Friday, March 13, 2015

Người Việt trông chờ gì trong chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng?

Thứ Sáu 13.03.2015  
2015 đánh dấu 20 năm bang giao Việt-Mỹ nên có nhiều cuộc thăm viếng của các viên chức hai bên. Qua các nguồn tin cho biết, ngoại trưởng John Kerry đã mời Tổng Bí Thư đảng CSVN là Nguyễn Phú Trong sang thăm HK, lời mời đã dược chấp nhận, sự kiện này đang đặt ra hai luồng ý kiến trái chiều. Vậy người Việt trông chờ gì trong chuyến đi này? Kính mời quí thính giả theo dõi quan điểm của LLDTCNTQ về vị trí và sứ mạng của ông Trọng trong chuyến đi Mỹ sắp tới, qua sự trình bày của Hải Nguyên.
Thưa quí thính giả,
Khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận để tái lập quan hệ ngoại giao với VN năm 1995, thì phía VN vẫn tỏ ra là người thắng cuộc, nên đặt ra nhiều yêu sách để làm khó Hoa Kỳ, một mặt họ vẫn tuyên truyền cho người dân trong nước rằng Hoa Kỳ là đế quốc tư bản, vẫn là kẻ thù nguy hiểm nên cần phải cảnh giác đề phòng; mặc dầu họ rất cần đến đô la của Mỹ. Còn phía Hoa Kỳ vẫn tỏ ra thân thiện hòa nhã, mở ra từng cánh cửa theo lộ trình ngoại giao đã định, như trao đổi viên chức ngoại giao, cấp học bổng, nhận du học sinh từ VN. Khuyến khính doanh nghiệp HK đầu tư vào VN, khuyến khích du lịch, gửi tiền, hàng hóa sang VN..... Du khách và người Việt nước ngoài về thăm quê hương mỗi lúc mỗi gia tăng; các nhà đầu tư cũng vững tâm đem tiền vào VN kinh doanh, giúp nền kinh tế phát triển và tăng trưởng đều đặn; rõ ràng nguồn lợi đang đến từ kẻ thù và các nước tư bản khác từ khi mở lại bang giao!
Đánh dấu 20 năm tái lập quan hệ Việt-Mỹ, trên phương diện ngôn ngữ ngoại giao người ta thấy hai nước đã đi từ thù sang bạn, từ e dè, canh chừng cảnh giác trong những năm đầu, nay đã bước sang giai đoạn "đối tác toàn diện"; nhưng từ đối tác toàn diện đến "đối tác chiến lược" để trở thành "đồng minh đáng tin cậy" lại là một quãng đường xem ra còn dài vô tận, cho dù trong chuyến viếng thăm HK năm ngoái Trương Tấn Sang đã ngỏ ý muốn nâng cấp quan hệ lên mức cao hơn, nhưng điều nghịch lý là quả banh không ở trong chân HK, mà đang ớ phía Việt Nam.
Đánh dấu 20 năm quan hệ, cả hai bên đều nói đến những điểm tích cực, những tiến bộ đã đạt được, nhưng vì quyền lợi, cả hai bên đều cố gắng làm nhẹ đi những khác biệt to lớn như vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận rất tồi tệ ở VN. Cũng vì quyền lợi kinh tế, VN cần được Mỹ giảm nhẹ những đòi hỏi để có thể gia nhập Hiệp Uớc Mậu Dịch Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP. HK cũng muốn giúp VN phát triển mạnh để có thể thoát ra khỏi ảnh hưởng của Trung Cộng, như những gì đại sứ Mỹ Ted Osius vừa nói rõ.
Để chứng tỏ mối giao hảo tốt đẹp giữa hai cựu thù, Hoa Kỳ đã mời Nguyễn Phú Trọng sang thăm nước Mỹ, lời mời đã được đáp ứng, tuy lịch trình thăm viếng chưa công bố. Khi tin này loan đi, nó đã tạo ra những phản ứng trái chiều, nhưng dầu sao cả hai quốc gia đều mong muốn chuyến đi sẽ đem lại những thành quả tốt trong mối quan hệ hai nước.
