Thursday, October 23, 2014

Tin tức ngày thứ Năm, 23.10.2014

Tin cập nhật về cuộc đấu tranh của người dân HK sau cuộc đàm phán lần đầu bị bế tắc, hai phe gia tăng áp lực.

Sau khi cuộc họp kết thúc, bà Carrie đã hứa hẹn sẽ tường trình đầy đủ lên đặc khu trưởng Hồng Kong và chính quyền Ma Cao những yêu sách của sinh viên về bầu cử, nhưng bà nói thêm Bắc Kinh sẽ không thay đổi thể thức bầu cử năm 2017 như quốc hội đã biểu quyết. Vài giờ trước cuộc đàm phán, ông đặc khu trưởng Hồng Kong đã trả lời một cuộc phỏng vấn báo chí là ông không tán thành lối bầu cử mỗi người một lá phiếu bình đẵng, vì theo ông, như thế kết quả sẽ do đa số dân nghèo quyết định.
Trước khi chia tay, đại diện sinh viên đã tuyên bố vì chính quyền không có thiện chí, họ sẽ tiếp tục chiếm cứ các khu phố để biểu tình cho đến khi có chính quyền thỏa mãn yêu sách của họ. Và vào sáng hôm qua, hơn 200 sinh viên đã đến biểu tình trước tư dinh đặc khu trưởng Hồng Kong để đòi ông nầy phải từ chức.
Cuộc đàm phán vào tối hôm Thứ Ba đã được trực chiếu trên đài truyền hình. Sau hai giờ đàm phán, hầu hết dân chúng và các quan sát viên đều cho điểm phái đoàn sinh viên cao hơn các giới chức Hồng Kong, vì theo họ chính quyền chỉ đòi sinh viên tương nhượng mà không đưa ra được một điều gì cải thiện tiến trình bầu cử, trong khi đó các đại diện sinh viên đã tỏ ra rất trưởng thành. Họ trình bày và lý luận yêu sách của rất rõ ràng và nhiệt tình, vì thế họ đã chinh phục được cảm tình của số đông.

ĐIẾU CÀY TUYÊN BỐ SẼ TRANH ĐẤU CHO NGÀY TRỞ VỀ

Ngay khi đặt chân đến Mỹ, tù nhân lương tâm nổi tiếng là Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải dõng dạc tuyên bố là anh sẽ tranh đấu cho ngày trở về lại VN.
Với khuôn mặt xanh xao, và đôi chân vẫn còn mang dép nhựa khi đặt chân đến phi trường Los Angeles với hàng trăm đồng bào chào đón nồng nhiệt, Điếu Cày đã bày tỏ nỗi xúc động của mình và tuyên bố việc anh đến được bến bờ tự do là một thắng lợi của giá trị tự do, dân chủ và kết quả đấu tranh không ngừng của nhiều người. Theo Điếu Cày thì đây cũng là thông điệp hiệu quả gửi đến các anh em khác đang bị giam cầm để họ biết rằng họ không đơn độc vì đang có nhiều bạn bè và chính phủ quốc tế luôn quan tâm về số phận của họ. Và Điếu Cày dòng dạc tuyên bố là anh sang Mỹ là để đấu tranh cho một ngày trở về, không chỉ cho riêng anh mà còn cho những đồng bào đang sống lưu vong ở hải ngoại.
Cần nói thêm là rất nhiều tổ chức và chính phủ thế giới vào hôm qua đã bày tỏ sự vui mừng về việc Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải thoát được ngục tù cộng sản sau 6 năm 6 tháng bị đày đọa trong tù và đã xém chết sau cuộc tuyệt thực kéo dài gần 2 tháng.
Ngoài việc hoan nghênh Điếu Cày đến bến bờ tự do, bộ ngoại giao Mỹ vào hôm qua cũng loan báo là một quan chức của bộ, đặc trách về các lãnh vực nhân quyền và lao động, đang viếng thăm VN trong tuần này. Quan chức này là ông Tim Malinowski, phụ tá ngoại trưởng Mỹ, đã đặt chân đến Hà Nội vào hôm qua để thảo luận về các vấn đề nhân quyền và tăng cường mối quan hệ Mỹ - Việt trong lãnh vực an ninh và kinh tế.

