Wednesday, March 25, 2015

Những người phụ nữ can trường (phần 1)

Thứ Tư 25.03.2015   
Cuộc đấu tranh hôm nay không thiếu vắng bóng người phụ nữ. Nguyên Hồng sẽ trình bày sự can trường của người phụ nữ Việt Nam trong quá khứ và hiện tại
Gần 40 năm kể từ khi đất nước ta được thống nhất về mặt lãnh thổ, biết bao nhiêu niềm tin và hy vọng vào những ngày tháng đầu tiên khi đất nước thống nhất -- là Việt Nam chấm dứt chiến tranh sẽ tiến lên với thế giới trên nhiều lãnh vực. Thực tế thì hôm nay đất nước chúng ta hoàn toàn thua xa người bạn láng giềng là Cam Bốt, một đất nước mà năm 1978 nhà cầm quyền VN đưa quân sang để ngăn cản sự gây rối của Cam Bốt dọc theo biên giới, đồng thời cũng giúp người dân Cam Bốt thoát khỏi sự diệt chủng của Cộng Sản Pol Pot. Nhà cầm quyền VN từ chối sự đóng góp của những người Việt Nam để cuối cùng gia đình người nông dân Trần Quốc Hải được Hoàng Gia đất nước Cam Bốt trao tặng huân chương Đại Tướng Quân bởi những đóng góp sáng kiến và công sức trong việc chế biến, sửa lại những xe tăng cũ thành những xe tăng thực dụng. Người Việt Nam từ bỏ đất nước mình để đem tài năng đóng góp cho những đất nước khác chỉ bởi vì tài năng đó được đảng cầm quyền đánh giá là nguy hiểm cho chế độ độc tài của họ; hoặc do trình độ hiểu biết yếu kém, giới cầm quyền không đủ khả năng để nhận ra được tài năng cần được khuyến khích đối với đại đa số người dân sống trong nước.
Những người Việt Nam yêu nước nhưng không yêu Chủ Nghĩa Xã Hội, không yêu đảng cầm quyền -- thấy được sự yếu kém của đất nước mình và muốn có sự thay đổi thực sự -- hầu đưa Việt Nam thoát khỏi sự nô lệ kiểu mới của Trung Quốc. Những người này tranh đấu bằng mọi cách mà mục đích đầu tiên là mở mang dân trí qua nhiều hình thức khác nhau. Đây là hành động đi ngược lại chính sách ngu dân của đảng và họ bị đàn áp bằng nhiều hình thức -- từ việc sách nhiễu trình diện mỗi tháng đến việc bỏ tù, giảm lõng tại gia, theo dõi, đập phá tài sản hoặc đánh đập. Ngay cả việc mướn côn đồ đến những đám tang của những tù nhân lương tâm, hay thân nhân của tù nhân lương tâm để gây rối trong những ngày tang lễ.
Trong những người đấu tranh này có những người phụ nữ can trường Việt Nam đã nối tiếp truyền thống của Bà Trưng, Bà Triệu; không khuất phục với kẻ thù, không để cái ác cám dỗ mình và sẵn sàng đứng lên chống cái ác, hy sinh bản thân để vận động thay đổi, mở mang dân trí hầu đưa đất nước vào một kỷ nguyên Dân Chủ của thế giới hôm nay.
Những người phụ nữ này có những người được thế giới biết đến và có những người không được thế giới biết đến. Hình ảnh tiêu biểu của những người phụ nữ can trường là Nguyễn Phương Uyên, Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Nguyễn Thị Minh Thúy, Lê Thị Phương Anh, Bùi Thị Minh Hằng, Lê Thị Kim Thu, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Tạ Phong Tần, Bùi Thị Nhung, Đặng Thị Kim Liêng (mẹ của người tù lương tâm Tạ Phong Tần), và những người phụ nữ dân oan khác đã bị đi tù hoặc bị thủ tiêu mà không ai biết đến.
