Thursday, October 16, 2014

Cách Mạng "ô dù"

Thứ Năm, ngày 16.10.2014    
Dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên là một tiến trình bất khả vãn hồi, không những tại Tây Phương, Trung Đông mà trên toàn thế giới, từ HongKong đến Việt Nam. Hoàng Chí Phong khởi xướng cuộc đấu tranh tại HongKong và tuổi trẻ Việt Nam chắc chắn sẽ khởi xướng một cuộc cách mạng tương tự tại Việt Nam trong tương lai rất gần. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Mưa Nguồn với tựa đề: "Cách Mạng Ô Dù" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Cái Ô: Tiếng của người miền Bắc hay cái DÙ: Tiếng của người miền Nam gọi cái vật giương ra cụp vào để che mưa che nắng cho bàn dân thiên hạ khi di chuyển, mà đôi khi còn là vật kèm theo của các cô gái mới lớn đi dạo phố có tính cách như là một vật trang sức, chứ không phải tiếng lóng trong ngôn ngữ của ta ám chỉ bọn con ông cháu cha, dựa hơi gia đình cách mạng, cha mẹ làm lớn, chỉ biết ăn chơi trác táng làm băng hoại xã hội.
Tuy nhiên, chỉ mới trong vòng 3 tuần mà từ ngữ "Cách Mạng Ô Dù" lại được loan truyền trên khắp các phương tiện từ truyền thông đại chúng đến giới chức cầm quyền nhất là trong giới trẻ và sinh viên trên toàn cầu trừ các nước mà đảng cộng sản đang cai trị.
Ta thử nhìn qua bối cảnh tạo ra nguyên nhân cuộc cách mạng này xem sao.
Khởi sự từ khi hiệp ước nhượng địa về tô giới hết hiệu lực đối với HongKong bắt đầu từ năm 1997, nước Anh phải trả lại Hongkong cho Trung cộng. Lúc bấy giờ để vuốt ve và lấy lòng dân chúng Hongkong và dư luận thế giới: Nhà cầm quyền Trung cộng đưa ra chiêu bài chế độ cai trị "một quốc gia hai thể chế" để dân chúng Hongkong tiếp tục an tâm sống dưới sự cai trị của đảng cộng sản Trung Hoa mà không cần bất cứ một sự phản kháng nào.
Mọi người đều biết rõ sau khi chiếm trọn lục địa và đẩy Tưởng giới Thạch ra đảo Đài Loan... Lần lượt, Mao xua quân chiếm Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng và vài nước lân cận. Duy có 2 bán đảo Hongkong và Macau là hai tô giới: một của Anh và một của Bồ Đào Nha. Riêng Hongkong được ví như cái vú sữa của Trung Hoa lục địa dưới thời cai trị của Mao trạch Đông. Mặc dầu nó và Đài Loan luôn luôn là cái gai nhọn trước Mao và đàn em của y sau này.
Từ khi trả về tay chính quyền Hoa lục vào năm 1997 thì Hongkong vẫn thịnh vượng và sinh hoạt dưới thể chế dân chủ pháp trị được ảnh hưởng đường lối cai trị ôn hòa dưới chế độ Đại Nghị của Anh cả trăm năm rồi. Càng ngày dân chúng ở lục địa càng kéo sang làm ăn và ở lì trên đất Hongkong càng nhiều, nhất là thân nhân của bọn đang cầm quyền ở lục địa, chúng chia chác nhau quyền lợi làm ăn buôn bán và thị trường tài chánh ở bán đảo này. Vả lại, có lẽ cái vết thương Thiên An Môn còn sờ sờ ra đó chưa khép lại theo thời gian nên chính quyền chưa mạnh tay đưa ra những biện pháp như trong lục địa chăng?
Đối với quần chúng trong các nước mà đảng cộng sản và guồng máy công an kiểm soát từ lâu thì hầu như không có phản ứng tích cực. Còn người dân Hongkong đâu dễ dàng chấp nhận. Họ phản ứng ngay tức khắc mà đặc biệt là giới đứng lên hô hào chống đối lại là giới trẻ sinh ra và lớn lên trong chế độ cộng sản. Lạ hơn nữa, người lãnh đạo chỉ là một chàng trai mới có 17 tuổi: Hoàng Chí Phong. Cả thế giới sững sờ!
Tại sao lại có hiện tượng lạ lùng như thế ở HongKong? Ta thử xét xem sao:
1. Dù là một chế độ chính trị đa đảng nhưng người dân HgKg chưa được dân chủ thực sự, tuy có một Hội Đồng
