Wednesday, March 11, 2015

Tính nô lệ của người VN (phần 2)

Thứ Tư 11.03.2015   
Nô lệ tính của đảng viên đảng CSVN
Tính nô lệ này được thể hiện qua câu "còn đảng, còn mình". Nộ lệ tính này được thể hiện triệt để thực thi những gì đảng muốn. Từ thông tin, văn hoá, giáo dục, tôn giáo, kinh tế, y tế, tư pháp, an ninh ... tất cả những sinh hoạt trong xã hội đều do các đảng viên chi phối và tích cực phục vụ đảng để nhận những phần thưởng quyền và tiền.
Quyền lợi (kinh tế và quyền lực) là động cơ thúc đẩy các đảng viên CSVN tình nguyện làm nô lệ cho đảng CSVN. Thực thi chính sách ngu dân trong giáo dục bởi dân càng ngu thì càng dễ trị. Thực thi chính sách ru ngủ qua báo chí, truyền hình để xoa dịu người dân nhằm quên đi những bất công đang diễn ra trong xã hội mà những bất công đó do chính cái cơ chế đảng tạo ra. Thực thi một nền kinh tế phồn thịnh giả tạo bằng cách chi xài cẩu thả để thành lập những công ty vô tích sự, không cần biết có lợi hay không có lợi, miễn sao tạo ra công ty để có lý do bắt người dân đóng thuế và các đảng viên bỏ tiền vào túi của chính mình. Có ai biết rằng những nợ xấu do các công ty nhà nước phá sản là cái nợ mà cả dân tộc phải trả trong khi đó các đảng viên thì tiền đầy túi và gửi ra nước ngoài để chuẩn bị cho cuộc sống sau khi đất nước thực sự bị chiếm đóng bởi Trung Quốc?
Dĩ nhiên những đảng viên này không nghĩ rằng mình bị nô lệ hay đang làm nô lệ cho đảng CSVN. Điều này cũng dễ hiểu. Đảng viên đảng CSVN cho rằng mình là những ông chủ có đầy quyền hành trong tay và từ cái quyền hành đó có thể làm bất cứ chuyện gì. Từ chuyện lập ra những thứ quỹ với bất cứ cái tên nào đó để bắt người dân đóng góp tiền vào quỹ, đến chuyện đưa ra những thứ thuế mà người dân hoàn toàn không biết có thật hay không có thật. Từ chuyện đánh đập người dân, hoặc cảnh sát giao thông đậu xe giữa đường và người lái xe phải tránh qua lộ khác thì bị bắt lại -- thổi phạt là chạy xe không đúng lộ nhằm mục đích lấy tiền của dân để bỏ vào túi. Từ chuyện xông vào nhà những người bất đồng chính kiến với đảng cầm quyền để đưa những tan chứng hoàn toàn bịa đặt để bắt giam, đến chuyện đưa ra những bộ luật 79, 88, 245, 258 hoàn toàn đi ngược lại với hiến pháp mà chẳng có một vị nào trong bộ tư pháp lên tiếng.
Những vị nằm trong bộ tư pháp để xét xử những tội phạm -- ngoài một số người có khả năng, số còn lại hoàn toàn đóng vai một người nô lệ tích cực để bảo vệ hệ thống nhà nước độc tài, phục vụ ông chủ là đảng CSVN. Ngay cả những vị có khả năng trong ngành luật pháp được đào tạo từ nước ngoài -- sẵn sàng bán đứng lương tâm của một người học luật để đứng về phía nhà cầm quyền, đưa ra những bản án mà chính các vị đó biết rằng sai trái nhưng bởi bản tính nô lệ đã có sẵn -- cho nên nhắm mắt làm ngơ để bộ máy cầm quyền dùng luật rừng, đi ngược lại bản hiến pháp, đi ngược lại giá trị của Con Người và chà đạp quyền tự do nguyên thủy của Con Người đã có từ thời nguyên thủy, cái thời mà đảng CSVN chưa hề ra đời.
Những vị trong cái gọi là Quốc Hội đại diện cho dân nhưng thực tế cái Quốc Hội đó tiếm dụng từ ngữ đại diện cho dân để đưa ra những chính sách phục vụ cho đảng và phục vụ cho chính cá nhân những vị trong cơ chế Quốc Hội. Những trò hề rẻ tiền mà những người trong Quốc Hội bầu với Tín Nhiệm Cao, Tín Nhiệm Thấp, Tín Nhiệm thấy rõ được mục đích của Quốc Hội là mèo khen mèo dài đuôi. Tại sao không để chính người dân bỏ phiếu tín nhiệm hay không tín nhiệm mà lại chơi cái trò chạy trốn trách nhiệm đó? Mà thực ra đâu cần phải để người dân bỏ cái phiếu tín nhiệm đó. Tất cả những vị trong cái gọi là Quốc Hội đều thấy rõ là mình không phải đại diện cho dân cho nên không cần cái tiếng nói chân thật của người dân. Với bản tính nô lệ đã ăn sâu vào trong máu cho nên các đảng viên phải tự Tín Nhiệm với nhau để khoe với ông chủ (Đảng CSVN) mình luôn luôn là người trung thành với đảng và thực thi câu "còn đảng còn mình" bằng mọi hình thức cho dù bán cả đất nước cũng chẳng sao.
Những đảng viên nào không chịu làm nô lệ cho đảng thì sẽ bị cô lập, sẽ mất đi quyền hành và nếu cần thủ tiêu những đảng viên không trung thành này -- đảng cũng sẵn sàng làm điều đó nếu thấy cần thiết phải sử dụng bạo lực với chính đảng viên tại chức hay đã về hưu. Cái chết của Trung Tướng Phan Bình, Cục Trưởng Cục Quân Báo, sau khi bị Lê Đức Anh tước mất quyền hành, thì bị chết ngày 13 tháng 12 năm 1987 tại Sài Gòn do một viên đạn bắn vào đầu mà nhà cầm quyền Việt Nam cho rằng Trung Tướng này tự sát. Cái chết đột ngột của Thủ Tướng Phạm Hùng tại Sài Gòn ngày 10 tháng 3 năm 1988 trong lúc vẫn còn tại chức. Gần nhất là cái chết của Tướng Công An Phạm Quý Ngọ và Cục Trưởng Cục Đường Sắt, Nguyễn Hữu Thắng. Sự đầu độc bằng chất phóng xạ được sử dụng cho ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy Viên Trung Ương Đảng là những thí dụ điển hình là đảng CSVN tàn bạo với chính đảng viên của mình nếu đảng viên không chịu làm nô lệ cho đảng. Chính vì thế những đảng viên đang nằm trong hệ thống đảng là những người nô lệ rất tích cực để giúp cái tổ chức đảng sống còn đến hôm nay.
Tuần sau chúng ta sẽ tìm hiểu tính nô lệ của người dân Việt Nam.
Nguyên Hồng

No comments:

Post a Comment