Tuesday, October 21, 2014

Bố mẹ nợ tiền ủy ban xã, con mất quyền công dân

Thứ Ba, ngày 21.10.2014    
Thưa quý thính giả, vì xây dựng trên căn bản dối gạt, bịp bợm, cái xã hội mà chúng ta đang sống đầy rẫy những nghịch lý. Để cùng chia sẻ những mẩu chuyện "cười ra nước mắt" của cuộc sống hôm nay, Đài Đáp Lời Sông Núi hân hạnh mang đến quý thính giả một chuyên mục mới: "Chuyện Chỉ Có Ở Việt Nam" phát thanh vào mỗi Thứ Ba. Chuyên mục này do Việt Cường phụ trách biên soạn. Trong chương trình hôm nay, mời quý thính giả theo dõi bài viết " Bố mẹ nợ tiền ủy ban xã, con mất quyền công dân " do Duy Hà trình bày để tiếp nối chương trình hôm nay.
Ngày 27/9/2014, Báo Tài nguyên môi trường đăng bài với tiêu đề: "còn nợ tiền Uỷ ban xã thì đừng nói tới việc làm giấy khai sinh" . Báo này viết : Chỉ vì bố mẹ chưa đồng ý phải nộp khi mua suất đất tái định cư mà một đứa trẻ 3 tuổi đã phải gánh chịu hậu quả là không được có tên trong danh sách công dân của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.Đó là tình cảnh của hộ gia đình anh Đặng Sỹ Đông trú tại Thôn Thị Tân, Xã Tân Phúc, Huyện Ân Thi, Tỉnh Hưng Yên.
Theo báo này thì nguyên nhân dẫn đến chuyện này là do bắt nguồn từ việc anh Đồng khiếu nại tiền phải đóng bổ xung khi mua một suất đất tái định cư do gia đình anh bị thu hồi đất Nông nghiệp phục vụ dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.(Quốc lộ 5B). Theo theo quyết định của Uỷ Ban Nhân dân tỉnh Hưng yên, hỗ trợ chênh lệch gía đất cho người dân với mức 800.000đ/m2. Chính vì vậy gia đình anh chỉ phải nộp 88.000.000đ và anh đã nộp đủ. Nhưng không hiểu sao Uỷ ban xã lại gọi lên yêu cầu anh đóng tiếp 42 triệu đồng, đồng thời đe dọa: nếu không đóng tiền còn thiếu thì xẽ không được xác nhận hay ký tá bất kỳ giấy tờ nào. Nghĩ rằng Uỷ ban xã chỉ dọa suông thôi, ai ngờ cách đây hai năm khi anh Đồng lên xã làm thủ tục khai sinh cho đứa con gái thứ hai của mình( đã có giấy chứng sinh ghi ngày 8/6/2012) thì liền bị từ chối thẳng thừng với lý do: khi nào trả hết nợ, con gái anh mới được đăng ký. Từ đó đến nay mặc dù đã nhiều lần lên xã đề nghị song kết quả chỉ nhận được những cái lắc đầu, sua tay từ chối. Cực chẳng đã anh Đồng đã làm đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng đề nhị xem xét, giải quyết quyền lợi ích chính đáng của con mình nhưng đều không thấy hồi âm.
Ở Việt Nam có đến một nghìn lẻ một câu chuyện tương tự như vậy: Chẳng hạn như chuyện Uỷ ban xã cấp "sổ đối lưu" cho các hộ gia đình. Sổ này được Uỷ ban xã đóng dấu giáp lai, trong đó ghi các khoản phải thu của xã tức là các khoản phải nộp của hộ gia đình. Qũy quốc phòng-An ninh: khoản thu này để chi cho các đợt tập huấn dân quân hàng năm, các đợt trưng tập dân quân đột xuất do xã điều động; chi cho việc tuần tra giữ gìn an ninh trật tự xã hội như mua sắm đèn pin, giày ủng, áo đi mưa, tiền bồi dưỡng làm việc đêm...Qũy dự trữ : quỹ này nhằm để chi cho những việc đột xuất của thôn, của xã thí dụ như tiếp khách khi cấp trên đến tham quan, công việc đột suất của thôn, của xã cần phải