Sunday, January 29, 2012

KHẢ NĂNG BẮT CHƯỚC

Ngày 27.01.2012     

Lời dẫn: Vấn nạn giao thông đang gây nhức nhối trong xã hội sau nhiều năm phát triển hỗn loạn và thiếu viễn kiến của nhà cầm quyền cộng sản VN. Hàng loạt sáng kiến được đưa ra. Mới đây nhất là đề nghị thu thuế lưu hành mỗi năm và thu lệ phí các xe cộ chạy vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài quan điểm có tựa đề "Khả năng bắt chước" của LLDTCNTQ, qua sự trình bày của anh Hải Nguyên.
Một trong những vấn nạn được người dân trong nước quan tâm nhất là lãnh vực giao thông, với con số tử nạn lên đến cả chục ngàn người mỗi năm, và tệ nạn kẹt xe gần như mỗi ngày tại các thành phố lớn. Mới đây thì lại xảy ra thêm tình trạng xe cộ bị cháy nổ mà giới hữu trách vẫn cứ loay hoay như "gà mắc tóc", chưa tìm ra được nguyên nhân tại sao.

Nhưng cái quan tâm mới nhất của người dân là quả bom thuế mà bộ giao thông vừa tung ra vào ngày cuối năm. Đó là đề nghị thu thuế lưu hành mỗi năm đối với các loại xe cộ với số tiền từ 500 ngàn đồng cho đến 1 triệu đồng. Ngoài ra cũng sẽ thu thêm lệ phí chạy vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm, với giá cả tùy từng loại xe. Giải thích lý do về các đề nghị này, ông bộ trưởng Đinh La Thăng nói rằng đó là các biện pháp nhằm hạ giảm vấn nạn kẹt xe. Nhưng ông Thăng dựa vào chứng cớ nào, là việc thu thuế lưu hành và lệ phí chạy vào thành phố sẽ hạ giảm lưu lượng xe cộ?
Thật sự thì sắc thuế lưu hành mỗi năm là điều phổ biến tại rất nhiều nước. Nguồn thuế này, cộng với thuế xăng dầu hay lệ phí xa lộ, được dùng vào việc bảo trì hay mở mang thêm hệ thống giao thông. Và đó là ý nghĩa của chữ "lưu hành". Đúng như lời ông bộ trưởng Thăng, người dân xử dụng đường sá thì phải có nhiệm vụ đóng góp để bảo trì chúng. Thế nhưng sắc thuế này hoàn toàn không có tác dụng hạ giảm vấn nạn kẹt xe. Mà nếu đúng thì đây là điều bất công đối với những người dân ở các tỉnh lẻ, vì họ phải đóng thuế trong khi vấn nạn kẹt xe không có ở các thành phố của họ.
Riêng lệ phí chạy vào trung tâm thành phố, thì chắc chắn là ông Thăng đã bắt chước ý tưởng này khi sang Anh khai trương đường bay trực tiếp từ VN sang thủ đô Luân Đôn. Nhưng đó là một bắt chước thiếu suy nghĩ và thiếu chín chắn. Lý do thứ nhất là khu trung tâm thành phố Luân Đôn không có nhiều cư dân sinh sống, mà đa số chỉ là các công sở, văn phòng và cơ sở thương mại. Thứ nhì là họ có hệ thống thẻ điện từ mà mỗi khi xe chạy vào trung tâm thì sẽ bị trừ tiền mà tài xế không cần phải đậu xe mua vé hay bị cảnh sát chận hỏi rất lôi thôi. Hệ thống này thông minh đến độ là khi xe đã vào trung tâm thì dù chạy trên nhiều con đường trong phố cũng chỉ trừ tiền chủ nhân một lần.
Trong khi đó ở Sài Gòn và Hà Nội thì ngay cả lực lượng cảnh sát giao thông cũng bất lực khi xảy ra nạn kẹt xe. Nhưng bây giờ theo sáng kiến của ông Thăng thì sẽ có thêm một lực lượng đứng đường để thu lệ phí ở các cửa ngõ dẫn vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm. Thế nhưng đối với những cư dân sinh sống trong trung tâm thành phố, không lẽ cứ mỗi lần ra vào trung tâm là họ phải đóng lệ phí hay sao?
Thế nhưng chỉ một tuần sau khi hùng hồn tuyên bố thu thuế để giảm kẹt xe thì một tuần sau đó, trong cuộc hội thoại trực tiếp trên đài truyền hình, ông Thăng thú nhận là cần kiếm tiền để đầu tư thêm vào mạng lưới giao thông. Đi xa hơn nữa, ông nói rằng phải làm đường ven biển và đường tuần tra biên giới để bảo vệ đất nước! Đúng là "miệng nhà quan có gang có thép", một kiểu ăn gian nói dối vô cùng trắng trợn. Tại sao ông không nói thẳng ra khi đưa ra đề nghị thu thuế, mà lại lấy lý do là chống nạn kẹt xe?
Mấy tháng qua, người dân cứ ngỡ là ông bộ trưởng Thăng là người dám nói dám làm, nhưng bây giờ thì lắc đầu ngán ngẫm cho giới quan chức lãnh đạo VN vì bản chất gian dối dường như ăn sâu trong đầu óc của giới quan chức đảng. Cổ nhân đã nhận xét rất đúng: "Cái nết đánh chết không chừa".
Tệ hơn nữa là họ chỉ nhắm mắt bắt chước các sáng kiến của thế giới mà không hề suy xét đến hoàn cảnh của xã hội VN. Họ hô hào kêu gọi dân chúng chuyển sang đi xe buýt, nhưng chính ông bộ trưởng Thăng mới đi được một lần đã sợ muốn đứng tim. Thế nhưng họ dự tính mua thêm hàng ngàn chiếc xe buýt nữa mà không hề nghĩ rằng loại xe này rất khó xoay sở trên các con đường vừa ngắn vừa hẹp ở VN. Đó là chưa nói đến việc giá cả và phí tổn bảo trì rất cao của các loại xe buýt đó.
Trước năm 1975, hệ thống chuyên chở công cộng thuận lợi nhất của Sài Gòn là các xe lam, sau đó được thay thế từ từ bằng các chiếc Daihatsu nhỏ gọn. Các xe này ít tổn nhiên liệu, không chiếm diện tích nhiều, cả bề ngang lẫn bề rộng, và chở được ít nhất là 12 hành khách. Đây là loại xe thích hợp nhất ở các thành phố VN khi đường sá chưa được mở rộng. Chúng lại dễ len lỏi trong các đường nhỏ nên việc phát triển mạng lưới chuyên chở công cộng khá dễ dàng. Hơn thế nữa, chúng có thể giảm thiểu được những tai nạn thảm khốc vì chúng không có trọng tải quá lớn như các xe buýt hay xe đò.
Thật sự thì ý tưởng dùng xe loại nhỏ đã được một số chuyên gia đề nghị để giải quyết vấn nạn giao thông. Rất tiếc là nó chỉ đến tai những người điếc, những người chỉ muốn bắt chước những sáng kiến hiện đại của thế giới, nhưng khả năng suy nghĩ và điều hành thì không bằng gót chân của người ta!
LLDTCNTQ

No comments:

Post a Comment