BẠO QUYỀN VN TIẾP TỤC ĐÀY ĐỌA NHÀ ĐẤU TRANH ĐẶNG XUÂN DIỆU

Tờ báo mạng Thanh Niên Công Giáo vào hôm qua đã tường thuật chi tiết về việc công an đã ngăn cản không cho thân nhân đến trại tù Yên Định, ở tỉnh Thanh Hóa, để thăm nuôi tù nhân lương tâm Đặng Xuân Diệu đang bị hành hạ đến dở sống dở chết suốt mấy tháng qua.
Theo nguồn tin từ gia đình và bạn bè thì tù nhân Đặng Xuân Diệu đang bị biệt giam, bị đánh đập và bỏ đói suốt 7 tháng qua vì phản đối điều kiện giam cầm khắc nghiệt trong trại tù. Hiện sức khỏe của anh Diệu, 34 tuổi đang vô cùng suy yếu và đây là lần đầu tiên mà gia đình đến trại tù sau 3 năm bị cấm thăm nuôi. Tuy nhiên thân nhân chỉ được phép nhìn anh từ một khoảng cách xa 20 thước trong vòng 20 phút.
Các hình ảnh loan tải trên mạng cho thấy, thân nhân và bạn bè bị làm khó dễ đủ thứ trên con đường dẫn vào trại tù, thậm chí là bị công an lập chướng ngại vật bằng các tảng đá khổng lồ để không cho chiếc xe van tiến vào.
Cần nhắc lại, kỹ sư xây dựng Đặng Xuân Diệu là một trong 14 giáo dân Công giáo và Tin Lành ở Vinh bị bắt vào năm 2011 và bị tuyên án đến 13 năm tù với cáo buộc "âm mưu lật đổ chế độ". Anh Diệu từng tham gia ký tên vào các thỉnh nguyện thư chống dự án Bauxite ở Tây Nguyên và kiến nghị trả tự do cho Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ.

THÊM MỘT TÀU CÁ VN BỊ QUÂN TÀU TẤN CÔNG Ở VÙNG BIỂN HOÀNG SA

Trong khi phái đoàn tướng lãnh cao cấp VN đang triều kiến Bắc Kinh thì một tàu cá Quảng Ngãi đã bị quân Tàu bất ngờ tấn công, chặt dây neo, đập phá cabin và ném toàn bộ hải sản xuống biển.
Tờ báo Dân Trí số ra vào hôm qua cho biết đây là một tàu cá thuộc đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi, với 6 ngư dân trên tàu. Vào lúc 12 giờ trưa ngày 14/10, trong khi đang vớt rau câu tại đảo Bom Bay thì một tàu sắt Trung Cộng mang mã số 46106 lao đến tấn công. Thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Khánh kể rằng, 6 tên giặc Tàu trang bị vũ khí đã dùng ca nô ép sát và leo lên uy hiếp các ngư dân. Trước khi bỏ đi chúng đã đập phá ngư cụ và trút toàn bộ số rau câu xuống biển. Ông Khánh ước tính mức thiệt hại là hơn 80 triệu đồng, tức khoảng 4000 Mỹ kim.

THÊM MỘT TAI TIẾNG MỚI TRONG DỰ ÁN PHI TRƯỜNG LONG THÀNH

Sau khi bị Nhật Bản phủ nhận việc cho vay 2 tỷ Mỹ kim, bộ giao thông vận tải VN vào hôm qua lại phải đính chính về một tuyên bố láo khoét khác của ông thứ trưởng Phạm Quý Tiêu sau khi ông này tuyên bố là một tập đoàn của Pháp, có tên là ADPi, cam kết sẽ tài trợ 2 tỷ Mỹ kim cho dự án phi trường quốc tế Long Thành.
Trong thông báo đưa ra vào chiều hôm qua, bộ giao thông tuyên bố là họ không biết ADPi là công ty nào và chưa hề tiếp xúc với công ty này. Tuy nhiên để bào chữa cho ông thứ trưởng Phạm Quý Tiêu, bộ này nói rằng ADPi là một công ty con của tập đoàn ADPM, và tập đoàn này đang có ý định tài trợ cho dự án này.
Trong khi đó thì trước tình trạng ngập lụt tràn lan ở Sài Gòn, giới chức thành phố này lại mở các phiên họp để đổ lỗi cho nhau và dự định mời các nhà khoa học nhóm họp để tìm biện pháp giải quyết. Thế nhưng theo báo chí lề đảng thì đã có hàng trăm phiên họp như thế suốt nhiều năm qua, nhưng người dân vẫn tiếp tục bơi lội trên đường phố mỗi khi mưa xuống, và giới hữu trách thì luôn đổ tội cho "triều cường" hay "biến đổi khí hậu".

No comments:

Post a Comment