Wednesday, October 15, 2014

Vì sao phần lớn các vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai

Thứ Tư, ngày 15.10.2014    
Quyền lực mà không đi đôi với quyền lợi thì đảng CSVN cướp chính quyền để làm gì? Chính vì thế sử dụng quyền chính trị độc tôn hầu cướp đi đất đai và của cải nhân dân, làm giàu cho quan chức đảng viên, hiện là quốc sách của CSVN. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Mai Trang với tựa đề: "Vì sao phần lớn các vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai ."sẽ được Thanh Bình trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.
Theo báo cáo mới đây của Bộ Tài nguyên và Môi trường: " có tới 98% khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai. Cũng theo Bộ này 80% khiếu nại, tố cáo vượt cấp; 61% khiếu nại nhiều lần và gửi đi nhiều nơi. Tuy số vụ giảm nhưng tính chất không giảm, số vụ khiếu kiện đông người tăng 12% so cùng kỳ.Trong đó có đoàn lên tới vài trăm người, căng biểu ngữ, diễu hành ngoài đường, hoặc tập trung trước gia tư các viên chức lãnh đạo Đảng, Nhà Nước để đưa đơn, yêu cầu được tiếp và giải quyết". Cũng theo Bộ này nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do: Hiệu quả giải quyêt khiếu nại tố cáo của chính quyền các cấp chưa cao. Cấp dưới đùn đẩy lên cấp trên; cơ chế, chính sách thiếu nhất quán, không phù hợp với thực tế, gây thiệt hại cho người dân.
Đất đai là một loại tư liệu sản xuất đặc biệt, gắn bó chặt chẽ với đời sống của người nông dân. Khẩu hiệu " người cày có ruộng " đã làm trỗi dậy hàng triệu nông dân đứng lên đi theo Đảng cướp chính quyền để trao tay cho Đảng . Điều đó cho thấy đất đai là tài sản quý giá nhất đối với người nông dân. Gìanh được chính quyền, Đảng dùng quyền lực của mình thực hiện chính sách cướp đất của người này để chia cho người kia "của người phúc ta". Bên cạnh đó Đảng xác lập quyền sở hữu đất đai thuộc về mình, thông qua bản Hiến pháp do Đảng lập ra : "đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý. Nhà nước giao cho các tổ chức,cá nhân sử dụng, quản lý, khai thác".
Chế độ công hữu về đất đai cho thấy dưới chế độ cộng sản, Công dân Việt Nam ngoài quyền chính trị bị hạn chế thì quyền về kinh tế cũng bị giới hạn. Chính việc xác lập chế độ công hữu nên nhà nước Cộng sản Việt Nam có được quyền thu hồi bất kỳ lúc nào, ở đâu khi mà họ muốn. Các dự án được triển khai mà mặt bằng đương nhiên là ruộng đất của người dân nhưng người dân không được bàn bạc, đối thoại với chủ dự án mà thông qua nhà nước quyết định thu hồi và định giá rồi áp đặt cho họ. Với chính sách đó muôn thủa người dân bất bình và phẫn nộ.
Mấy năm qua kinh tế thế giới và khu vực suy thoái nên các nhà đầu tư vào Việt Nam cũng hạn chế, số dự án giảm mạnh và kéo theo các vụ cướp đất cũng giảm theo, việc khiếu kiện liên quan đến đất đai cũng theo đó mà giảm đi rõ rệt. Tuy vậy nhưng tính chất các vụ khiếu nại, tố cáo diễn ra bức xúc hơn do nhiều vụ kéo dài không được giải quyết dứt điểm. Nếu như trước đây các vụ khiếu kiện thường diễn ra đơn lẻ thì bây giờ người dân đã biết liên kết với nhau nhằm một mặt để tạo ra động lực mạnh mẽ, hình thành một lực lượng lớn để đấu tranh đối