Mặc dù ở VN ông Trọng là người đứng đầu đảng CS đang nắm giữ quyền lực tối cao trong tay, nhưng dân chúng Hoa Kỳ, trong ấy có gần 2 triệu người Mỹ gốc Việt là nạn nhân CS, lại nhìn ông Trọng khác hẳn, tuy ông được chính phủ Hoa Kỳ mời, nhưng với tư cách là chủ tịch của một chính đảng, ngang hàng với ông John Bachtell, chủ tịch đảng CS ở Mỹ mà không phải là chủ tịch nước như Tập Cận Bình, hay Trương Tấn Sang, vì vậy trong nghi lễ ngoại giao ông không phải là quốc khách, mà là du khách đi tham quan nước bạn, vì vậy nhiều tiếng nói đã cất lên yêu cầu TT Obama không nên tiếp ông Trọng.
Tiện đây quí thính giả cũng nên biết đảng CS Mỹ đã được thành lập từ năm 1919, trụ sở chính đặt tại số 235W đường 23 thành phố New York, chủ tịch đảng là John Bachtell. Cho dù được tự do hoạt động, nhưng con số đảng viên toàn quốc hiện nay chưa tới 2000 người. Trước năm 1984, mỗi kỳ bầu cử đảng đều có liên danh tổng thống phó tổng thống, nhưng chẳng được ai để ý đến. Hiện nay họ không có bất cứ một vị dân cử nào trong số 535 nghị sĩ và dân biểu ở lưỡng viện quốc hội liên bang, cũng không có một thống đốc nào trong 50 thống đốc, tệ hơn nữa là không có được một người nào lọt vào số 7431 nghị sĩ và dân biểu ở nghị viện của 50 tiểu bang trong cả nước. Như thể đủ cho thấy người dân HK đánh giá đảng CS như thế nào. Chúng tôi đề nghị nếu ông Trọng có sang Mỹ, cũng nên ghé thăm xã giao ông John Bachtell, người đồng chí anh em, để biết rõ vị trí đảng CS ở xứ tự do này, so với những gì ông đang theo đuổi và áp đặt trên đầu người dân VN hiện nay.
Nếu ông Trọng thật tình yêu nước thương dân, thì không cần sang Mỹ ông vẫn có thể làm cho Dân Việt được hạnh phúc hơn hiện nay, ngược lại nếu ông đã cất công qua thăm quốc gia đã có truyền thống mở rộng cửa chào đón cả bạn lẫn thù này, cụ thể là Đức Quốc và Nhật Bản sau Đệ Nhị Thế Chiến thì ông sẽ rõ sứ mạng của ông là gì.
Cho dù người dân không tin rằng ông Trọng sẽ tạo được một bước ngoăt lịch sử làm thay đổi cục diện VN, mở ra một vận hội mới cho dân tộc thoát ách độc tài đảng trị, thoát khỏi nguy cơ thôn tính của TC, vươn ra với thế giới văn minh, đem tự do dân chủ nhân quyền cho người dân; vì vốn dĩ ông là người Marxist và chủ trương thân Trung Cộng, quyết chí theo đuổi XHCN, duy trì độc tài độc đảng như ông đã từng tuyên bố. Nhưng chắc chắn ông cũng muốn để lại một dấu ấn đẹp nhân chuyến đi Mỹ lần này. Nếu thế, ông Trọng phải thừa nhận rằng trong 20 năm qua HK đã đưa tay ra nhiều lần, nay đang chờ cái bắt tay lịch sử của ông đấy, đây là một cơ hội hiếm hoi, nếu ông nắm bắt, đồng bào sẽ vui mừng, ngược lại để vuột mất chắc chắn ông sẽ không có lần thứ hai!
Đến xứ tự do này, ông Trọng sẽ thấy một rừng người với cờ vàng và biểu ngữ chào đón bằng cà chua và trứng thối như họ đã chào đón các ông Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang trước đây. Ông TBT hãy nhìn thẳng vào sự thật của nước nhà, và hãy lắng nghe nguyện vọng của người dân hôm nay, để chuyến đi không phí tiền thuế của nhân dân cách vô ích.
Cám ơn quí thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
Lực Lượng Cứu Quốc

No comments:

Post a Comment