Năm 19 tuổi, bà Triệu nói "Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!"
Năm 21 tuổi, Nguyễn Phương Uyên nói
"Tôi yêu nước, tôi thể hiện lòng yêu nước. Tôi không ngờ tôi bị đi tù vì thể hiện lòng yêu nước"
"Tôi là sinh viên yêu nước, nếu phiên tòa hôm nay kết tội tôi, thì những người trẻ khác sẽ sợ hãi và không còn dám bảo vệ chủ quyền của đất nước. Nếu một sinh viên, tuổi trẻ như tôi mà bị kết án tù vì yêu nước thì thật sự tôi không cam tâm".
"Tôi dùng máu viết khẩu hiệu 'Tàu khựa cút khỏi Biển Đông' và 'Đảng cộng sản chết đi', khẩu hiệu bị cho là 'phỉ báng đảng cộng sản Việt Nam', là vì tôi thể hiện lòng yêu nước khi tôi căm phẫn Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam đến tột cùng sự phẫn uất."
Gần đây nhất vụ chống án tại Đồng Tháp xảy ra ngày 12 tháng 12 của năm 2014, những vị thẩm phán của một hệ thống độc tài đảng trị đã giữ nguyên bản án từ lúc đầu dành cho chị Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, và Nguyễn Văn Minh.
Cũng trong phiên toà này, người ta thấy chung quanh ba người tù lương tâm này -- thay vì là các vị luật sư biện hộ ngồi kế bên thì toàn là những công an ngồi kế bên ba tù nhân lương tâm này. Mục đích để làm gì? Để trấn áp như cha Lý mà hình ảnh công an bịt miệng cha Lý được thấy ở trên toàn thế giới.
Có những trang mạng do đảng cầm quyền chủ xướng đã biêu xấu cá nhân của chị Bùi Thị Minh Hằng. Điều này cũng dễ hiểu bởi đó là cách duy nhất để đảng cầm quyền tuyên truyền với người dân là họ bỏ tù đúng người. Họ cho rằng chị Hằng thất học, bị bọn phản động bên ngoài lợi dụng, dùng những từ ngữ vô văn hoá. Mà hình như tất cả những người tranh đấu vì một Việt Nam tự do dân chủ đều bị đảng cho rằng do thế lực bên ngoài sách động. Thế lực bên ngoài là ai, đảng chẳng nói ra bởi chẳng có thế lực nào bên ngoài sách động mà là đảng muốn áp đặt cái thế lực phản động trù tượng bên ngoài để tiện dịp bắt bỏ tù những người khác chính kiến với đảng, những người Việt yêu nước chống sự bành trướng của Trung Quốc.
Nếu chị Hằng trong lúc biểu tình chống Trung Cộng, trong lúc đấu tranh cho những dân oan bị cướp đất, trong lúc vào cơ quan công an để tranh đấu đòi công an thả người vì công an bắt người vô cớ -- dùng những từ ngữ thiếu văn hóa thì cũng dễ hiểu. Khi người dân bị áp bứt đến tột cùng, khi người dân bị chính sách ngu dân áp đặt gần nửa thế kỷ thì cách sử dụng từ ngữ thiếu văn hóa là điều cũng dễ hiểu. Mà xã hội hiện giờ tại Việt Nam có văn hóa hay không? Nếu có chỉ là một sự tuyên truyền chứ thực tế thì Con Người Việt Nam của hôm nay đã hoàn toàn phá sản. Cho nên nếu có trách chuyện thiếu văn hoá của chị Hằng, hay của bất cứ dân oan nào đấu tranh cho công bằng lẽ phải -- thì nên trách nhà cầm quyền hiện giờ, hèn với giặc phương Bắc nhưng ác với dân tộc mình. Hành động hèn với giặc ác với dân cũng là hành động thiếu văn hóa thì làm sao có thể bắt bẻ chị Bùi Thị Minh Hằng thiếu văn hóa.
Nguyên Hồng

No comments:

Post a Comment