Wednesday, March 4, 2015

Tin tức ngày thứ Tư, 04.03.2015

LÀN SÓNG CƯỚP GIẬT VÀ ĐỔ MÁU TIẾP TỤC DIỄN RA TẠI CÁC LỄ HỘI

Một người thiệt mạng và nhiều người bị thương nặng trong một vụ ẩu đả vào hôm qua tại hội đền Bắc Cung ở huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc, trong khi đó thì hàng trăm thanh niên lăn xả vào nhau để đấm đá tranh giành một quả cầu tại lễ hội Phết Hiền Quan ở tỉnh Phú Thọ, khiến người dân phải lắc đầu ngao ngán.
Vụ án mạng diễn ra tại lễ hội Bắc Cung bắt nguồn từ việc tranh giành địa điểm mở sòng bạc dưới chiêu bài chơi trò tôm cá. Trong khi đó vụ hỗn loạn ở xã Hiền Quan là nhằm tranh giành các quả Phết trong lễ hội tưởng nhớ Thiều Hoa công chúa, một nữ tướng oai hùng dưới trướng Hai Bà Trưng.
Đây là hai vụ cướp giật và đổ máu mới nhất trong làn sóng ẩu đả lên đến vài chục ngàn vụ trong mùa Tết Ất Mùi, với hơn 6 ngàn người phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Thế nhưng vào hôm qua, trong một tuyên bố vô cùng kỳ dị, nếu không muốn nói là có tính xúi giục các hành động này, phó ban tuyên giáo thành uỷ Hà Nội, ông Phan Đăng Long, nói rằng việc đánh nhau để cướp lộc trong lễ hội Thánh Gióng không phải là hành động "cướp giật" mà là "cướp có văn hóa". Không hiểu ông Long dựa vào những sử liệu nào để nói rằng việc cướp giật là theo tục lệ cổ truyền của người dân Việt.

GIỚI TIỂU THƯƠNG CHỢ ĐẦM CHIẾN THẮNG SAU KHI XUỐNG ĐƯỜNG BIỂU TÌNH

Sau cuộc xuống đường biểu tình rầm rộ vào cuối năm ngoái, giới tiểu thương chợ Đầm – Nha Trang vừa nhận được thông báo của nhà cầm quyền tỉnh Khánh Hòa, nội dung cho biết là họ sẽ điều tra các mờ ám trong dự án xây dựng chợ mới mà các tiểu thương nêu lên.
Tuy nhiên thông báo khẳng định là việc phá bỏ chợ Đầm vẫn sẽ tiến hành theo kế hoạch. Cần nhắc lại là cuối năm ngoái, hàng trăm tiểu thương chợ Đầm đồng loạt bãi thị để phản đối việc phá hủy ngôi chợ do Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế trước năm 1975, và đã trở thành một biểu tượng của thành phố Nha Trang. Các tiểu thương cũng chỉ trích là nhà cầm quyền không hề thảo luận với họ về việc này.

DỊCH SỐT XUẤT HUYẾT BỘC PHÁT MẠNH Ở CÁC TỈNH MIỀN NAM

Bộ y tế VN báo cáo là hơn 3600 người ở các tỉnh thành miền Nam bị nhiễm bệnh sốt xuất huyết trong vòng hai tháng qua, với 3 người đã thiệt mạng vì chứng bệnh truyền nhiễm này. So với cùng kỳ năm ngoái thì tỷ lệ nhiễm bệnh đã gia tăng gần 30%.
Tính từ đầu năm đến nay thì trên toàn quốc đã có hơn 5200 người bị bệnh sốt xuất huyết tại 38 tỉnh thành, tức quá sớm so với chu kỳ bộc phát dịch bệnh này là hai tháng 7 và 8, tức vào mùa mưa. Một quan chức của bộ y tế cũng lưu ý là dịch bệnh này đang có nhiều biến đổi khó tiên liệu được. Vào năm ngoái dịch này kéo dài đến tháng 12 trong khi các năm trước thì thường chấm dứt vào tháng 10.
Cần nói thêm là tại VN hiện có 4 loại vi khuẩn gây bệnh sốt xuất huyết, nhưng một người cũng có thể bị nhiễm cả 4 loại. Đây cũng là dịch bệnh có tính truyền nhiễm nhanh và dễ lan rộng.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRUNG CỘNG KHÔNG CHẤP NHẬN MẪU MỰC DÂN CHỦ TÂY PHƯƠNG

