Saturday, March 14, 2015

Anh hùng Hồ Ngọc Cẩn

Thứ Bảy, ngày 14.03.2015
Thưa quý thính giả. Một người có tấm lòng trong sáng, thanh liêm, tận tâm phục vụ đất nước, bảo vệ miền Nam tự do, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng với tiếng tăm lừng lẫy. Người đã cùng đồng đội chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, sa cơ bị bắt và bị Cộng Sản xử tử hình. Trước khi bị hành quyết, người sĩ quan này đã dõng dạc hô to: "Đả đảo Cộng sản. Việt Nam muôn năm". Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Anh hùng Hồ Ngọc Cẩn" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh.
"Mô đất lạ chôn vùi thân bách chiến,
Máu anh hùng tô thắm lá cờ Nam".
Đó là hai câu thơ vinh danh những anh hùng vị quốc vong thân và bài thơ được nhiều người biết đến với nội dung kêu gọi toàn dân vùng lên chống Tàu cộng như sau:
Rợ Tàu ghi nhớ ai ơi!
Làm con nước Việt muôn đời chớ quên.
Non sông muốn được lâu bền,
Tận trung báo quốc, không sờn quyết tâm.
Đất trời thấu tỏ tấm lòng,
Xin vì non nước gắng công báo đền.
***
"Nếu tôi thắng trong cuộc chiến, tôi sẽ không kết án các anh như các anh kết án tôi. Tôi cũng không làm nhục các anh như các anh làm nhục tôi. Tôi cũng không hỏi các anh câu mà các anh hỏi tôi. Tôi chiến đấu cho tự do của người dân. Tôi có công mà không có tội. Không ai có quyền kết tội tôi. Lịch sử sẽ phê phán xét đoán các anh là giặc đỏ hay tôi là ngụy. Các anh muốn giết tôi, cứ giết đi. Xin đừng bịt mắt. Đả đảo Cộng Sản. Việt Nam muôn năm".
Đó là những lời cuối cùng đầy khí phách của Đại tá Hồ Ngọc Cẩn trả lời người cộng sản trước khi bị hành hình tại sân vận động Cần Thơ vào ngày 14/8/1975.
Đại tá Hồ Ngọc Cẩn sinh ngày 24/3/1938 tại Cần Thơ, trong gia đình có truyền thống chống Cộng. Thuở nhỏ ông rất khỏe mạnh, tánh tình hiền hậu, giản dị và ít nói.
Năm 1945, khi ông bắt đầu đi học thì chiến tranh Pháp - Việt bùng nổ, nên việc học bị gián đoạn. Mãi đến năm 1947, ông mới trở lại học đường.
Năm 1951, ông nhập học trường Thiếu sinh quân tại Quân Khu Gia Định.
Năm 1962, ông tốt nghiệp khóa Sĩ quan đặc biệt với cấp bậc Chuẩn úy.
Sau khi ra trường, ông thụ huấn khóa huấn luyện Biệt Động Quân, sau đó, thuyên chuyển về phục vụ tại Khu 42 Chiến Thuật, chỉ huy một trung đội thuộc Tiểu đoàn 42 Biệt Động Quân. Lãnh thổ Khu này gồm các tỉnh Cần Thơ, Chương Thiện, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Nhờ chiến đấu gan dạ và có tài chỉ huy nên ông được thăng cấp đặc cách nhiều lần tại mặt trận. Cuối năm 1966, ông thuyên chuyển sang Sư đoàn 21 Bộ binh, làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 33. Sau trận Mậu Thân 1968, ông được thăng cấp Thiếu tá.
Năm 1970, ông thăng cấp Trung tá và thuyên chuyển sang Sư đoàn 9 Bộ binh, giữ chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 15. Tính đến năm này, ông chiến sĩ xuất sắc được tưởng thưởng nhiều huy chương nhất của quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Năm 1972, ông dẫn Trung đoàn 15 từ miền Tây lên giải tỏa thị xã An Lộc.