huy động đóng góp. Qũy giao thông, dùng để chi cho việc tu bổ giao thông như mua cống, xi măng, sắt thép, cát đá, sỏi để xây dưng, tu bổ công trình ngoài việc huy động sức người trực tiếp tham gia lao độngvv và vv. Các hộ gia đình phải có nghĩa vụ nộp đầy đủ các khoản được ghi trong sổ. Nếu không nộp hoặc nộp không đầy đủ thì chính quyền cấp xã có quyền từ chối mọi việc giao dịch. Con không được cấp giấy khai sinh; thanh niên nam nữ cưới nhau không được kết hôn; xin dấu xác nhận đều bị khước từ.
Một hộ gia đình đã nộp đầy đủ các khoản ghi thu do Uỷ ban xã ban hành. Năm đó xã được trên cấp kinh phí xây dựng trụ sở Uỷ ban, sắp cuối năm công trình hoàn thành, theo bản thiết kế trụ sở Uỷ Ban có tường bao xung quanh, song do những " phát sinh" trong quá trình thi công nên công trình chưa hoàn thành thì đã hết kinh phí. Lãnh đạo xã ra quyết định thu mỗi hộ 200.000đ để xây tường rào. Anh ta phản đối về khoản thu phát sinh này. Hậu quả là khi anh ta lên xã làm một số thủ tục cho con nhập học đại học liền bị Chính quyền từ chối. Hết chịu nổi anh ta đâm đơn kiện lên các cơ quan chức năng và cuối cùng mới được giải quyết.
Một quân nhân đang tại ngũ, qua mấy năm phấn đấu anh được cử đi học trường sỹ quan chuyên nghiệp. Tin này làm cho cả họ hàng vui mừng phấn khởi. Khi đơn vị lặn lội tìm đến địa phương để xác nhận nhân thân. Người sỹ quan được đơn vị cử đến địa phương này lên gặp lãnh đạo xã, anh ta bàng hoàng khi nhận được sự khước từ của Chính quyền với lý do gia đình chưa nộp đầy đủ các khoản đóng góp. Thế rồi người quân nhân đó trực tiếp lên gặp lãnh đạo xã và được giải thích răng : đây là nghị quyết của Đảng ủy, chúng tôi là người thực thi. Qua sông phải lụy đò, trời không chịu đất thì đất phải chịu trời vậy, anh nộp tiền cho xã rồi mọi việc mới suôn sẻ.
Lại có ông chủ tịch huyện mới lên cầm quyền chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao, luật lệ chẳng chịu nghiên cứu, ông đùng đùng yêu cầu Ban quản lý của một đền trong huyện phải nộp các khoản công đức vào ngân sách huyện để ông quản lý. Nhà đền phản đối, ông không nghe nên xảy ra chuyện đền lao đơn kiến nghị lên trên. Vụ việc được giải: theo luật ngân sách, tiền công đức của đền chùa không phải nguồn thu của ngân sách. Ngân sách chỉ được thu các dịch vụ của đền, chùa. Thấy mình sai ông ta quay sang lý giải: thu vào ngân sách rồi lại điều tiết về cho đền như vậy không sai luật. Chưa hết, ông ta còn ra quyết định thu khoản quỹ giao thông của các xã lên huyện, xã nào không thành lập quỹ giao thông ông ta giao chỉ tiêu để xã thu. Mục đích của ông ta là có được trong tay một khoản tiền lớn để đầu tư làm tuyến đường mới và tất nhiên ông ta có được phần trăm trong số tiền đó. Các xã phản đối, ông ta cũng kiên định lập trường của mình. Kết quả thu được một ít lẻ tẻ, ông ta khùng lên. Cuối năm bình xét thi đua ông thẳng thừng cắt điểm thi đua các xã không chịu nộp tiền giao thông nông thôn cho huyện, vì lý do không tuân lệnh cấp trên.
Đúng là chuyện chỉ có ở Việt Nam.
Việt Cường

No comments:

Post a Comment