Trong bài diễn văn khai mạc phiên họp của ủy ban thường vụ quốc hội, chủ tịch quốc hội Du Chính Thanh ám chỉ là nền dân chủ Tây phương không phải là mô hình có thể áp dụng tại Hoa Lục.
Điều khôi hài là khi ám chỉ điều đó, họ Du lại nhấn mạnh đến việc nâng cao đức tính trong sạch, liêm khiết trong giới cán bộ và đẩy mạnh chiến dịch bài trừ tham nhũng mà Tập Cận Bình phát động từ hai năm qua để bảo đảm sự sống còn của đảng và nhà nước Trung Cộng.
Những lập luận của Du Chính Thanh cũng tương tự như những điều mà tòa tối cao Trung Cộng đưa ra trong thông cáo phổ biến rộng rãi vào tuần trước. Thông cáo này phản đối các lời kêu gọi áp dụng hệ thống dân chủ và chính trị của Tây phương với lý do xã hội Trung Hoa có những điểm khác biệt với các nước văn minh khác.

CẢNH SÁT MIẾN ĐIỆN RA LỆNH GIỚI SINH VIÊN PHẢI NGƯNG BIỂU TÌNH

Cảnh sát Miến Điện vào hôm qua đã ra tối hậu thư cho giới sinh viên biểu tình là phải giải tán nếu không sẽ bị đàn áp.
Tối hậu thư được gửi đến 300 sinh viên đang cố thủ trong một ngôi chùa ở miền trung, với yêu cầu họ phải chấm dứt cuộc tuần hành trên toàn quốc để phản đối các cải cách trong giáo dục mà họ cho là phi dân chủ. Từ sáng hôm qua, cảnh sát chống bạo động đã bao vây các sinh viên này tại một ngôi chùa cách thành phố Rangoon 130 cây số.
Đây là những sinh viên đã xuất phát từ thủ đô Mandalay từ ngày 20 tháng Giêng vừa qua trong cuộc tuần hành sẽ kéo dài 600 cây số trên để đòi hỏi nhà cầm quyền phải cải tổ rộng rãi lãnh vực giáo dục, cho phép thành lập các nghiệp đoàn giáo chức và giảng dạy các ngôn ngữ của sắc tộc thiểu số.

GIỚI HẠN SỐ NGƯỜI THAM DỰ TANG LỄ CỦA THỦ LÃNH ĐỐI LẬP NGA

Nhiều chính khách Âu châu và phe đối lập ở Nga đã bị chính phủ Putin cấm cản không cho đến tham dự tang lễ của ông Boris Nemtsove, một chính khách đối lập bị ám sát trên đường phố Moscow vào tối thứ Sáu tuần trước.
Một dân biểu Ba Lan đã bị bác đơn xin nhập cảnh, trong khi một dân biểu Latvia bị đuổi về nước khi bước xuống phi trường Moscow. Trong khi đó thì thủ lãnh đối lập Alexei Navalny, bạn thân của ông Nemtsov, cũng bị cấm rời nhà tù, nơi ông đang thọ án 15 ngày tù vì cáo buộc "gây rối trật tự công cộng".
Điện Cẩm Linh loan báo là Tổng thống Vladimir Putin cũng không tham dự lễ tang nhưng sẽ cử đại diện đến phúng điếu ông Nemtsov 55 tuổi, người cầm đầu phong trào phản đối cuộc chiến tại Ukraine. Trong khi đó thì các chuyên gia giảo y cho biết ông Nemtsov bị trúng 4 phát đạn trong vụ ám sát nói trên.

No comments:

Post a Comment