Tuesday, January 17, 2012

XÓM CHÀI TRONG NHỮNG NGÀY GẦN TẾT

Ngày 15.01.2012     

Lời dẫn: Trong không khí nhộn nhịp của những ngày giáp Tết, trên sông Sâng nay giữa lòng thành phố Thanh Hóa đang có những tiếng thở dài xót xa cho thân phận nghèo khó của mình. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phóng sự dưới đây, nói về những mơ ước nhỏ nhoi đến tội nghiệp của một xóm chài trên sông, qua sự trình bày của chị Như Giang.
Những ngày gần Tết, phố xá tấp nập và nhộn nhịp hơn, nhưng ở xóm chài ven sông Sâng, phường Nam Ngạn, ngay giữa lòng thành phố Thanh Hóa, đời sống vẫn cứ ảm đạm và lặng lẽ trôi trong cuộc mưu sinh trên sông nước.

Xóm chài ven sông Sâng có hàng chục gia đình sinh sống trên thuyền, cả đời lênh đênh trên mặt nước. Những xóm thuyền chài tập trung chủ yếu từ cầu Cốc, cầu Lai Thành, cầu Hạc đến cầu Sâng, trong đó xóm chài cầu Sâng tập trung nhiều người nhất, với hơn 30 gia đình. Đói nghèo, bệnh tật và thất học là những vấn đề muôn thuở ở xóm này.
Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Nguyễn Văn Chinh đang trông coi những đứa cháu. Bọn nhỏ chỉ có những tấm áo mỏng manh, đang căng mình chống lại giá rét cuối năm. Ông Chinh cho hay là từ nhiều thế hệ, từ đời các cụ sinh ra cha mẹ ông đã lênh đênh trên sông nước, cho đến bây giờ các con cháu của ông cũng vậy, với ước mơ cuối đời có được một mảnh đất để khi chết con cháu có chỗ đặt bát hương. Nếu thời tiết thuận lợi thì mỗi ngày họ kiếm được từ 50 đến 70 ngàn đồng qua việc đánh cá hay mò ốc để sống qua ngày. Nhưng bây giờ là mùa đông, thời tiết lạnh quá không làm ăn được gì cả. Cả tháng nay phải đi vay mượn hay mua thiéu chịu thực phẩm. Họ chỉ mong mỗi ngày có bát cơm và vài quả cà muối để bỏ bụng cho ấm là tốt lắm rồi.
Anh Nguyễn Văn Tít, một cư dân của xóm chài, chia sẻ: "Công việc chính của bà con nơi đây là làm nghề chài lưới, nhưng chỉ được khoảng 3 tháng. Từ tháng 3 đến hết tháng 5 thì kiếm đủ ăn qua ngày, còn từ tháng 6 mùa mưa về là không làm ăn được gì. Chưa nói là nếu có bão lụt thì khổ sở vô cùng vì lo cái ăn chưa xong lại phải lo đến chỗ ở. Sống trên thuyền thế này mà bão lụt thì sự sống và cái chết chỉ là giới hạn mong manh".
Cũng theo anh Tít thì đa số trẻ em ở xóm chài này đều thất học hoặc học không đến nơi đến chốn vì nhà nghèo. Ngoài việc kiếm ăn hàng ngày, người dân xóm chài còn phải đi xin nước, xin điện. Nhiều gia đình phải dùng cả nước sông dơ bẩn, vì thế mà bệnh tật hay ốm đau là chuyện thường. Chị Nguyễn Thị Minh trút tiếng thở dài: "Năm nào cũng thế, khi cả thành phố nô nức đón giao thừa thì chúng tôi dưới này chỉ biết ngóng lên xem, vì ngày thường kiếm miếng cơm còn khó, huống hồ gì ngày Tết",
Còn ông Chinh thì buồn bã nói: "Hơn 60 tuổi cũng là hơn 60 năm rồi, tôi sống lênh đênh trên sông nước. Tôi chưa từng được đón một cái Tết no ấm, sum vầy. Tết năm nay chắc cũng thế thôi. Chỉ có vài cặp bánh chưng, một đĩa ngũ quả gọi là cho có trong không khí ngày Tết. Đói nghèo cứ bám riết hết năm này qua năm khác. Chỉ còn nửa tháng nữa là Tết, thế nhưng trong nhà không có cái gì. Lực bất tòng tâm các cô chú ạ"!
Cuộc sống lay lắt vì đói nghèo, với ước mơ lên bờ hay một cuộc sống ấm no luôn hiện hữu trong đầu họ. Nhưng cái ước mơ nhỏ nhoi đó càng lúc càng trở nên xa vời.
Hiện nay ở thành phố Thanh Hóa có gần 280 gia đình sống bập bềnh trên sông nước, đa số là ở phường Đông Thọ, Đông Sơn hay Nam Ngạn, trong đó có tới 83 gia đình ăn ở hay sinh hoạt ngay trên thuyền. Vì thế mong ước của họ là có được một mảnh đất để cất một gian nhà.
Ông Lê Văn Tùng, chủ tịch phường Đông Thọ, cho biết đã báo cáo lên thành phố và trong đợt xét duyệt vừa qua, đã giải quyết cho 13 gia đình lên bờ cất nhà sinh sống. Đây cũng là vấn đề đau đầu của phường, nhưng vấn đề này vượt quá khả năng của địa phương.
Bà Đỗ Thị Bảy, trưởng phòng lao động thương binh và xã hội thành phố Thanh Hóa cho biết: "Thực hiện chỉ thị của tỉnh ủy và thành ủy Thanh Hóa, trong dịp xét duyệt đợt một, tỉnh đã cấp đất và trợ giúp 20 triệu đồng cho mỗi gia đình, xã phụ thêm 10 triệu đồng, cho 29 gia đình lên bờ cất nhà. Bên cạnh đó còn huấn luyện tay nghề để giải quyết công ăn việc làm cho họ. Trong thời gian tới sẽ xét duyệt đợt hai cho một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn lên bờ ổn định cuộc sống".
Nhưng cứ mỗi đợt chỉ vài chục gia đình như vậy thì biết đến bao giờ cái mơ ước được sống trên bờ của 280 gia đình mới trở thành sự thật? Trong khi đó thì có những quan chức sẵn sàng chi ra vài tỷ đồng cho mỗi ván cờ tướng. Mà cứ mỗi tỷ đồng tiền bắn pháo bông vào dịp Tết là đủ giúp cho 30 gia đình đạt được cái mơ ước nhỏ nhoi là có một căn nhà trên bờ để đặt bát nhang thờ phượng ông bà!

No comments:

Post a Comment