Saturday, March 14, 2015

Luật Sư Đào Tăng Dực: Bản Hiến Pháp Việt Nam Năm 2013 (phần 4)

Thứ Bảy, ngày 14.03.2015
Tiếp theo đây, như thường lệ vào mỗi tối Thứ Bảy là chuyên mục Những Vấn Đề Của Chúng Ta do đặc phái viên Hải Nguyên phụ trách điều hợp
Hải Nguyên: Thưa LS, khi đọc hiến pháp 2013, nhiều học giả cho rằng, những lập luận nêu ra trong hiến pháp hầu bảo vệ vị trí độc tôn của đảng CSVN là những lập luận có tính cưỡng từ đoạt lý. Xin LS cho biết lý do tại sao?
LS Đào Tăng Dực: Hầu củng cố cho độc tài đảng trị, đảng CSVN đã sát nhập những khái niệm trừu tượng hoặc thực thể hoàn toàn khác biệt, một cách vô trách nhiệm, với mục đích nô lệ hóa những công dân cá thể
Điển hình là Câu mở đầu của điều 64 ghi:
"Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân."
Sau đó toàn văn của điều 65 ghi:
"Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế."
Như chúng ta đều biết, thành ngữ "tổ quốc xã hội chủ nghĩa" là sự kết hợp giữa hai khái niệm: xã hội chủ nghĩa và tổ quốc. Xã hội chủ nghĩa là một ý thức hệ được đảng CSVN và các đảng viên theo. Nhưng ý thức hệ xã hội chủ nghĩa chưa chắc đã được nhân dân Việt Nam chia xẻ. Tuy nhiên, điều rõ rệt là xã hội chủ nghĩa và tổ quốc là hai khái niệm khác biệt. Trong khi bảo vệ tổ quốc như là sự nghiệp của toàn dân là một mệnh đề hoàn toàn khả chấp, thì bảo vệ xã hội chủ nghĩa như mệnh đề nữa không khả chấp.
Dĩ nhiên các lực lượng vũ trang trung thành với nhân dân và tổ quốc cũng như bảo vệ nhân dân là đúng, nhưng sát nhập đảng, nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa vào chung một khối và buộc các lực lượng vũ trang phải trung thành và bảo vệ những thực thể này là cưỡng từ đoạt lý đến mức khôi hài.
Hải Nguyên: Âm mưu cưỡng từ đoạt lý trong hiến pháp của đảng CSVN xuyên qua thủ thuật sát nhập những khái niệm trừu tượng hoàn toàn cá biệt có hậu quả tai hại gì cho đất nước Việt Nam hay không?
LS Đào Tăng Dực: Sát nhập xã hội chủ nghĩa và tổ quốc không hề vô hại.
Thật vậy, chính những điên rồ ý thức hệ như thế đã làm cho đảng CSVN, lúc đó đang cai trị miền Bắc, vào năm 1958, nhường các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho đàn anh xã hội chủ nghĩa Trung Quốc, với biện minh què quặt là những lãnh thổ này của tổ quốc chúng ta tốt hơn là trao cho những đồng chí Trung Quốc xã hội chủ nghĩa, hơn là miền Nam tư bản chủ nghĩa. Theo lập luận lạ lùng của đảng CSVN, nhân dân sẽ không có trách nhiệm bảo vệ tổ quốc, trừ khi tổ quốc của chúng ta có bản tính xã hội chủ nghĩa.
Điều 65 càng lạ lùng hơn nữa. Điều này buộc quân đội phải cùng một lúc trung thành với nhiều thực thể cá biệt như Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước. Điều này cũng buộc quân đội phải bảo vệ một loạt nhiều thực thể hơn nữa như độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Có nghĩa là ngay cả khi đảng ký hiệp ước Thành Đô 1990 khai sinh giai đoạn Bắc Thuộc lần thứ 2 và bán lãnh thổ và lãnh hải cho Trung Quốc như đã và đang tiếp tục làm, quân đội cũng phải trung thành và bảo vệ cho đảng.
Hình như đảng CSVN cố tình sử dụng phương thức cả vú lấp miệng em hầu làm rối trí nhân dân và một cách bất minh, nhét đảng, nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, trong sự rối ren này, trở thành mục tiêu của lòng trung thành và sự bảo vệ của quân đội, coi thường tất cả mọi xung đột quyền lợi giữa những thực thể hoàn toàn khác biệt, và coi thường sự kiện rằng đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa không thể nào cùng vai vế với những thực thể cao quý như tổ quốc và nhân dân được.
Hải Nguyên: Tại sao trong hiến pháp, vốn là nền tảng trật tự chính trị của quốc gia, đảng CSVN lại chú trọng quá nhiều đến những khái niệm trừu tượng mơ hồ và vô tích sự như xã hội chủ nghĩa, Chủ nghĩa Mác- Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh, thay vì những phúc lợi cụ thể và nhân quyền thực tế của mọi công dân?
LS Đào Tăng Dực: Một trong những thủ thuật của các chế độ độc tài là tuyên dương những bản giá trị trừu tượng như nhân dân, tổ quốc, lòng ái quốc hầu buộc những công dân cá thể hy sinh, kể cả hy sinh nhân quyền căn bản của mình.
Thêm vào đó, ngay cả những thực thể đáng tôn trọng như tổ quốc, nhân dân hay nhà nước cũng chỉ là những khái niệm trừu tượng. Chúng không thể nào so sánh với những công dân cá thể. Họ mới là những con người có cảm nhận. Họ có thể sở hữu tài sản hoặc bị tước đoạt tài sản. Họ có thể cảm nhận hạnh phúc hoặc sống trong khổ đau trong một thế giới thật sự.
Giương cao ngọn cờ những khái niệm trừu tượng một mặt, trong khi biến những công dân cá thể thành vật hy sinh cho những phe nhóm quyền lợi ở mặt khác, là một trong nhiều thủ thuật chính trị rẻ tiền, trong túi đồ nghề của các nhà độc tài xuyên suốt lịch sử.
CSVN sử dụng những khái niệm trừu tượng vô bổ như tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ thuyết Mác Lê cũng vì âm mưu đen tối của họ mà thôi.
Hải Nguyên: Thưa LS, trước tính gian manh cố hữu của CSVN và thực trạng thảm thương của dân Việt, chúng ta phải làm gì hầu tránh những hậu quả tai hại hơn cho dân tộc trong tương lai?
LS Đào Tăng Dực: Toàn dân phải vùng lên lật đổ bạo quyền.
Sau đó, nhân danh những công dân Việt Nam tự do, chúng ta sẽ hiến định hóa trong hiến pháp dân chủ tương lai của chúng ta, quyền lợi tối thượng của những công dân Viêt Nam cá thể, như là cứu cánh tột cùng của mọi quá trình chính trị và mọi định chế.
Chúng ta sẽ khôi phục vị trí chính đáng trong cấu trúc chính trị cho những công dân cá thể. Họ là những con người thực sự có thể cảm nhận hạnh phúc và sống trong khổ đau. Tất cả mọi ý niệm trừu tượng, ngay cả những ý niệm khả kính nhất như tổ quốc hay nhân dân, hay nhỏ hơn như nhà nước, phải là thứ yếu. Những quái thai chính trị như đảng CSVN hay chế độ xã hội chủ nghĩa dĩ nhiên sẽ bị quẳng vào thùng rác của lịch sử.
Xin chào anh Hải Nguyên và xin kính chào quý thính giả của đài ĐLSN.

No comments:

Post a Comment