mặt với chính quyền khi có bạo hành. Mặt khác đó cũng là môi trường để học hỏi lẫn nhau về trình tự, thủ tục cũng như phương pháp đấu tranh đòi quyền lợi cho mình để có hiệu quả hơn. Đoàn kết tương trợ lẫn nhau trong cảnh cơ cực bởi có những lúc " màn trời chiếu đất" . Nếu như trước đây người dân đi khiếu kiện chỉ bằng cách lẳng lặng, im hơi lặng tiếng, thậm trí còn giấu giếm sợ mọi người biết thì ngày nay sẵn sàng cờ dong trống nổi; các biểu ngữ đòi công lý được trưng lên. Hàng trăm người hoặc là tuần hành ngoài đường; hoặc là tập trung ở trước các trụ sở cơ quan công quyền Nhà nước; các tư gia của các viên chức lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gây áp lực cho giới cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Thực tiễn đã chỉ ra cho những người đi đòi công lý thấy rằng cần thay đổi hình thức, phương pháp đấu tranh cho thích hợp bởi các giới chức Cộng sản Việt Nam luôn lẩn tránh tiếp dân. Những người có chức năng giải quyết vụ việc không bao giờ họ có mặt để trực tiếp nghe người dân trình bày, kiến nghị. Họ chỉ giao cho bộ phận tiếp dân, những người chỉ biết tiếp nhận đơn, thông tin rồi báo cáo lại. Vì vậy có những vụ việc kéo dài tới mười năm, hai mươi năm thậm trí còn dài hơn nữa nhưng vẫn chưa được giải quyết rứt điểm. Việc tổ chức khiếu kiện của người dân với các hình thức như trên được hình thành trong quá trình đấu tranh, đòi hỏi quyền lợi ích hợp pháp của mình. Dân khiếu kiện tập trung đông ở Hà Nội và Sài Gòn là kết quả của sự thờ ơ ,vô trách nhiệm, thiếu năng lực của chính quyền các cấp Địa phương. Họ né tránh không giải quyết, đùn đẩy lên trên hoặc giải quyết không thỏa đáng. Bản thân cán bộ ở địa phương nhiều người dính líu đến tham nhũng trong các vụ việc liên quan đến đất đai nên không thể ra tay giải quyết theo đúng pháp luật.
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu kiện mà tuyệt đại đa số có liên quan đến đất đai chính là do thể chế của chế độ xã hội. Nếu như về chính trị, Đảng giữ quyền độc tôn cai trị đất nước. Đảng không cho bất cứ một tổ chức, Đảng phái nào tồn tại trong xã hội Việt Nam. Một mình một bóng, một sân chơi thả sức tung hoành thì về kinh tế, chế độ công hữu đối với những lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế quốc dân nói chung, lĩnh vực đất đai nói riêng, thực chất là tập trung quyền lực kinh tế về tay Đảng.Như vậy ở Việt Nam tất cả quyền lực thuộc về Đảng. Đảng thâu tóm cả về chính trị và kinh tế, quyền lực của Đảng là tối cao.
Dưới chế độ Đảng trị, quyền cơ bản của người dân ( cả về kinh tế và chính trị) đều bị xâm hại. Chỉ khi nào thể chế này được thay đổi, chế độ xã hội dân chủ được thiết lập, chế độ công hữu về tư liệu sản xuất bị mất đi, khi đó quyền con người sẽ được xác lập đầy đủ.
Người Nông dân bị mất đất là mất đi quyền cơ bản về kinh tế. Chiếm đoạt ruộng đất của Nông dân là tước đi một phần quyền sống của họ. Việc khiếu kiện của người Nông dân chính là đòi lại phần cơ bản cuộc sống của mình. Còn thể chế độc tôn, còn chế độ công hữu về đất đai thì việc khiếu kiện nói chung, khiếu kiện về đất đai nói riêng còn tiếp diễn.
Mai Trang

No comments:

Post a Comment