Năm 1973, ông vinh thăng Đại tá và được giao nhiệm vụ Tỉnh trưởng, kiêm Tiểu khu trưởng tiểu khu Chương Thiện. Ông là vị Tỉnh trưởng trẻ tuổi nhất của Việt Nam Cộng Hòa.
Năm 1975, ngày 30 tháng 4, đến gần 10 giờ tối, tức nửa ngày sau khi Tổng Thống Dương văn Minh ra lệnh đầu hàng, tiểu khu Chương Thiện vẫn tiếp tục chiến đấu ác liệt. Cuộc chiến đấu kéo dài đến 11 giờ đêm ngày 1/5/1975, vì hết đạn dược, Đại tá Hồ Ngọc Cẩn ra lệnh cho thuộc cấp buông súng tan hàng và ông bị bắt.
Bọn Việt Cộng áp giải ông từ Chương Thiện về thành phố Cần Thơ và đến ngày 14/8/1975 thì hành quyết ông tại sân vận động Cần Thơ. Trước khi bị đưa vào cột xử bắn, ông yêu cầu được mặc bộ quân phục và chào lá quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, nhưng lời yêu cầu này bị Việt Cộng bác bỏ.
Đại tá Hồ Ngọc Cẩn là một chiến sĩ bị bắt trên chiến trường. Trong cảnh nước mất nhà tan và trước họng súng hành quyết của cộng sản, ông vẫn nở nụ cười đầy khí phách của một bậc anh hùng, thể hiện tinh thần: "Anh hùng có tử, nhưng khí hùng bất tử".
Dân quân miền tây vừa tiếc thương cái chết của hai vị tướng Lê Văn Hưng và Nguyễn Khoa Nam trong ngày đen tối nhất của lịch sử cận đại Việt Nam, thì thêm một lần nữa rớt nước mắt vì vụ hành quyết Đại tá Hồ Ngọc Cẩn, một sĩ quan thiện chiến của Việt Nam Cộng Hòa.
Đúng 40 năm sau ngày 30/4/1975, đất nước vẫn còn chìm đắm trong gông xiềng cộng sản, niềm uất hận tưởng chừng như phôi pha nhưng trong bối cảnh đất nước tàn tạ của ngày hôm nay, nỗi tiếc thương về những con người như Hồ Ngọc Cẩn lại bộc phát trong lòng người dân khi nhớ đến sự hy sinh cao cả của hàng triệu quân cán chính VNCH với lời thề son sắt "Tổ quốc - Danh dự - Trách nhiệm" để gìn giữ sự an bình cho miền Nam dưới hai thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa.
Nhân mùa tưởng niệm biến cố 30/4 năm nay, cầu xin Hồn thiêng Sông núi phù trợ cho đồng bào trong nước có thêm sức mạnh và quyết tâm, cùng nhau vùng dậy giải trừ chế độ cộng sản độc hại và độc tài phi nhân. Dân tộc Việt không thể nào ngồi yên để nhìn đất nước mỗi ngày một thêm lụn bại dưới sự cai trị của tập đoàn cộng sản và trở thành một khu tự trị của đế quốc Tàu Cộng. Muốn thay đổi vận mệnh của mình và của đất nước thì chỉ có cách thay đổi chế độ bạo ngược hiện nay. Dĩ nhiên không có cuộc đấu tranh nào là không phải trả giá, kể cả hai chữ "tự do - dân chủ". Nhưng truyền thống hào hùng và bất khuất của cha ông đã luân chảy trong máu Đại tá Hồ Ngọc Cẩn và chắc chắn là vẫn đang luân chảy trong máu các đồng đội và con cháu của ông hiện nay. Một ngày nào đó ở miền Nam, sẽ có những con đường mang tên Hồ Ngọc Cẩn, người sĩ quan đại diện cho khí phách hào hùng của Quân lực VNCH, bên cạnh các ngôi trường cũng mang cái tên tương tự như của một danh nhân khác.
Nhân 40 năm nhớ về ngày quốc hận 30/4/1975, Việt Thái thành kính dâng ba nén hương lên hương hồn của Đại tá Hồ Ngọc Cẩn và những chiến sĩ đã nằm xuống trong cuộc chiến đấu cho Tự do Dân chủ trên quê hương Việt Nam mến yêu.
Việt Thái

No comments:

Post a Comment