Hành Pháp do một Đặc khu trưởng đứng dầu, một Hội Đồng Lập Pháp, Tư Pháp là Tòa Phá Án Chung Quyết
HgKg.
2. Chức vụ Đặc khu trưởng không phải do dân chúng trực tiếp bầu mà do một ủy ban bầu cử gồm 1200 người được
Trung cộng chọn và nhà cầm quyền Bắc Kinh bổ nhiệm theo kiểu 'đảng cử - dân bầu' như ở Việt Nam.
3. Trong 70 ghế đại biểu Hội Đồng Lập Pháp thì 30 ghế phải theo kiểu 'đảng cử - dân bầu' như vậy.
4. Quyền diễn giải luật pháp lại là quyền của ban Thường Vụ Quốc Hội Trung cộng chứ không phải do Tòa Phá Án
Chung Quyết hay Tối Cao Pháp Viện HgKg.
5. Người dân HgKg muốn có dân chủ thực sự vào năm 2017 là mỗi người một lá phiếu độc lập chứ không phải nền
dân chủ nửa vời như hiện nay.
6. Ngày 31/8/2014 vừa qua, Bắc Kinh quyết định ngược lại rằng từ 2017 sẽ chỉ có 3 ứng cử viên được chọn tranh
cử và ủy ban đề cử sẽ do Bắc Kinh bổ nhiệm không liên quan gì đến HgKg .
Chính những sự kiện trên đã châm ngòi cho các cuộc bùng nổ phản đối của giới trẻ Hkong.
Nhà cầm quyền phản ứng bằng cách xua cảnh sát phun nước, xịt hơi cay vào đám đông biểu tình. Họ không hề phản ứng bằng bạo động vì họ thừa biết bạo động sẽ tạo thêm bạo động, sẽ có máu đổ thịt rơi. Để đối phó với vòi rồng và hơi cay họ bảo nhau dùng áo mưa, ô dù, khẩu trang để làm giảm thiểu tác hại của vòi rồng. Thậm chí, họ còn dùng những ô dù đó để che mưa cho cảnh sát là những người vừa mới đàn áp họ theo lệnh cấp trên. Xem ra tình người và lòng nhân đạo bất cứ ở đâu cũng có thể thực hiện được!
Họ không yêu sách gì nhiều. Chỉ đòi hỏi nhà cầm quyền Trung cộng phải thực hiện lời hứa: Một quốc gia hai thể chế và ông Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh phải từ chức. Nhưng tất cả vẫn chưa ngã ngũ vì lẽ chuyện này chưa hề có tiền lệ trong lịch sử của nhà cầm quyền cs không phải bởi dân do dân và vì dân. Làm sao bọn cầm quyền dễ dàng chấp thuận các yêu sách đó khi chúng không biết lắng nghe tiếng nói của người dân.
Nhìn rộng ra thế giới bên ngoài, các cuộc cách mạng làm thay đổi các thể chế chính trị độc đảng độc tôn độc tài, đem lại hạnh phúc, tự do dân chủ cho người dân bắt nguồn từ giới trẻ. Điển hình là giới sinh viên học sinh như bên Indonésia, Tunisie, Ai Cập, v.v... hoặc chính sách bất bạo động phát nguồn từ Thánh Ghandi bên Ấn Độ rồi đến Nelson Mandela ở Nam Phi và nhiều nơi nữa cho đến ngày hôm nay vẫn được áp dụng rất hiệu quả.
Trông người lại nghĩ đến ta. Giới trẻ trong nước có phản ứng gì không trước những bất công, luân thường đạo lý suy đồi, cướp bóc, tệ trạng tham nhũng hối lộ đang xảy ra hàng ngày mà nay đã trở thành quốc nạn?
Chắc chắn là có chứ; nhưng hầu hết đã bị bóp nghẹt trong trứng nước. Mạng lưới công an dày đặc, với những khẩu hiệu "còn đảng còn mình" hay ôm lấy cái sổ hưu để có chút đỉnh bổng lộc mà quên đi nguy cơ mất nước đang cận kề.
Mong sao những dấn thân của tuổi trẻ Hongkong là một trong những động lực tạo nên nguồn hứng khởi cho các bạn trẻ đã, đang và còn thiết tha với tiền đồ tổ quốc VN.
Mong sao phương châm đấu tranh của Hoàng Chí Phong cũng là quyết tâm cho mọi người VN trong và ngoài nước: "Tôi không muốn đùn đẩy cuộc đấu tranh dân chủ cho thế hệ sau. Đó là trách nhiệm của chúng ta".
Sẽ có ngày rất gần đây, các bạn trẻ Việt Nam đứng lên làm những Phù Đổng, Đinh Bộ Lĩnh, Trần Quốc Toản. Đó là ngày vận hội mới cho nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.
MƯA NGUỒN

No comments:

Post a Comment