Sunday, March 15, 2015

Nói với người cộng sản

Chủ Nhật, ngày 15.03.2015    
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian
Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,
Tuần trước Đại sứ Mỹ Ted Osius tại Việt Nam cho biết ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam sẽ chính thức đi thăm Mỹ trong năm nay theo lời mời từ chính quyền của Tổng thống Barack Obama. Nếu điều này xảy ra đúng theo kế hoạch thì đây sẽ là một sự kiện đặc biệt không chỉ trong quan hệ Việt-Mỹ mà còn là một vấn đề đặc biệt đối với đảng cộng sản Việt Nam và cá nhân ông Trọng.
Năm nay là năm sẽ đánh dấu hai cột mốc quan trọng đối với Việt Nam, 40 năm ngày Cộng sản Bắc Việt tấn chiếm miền Nam, đánh đổ chính thể Việt Nam Cộng Hòa đồng minh của Mỹ và 20 năm ngày chính quyền cộng sản Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền tư bản Mỹ.
Và chuyến thăm Mỹ sắp tới của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ là cột mốc lần đầu tiên người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam chính thức thăm Mỹ ở cấp quốc gia. Như chúng ta đã biết, từ năm 2000 tới nay đã có rất nhiều cán bộ cao cấp cộng sản Việt Nam, từ thủ tướng, chủ tịch nước cho tới cấp bộ trưởng, thứ trưởng, tới thăm Mỹ theo lời mời của chính quyền Mỹ. Nhưng chưa có một tổng bí thư cộng sản của Việt Nam được tới thăm Mỹ. Việc tổng bí thư cộng sản Việt Nam chưa được tới thăm Mỹ ngoài lý do nằm ở việc quan hệ giữa hai chính quyền vẫn chưa đạt được sự tương hợp cần thiết còn do thông lệ ngoại giao, quan hệ giữa các chính quyền với nhau là quan hệ giữa các viên chức nhà nước, chính quyền, không phải là quan hệ giữa các đảng phái. Mà, tổng bí thư chỉ là một người đứng đầu một đảng chính trị, không phải là viên chức cao cấp nhà nước như thủ tướng, chủ tịch nước hoặc bộ trưởng. Vì vậy, chính quyền các nước dân chủ thường rất hiếm khi mời tổng bí thư cộng sản sang thăm cho dù ở các nước cộng sản, tổng bí thư có quyền lực chính trị cao nhất.
Như vậy, chuyến thăm Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng cho thấy chính quyền Mỹ đang cố gắng thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ phát triển cao hơn và tạo sự gắn bó hơn nữa giữa hai hệ thống chính trị hiện đang còn ở hai phía đối nghịch nhau, phía Mỹ là chính quyền có nền tảng dân chủ, tôn trọng nhân quyền, còn phía Việt Nam là chính quyền phi dân chủ, độc tài độc đảng, trấn áp nhân quyền. Việc xúc tiến linh hoạt của chính quyền Mỹ như thế không có điều gì đáng ngạc nhiên. Chính sách mềm mỏng, thực dụng, phù hợp với lợi ích bản thân và thích ứng với tình hình luôn thường thấy trong các chính sách đối ngoại của Mỹ từ trước tới nay. Trong bối cảnh Biển Đông một đường hàng hải quan trọng bậc nhất trên thế giới đang bị Trung Cộng đe dọa độc chiếm thì chính sách đó của Mỹ là điều càng dễ hiểu. Đó chính là sự hiện thực hóa chính sách "chuyển trục về Thái Bình Dương" của chính quyền Mỹ trong nhiều năm qua nhằm cảnh giới, kìm giữ các hành vi bành trướng, xâm lấn của Trung Cộng.
Nhưng đối với đảng cộng sản Việt Nam, việc ông Nguyễn Phú Trọng đi thăm Mỹ không phải là một hiện tượng thường tình. Chúng ta biết rằng kể từ khi thành lập tới nay đã được 85 năm và qua 14 đời tổng bí thư, chưa bao giờ có một tổng bí thư cộng sản Việt Nam nào được bước chân tới Mỹ. Bên cạnh đó, cho tới nay, ông Nguyễn Phú Trọng và đảng cộng sản Việt Nam vẫn một mực khẳng định tiếp tục theo đuổi con đường tiến lên "xã hội chủ nghĩa", tức là con đường nhằm chống lại và lật đổ "tư bản chủ nghĩa". Ngoài ra, ông Nguyễn Phú Trọng và đảng cộng sản Việt Nam luôn tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, "bốn tốt, mười sáu chữ vàng" với Trung Cộng. Trong những năm qua, đảng cộng sản Việt Nam đã để cho Trung Cộng liên tục gia tăng sự xâm nhập, ảnh hưởng trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, thương mại cho tới an ninh, quốc phòng, giáo dục. Vậy tại sao ông Nguyễn Phú Trọng và đảng của ông lại chấp nhận lời mời đi thăm chính thức một quốc gia đứng đầu khối tư bản, một chính quyền thuộc dạng "đế quốc đầu sỏ" và là một đối thủ kình địch của Trung Cộng?
Đó cũng là vấn đề đang được bàn tán rôm rả trong dư luận tại khắp các vùng miền ở Việt Nam. Qua tiếp xúc, chúng tôi thấy có ba cách lý giải sau đáng được chia sẻ với quí vị, quí bạn:
Một, xuất phát chủ yếu từ ý muốn cá nhân của ông Nguyễn Phú Trọng, muốn được như một số người khác đã thấy tận mặt "sào huyệt" của "chũ nghĩa tư bản đang giãy chết" trước khi về hưu và đồng thời muốn để lại một dấu ấn cá nhân của bản thân cho đảng cộng sản Việt Nam: tổng bí thư đầu tiên thăm Mỹ.
Hai, đây là quyết định chung của toàn Bộ chính trị muốn ông Nguyễn Phú Trọng đi Mỹ để xoa dịu dư luận người Việt yêu nước về một loạt các hành vi hèn nhược, bán nước cho Trung Cộng của đảng cộng sản Việt Nam trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.
Ba, ông Nguyễn Phú Trọng muốn có một môi trường tuyệt đối bí mật để trao đổi với người Mỹ về vấn đề an ninh cho cá nhân và gia đình của ông ta trong trường hợp có những biến loạn chính trị, đặc biệt là từ phía Trung Cộng và các phe cánh trong đảng cộng sản Việt Nam.
Đó là ba cách giải thích từ một số dư luận về việc ông Nguyễn Phú Trọng đã nhận lời thăm Mỹ. Nhưng có một nhận xét đáng nhớ nhất là khi chúng tôi nghe thấy một người giận dữ nói rằng:
"Làm chết mấy triệu dân, làm què chân, cụt tay mất mấy triệu người để đánh Mỹ, đuổi Mỹ, rồi cuối cùng lại quay hết đi Mỹ! Thế mà luôn vỗ ngực là 'đạo đức là văn minh', là 'đỉnh cao trí tuệ'!?!"
Dian và Tiến Văn kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.
Tiến Văn
15/03/2015

No comments:

Post a Comment