, xin Ngài nhận trước nơi đây lòng biết ơn của tôi.
Nguyễn Tất Thành, sinh tại Vinh năm 1892,
Con của ông Nguyễn Sinh Huy (Phó bảng).
Học sinh Pháp văn, Quốc ngữ và chữ Nho.
Thưa quí vị, quí bạn, đó là bản dịch sang tiếng Việt nguyên bức thư bằng tiếng Pháp của Hồ Chí Minh xin Tổng thống Pháp cho vào học trong trường Thuộc địa tại Pa-ri.
Với cứ liệu này chúng ta có thể luận giải thế nào về động cơ và suy nghĩ của Nguyễn Tất Thành, tức Hồ Chí Minh, lúc rời bến cảng nhà Rồng ra đi trên một con tàu của Pháp với vị trí là một anh phụ bếp, vào năm 1911? Đây sẽ là nội dung chúng ta cùng bàn trong chuyên mục tới.
Dian và Tiến Văn xin kính chào tạm biệt và xin hẹn gặp lại quí vị, quí bạn vào giờ này tuần tới.
Tiến Văn

No comments:

Post a Comment