Monday, October 27, 2014

Sự kiện Hồng Kông tác động sâu sắc đến xã hội Việt Nam

Thứ Hai 27.10.2014     
Dân chủ chân chính là khao khát tự đáy lòng của mỗi con người. Phong trào tranh đấu bộc phát tại Hồng Kong chắc chắn sẽ không dừng lại nơi đây. Việt Nam và Trung Hoa lục địa rồi đây sẽ dậy sóng dân chủ, đạp đổ độc tài. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Lan Anh với tựa đề: "Sự kiện Hồng Kông tác động sâu sắc đến xã hội Việt Nam."sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh ĐLSN tối hôm nay.
Giới trí thức trẻ Hồng Kông tổ chức biểu tình kêu gọi dân chủ, đòi ly khai Trung cộng, yêu cầu lãnh đạo đặc khu Hồng Kông từ chức, thực hiện chế độ bầu cử phổ thông đầu phiếu, người dân có quyền quyết định lấy vận mệnh của dân tộc mình, đến nay vẫn chưa đến hồi kết. Dù kết quả có đi đến đâu chăng nữa nhưng sự kiện này đã làm chấn động cả khu vực và thế giới. Đặc biệt ở Việt Nam sức lan tỏa của cuộc biểu tình tác động sâu sắc đến đời sống xã hội. Trước hết nó tác động đến giới cầm quyền Cộng sản Việt Nam.
Một xã hội dân chủ đã trở thành một nhu cầu tất yếu trong thời đại ngày nay. Các chính sách khép kín, lấy biên giới lãnh thổ để khoanh vùng rồi tự ra các chính sách bảo vệ độc tài, đàn áp dân chủ, chống lại nền văn minh nhân loại đã hết đất sống khi mà hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Cuộc cách mạng của giới trí thức trẻ Hồng Kông bùng phát, hẳn làm cho giới cầm quyền Cộng sản Việt Nam nổi gai ốc và biết chắc rằng sức lan tỏa của nó không còn khép kín trong lãnh thổ Hồng Kông. Khẩu hiệu:" Hồng Kông hôm nay, Việt Nam ngày mai " chắc chắn giới lãnh đạo Hà Nội biết hơn ai hết. Chính sách đàn áp, bắt bớ, bỏ tù nhưng tiếng nói ôn hòa trong những năm qua bắt buộc nhà cầm quyền phải suy nghĩ lại thông qua hình ảnh sự kiện Hồng Kông. Thực tế cho thấy đàn áp phong trào dân chủ không đem lại hiệu quả gì mà chính là càng kich động tạo ra phong trào ngày càng sâu rộng, tạo ra sự hận thù trong lòng xã hội. Nhìn lại cách đây 5 năm, số lượng người tham gia phong trào chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng đến hôm nay số lượng lên đến hàng ngàn người, trong đó tuyệt đại đa số ở các thế hệ 8x, 9x. Họ là những học sinh, sinh viên, những thanh niên có tri thức, có đủ tầm để đối phó với bộ máy an ninh cộng sản, vượt qua sự sợ hãi đã và đang hình thành thế trận dân chủ rộng lớn trong cả nước. Những tín hiệu đó đang là đám mây u ám treo lơ lửng trên đầu của tập đoàn Cộng sản, báo hiệu cho sự ra đi của thể chế độc tài không còn bao lâu nữa.
Đặc biệt sự kiện Hồng Kông đã tác động rất lớn đến giới trẻ Việt Nam. Trong những ngày diễn ra cuộc biểu tình ở Hồng Kông, nhiều giới trẻ Việt Nam sôi sục thảo luận ở khắp các tụ điểm. Nhiều người bày tỏ nếu có điều kiện thì sẵn sàng bay sang Hồng Kông để chứng kiến, tham gia phong trào. Rất nhiều người bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ thông qua các kênh thông tin trên mạng internet. Hầu hết các giới trẻ mơ ước được sống trong một xã hội dân chủ như Hồng Kông để có cơ cơ hội cống hiến cho đất nước, được hưởng các quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên cũng có những người ở mọi lưa tuổi khác nhau đã không ngần ngại nói lên tâm tư nguyện vọng của mình rằng muốn thế hệ trẻ Việt Nam có được những hành động ngay như giới trẻ Hồng Kông, nhiều người than phiền : không biết đến bao giờ thanh niên Việt Nam có được khí phách như Hồng Kông. Đòi hỏi đó tuy chính đáng song đối với một xã hội như Việt Nam việc đó chưa thể xảy ra được, cần có quá trình vận động, phát triển. làm quen với một cuộc vận động lớn như Hồng Kông.
Chính sách độc tài, khép kín của giới cầm quyền Việt Nam đã làm cho người dân không tiếp cận được với thế giới bên ngoài. Có nhiều người từ khi sinh ra cho đến nhắm mắt suôi tay chưa hề được tiếp nhận một thông tin nào ngoài những những thông tin mà Đảng nhồi nhét. Chính sách đó đã làm cho người dân u mê và chỉ biết tuân theo Đảng. Nhiều người hiện thời đang sống trong xã hội Việt Nam vẫn không biết mình có những quyền gì? Những quyền cơ bản của mình đang bị xâm hại, nhưng không nhận biết để có phản ứng. Chính sách này đã có hiệu quả trong suốt những năm cộng sản trị vì. Nói đến biểu tình, nhiều người dân cho ngay đó là vi phạm pháp luật, họ có biết đâu Hiến pháp Việt Nam quy định :" công dân có quyền biểu tình". Đàn áp là chính sách thường trực của giới lãnh đạo Việt Nam . Tất cả những tiếng nói, việc làm dù là ôn hòa đến đâu cũng sẽ bị đàn áp. Đàn áp là công cụ, là phương tiện số một cho giới chức Cộng sản đảm bảo duy trì chế độ độc Đảng. Hàng trăm người bị tù đày chỉ vì bày tỏ tiếng nói ôn hòa, phản đối sự bành trướng của Trung Cộng; có đến cả nghìn người đồng bào Tây nguyên, đồng bào Hmông bị giam cầm với bản án khốc liệt chỉ vì họ muốn tự do Tôn giáo.
Giới trẻ Việt Nam hiện nay chịu rất nhiều áp lực từ phía Đảng, Nhà nước Việt Nam. Họ lập ra tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, một tổ chức nối cánh tay dài của Đảng để tập hợp lực lượng thanh niên trung thành với Đảng. Hội thanh niên Việt Nam, tập hợp những thanh niên không chịu vào Đoàn để phục tùng Đảng. Hội sinh viên Việt Nam tập hợp sinh viên vận động thực hiện theo chủ chương của Đảng, các tổ chức này đều do Đảng cử ra người làm lãnh tụ, chịu sự giám sát của Đảng. Ngoài ra giới trẻ Việt Nam còn phải chịu sự quản lý của các bậc phụ huynh mà lớp người này phần lớn là được hưởng một nền giáo dục khép kín. Tất cả sự ràng buộc như trên, cộng với sống trong một xã hội độc tài nên giới trẻ Việt Nam chưa thể làm được những câu chuyện bất hủ như ở Hồng Kông, đó là chuyện dễ hiểu. Lỗi không phải do giới trẻ Việt Nam, không phải do dân tộc Việt Nam mà là do chúng ta đang sống trong một thể chế cường quyền, thể chế này vẫn đang tồn tại, vẫn đang chi phối trong toàn bộ dời sống xã hội Việt Nam.
Có được một xã hội dân chủ văn minh như ở Hồng Kông, đối với Việt Nam là điều mơ ước vì chế độ Cộng sản đã ngự trị quá lâu trên đất nước ta. Không có con đường nào khác ngoài con đường là phải đòi hỏi thay đổi thể chế độc tài. Nó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến sự lạc hậu, sự kìm hãm phát triển đất nước.
Lan Anh

No comments:

Post a Comment