Wednesday, January 25, 2012

MẸ ƠI, TẾT NÀY VẮNG CON

Ngày 23.01.2012     

Lời dẫn: Một trong những truyền thống của người Việt là phải về sum họp gia đình trong những ngày Tết. Thế nhưng có hàng ngàn công nhân rời bỏ quê hương vào Sài Gòn kiếm sống đã không có khả năng để làm chuyện đó. Nỗi nhớ nhà nhớ quê khiến họ thêm ray rứt trong những ngày Tết. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả một số tâm sự của những con người nghèo khó đó, qua sự trình bày của chị Như Giang.
Lần đầu tiên, Quỹ Hỗ trợ Công nhân Sài Gòn phối hợp với công ty Kraft Foods International tổ chức cuộc thi viết văn về kỷ niệm tết sum họp gia đình dành cho những công nhân xa quê. Ban tổ chức đã nhận về những bài văn được viết vội vã trong giờ nghỉ giữa ca, với những dòng chữ nguệch ngoạc, những câu văn mộc mạc gợi biết bao nỗi niềm khó tả.
Anh Đinh Hải Long viết rằng: "Tôi xa nhà đã hơn 5 năm. Trong 5 năm đó, tôi chưa một lần về quê ăn tết. Quê tôi là một vùng miền núi nghèo, mỗi tuần chỉ có phiên chợ hai lần, mà muốn xuống chợ phải theo thuyền đi gần ba giờ đồng hồ. Bởi vậy bánh kẹo đối với tuổi thơ chúng tôi là một thứ xa xỉ mà chỉ vào những dịp lễ tết chúng tôi mới được thưởng thức. Mẹ tôi là một giáo viên nghèo đã về hưu. Đồng lương hưu ít ỏi của mẹ chỉ đủ trang trải cho cuộc sống, nên chúng tôi hiếm khi có được ít tiền lẻ để mua quà. Sáng mồng một tết mỗi năm, khi thức dậy chúng tôi cũng được mẹ chờ sẵn với một đĩa bánh quy đầy ắp và một bình nước chè xanh được ủ nóng. Mẹ nói không gì tốt hơn để chống lại cái giá lạnh mùa đông bằng một đĩa bánh ngọt và ly chè xanh pha chút gừng cho ấm người".
Anh Long giờ vẫn chưa có gia đình. Quê anh ở xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Năm năm xa nhà, tết nào ở phòng trọ, anh cũng tự mua bánh quy xếp ra dĩa, tự ủ một ấm nước chè xanh. Anh ăn bánh, uống nước chè một mình và nhớ mẹ, nhớ nhà đến cồn cào.
Trong khi đó thì anh Đinh Chiến Công viết: "Mảnh đất miền Trung đầy nắng mưa gió bão. Con trâu, thửa ruộng không đủ để nuôi sống gia đình. Vợ chồng tôi bàn nhau vào Sài Gòn. Cuộc sống nơi thành thị cũng khó khăn nên chúng tôi gửi con cho ông bà nội, dù ông bà đã già yếu rồi. Cái tết năm 2008 là cái tết làm tôi ngậm ngùi. Năm đó, vợ chồng tôi về ăn tết cùng ông bà nội. Ngày vợ chồng tôi ra đi, vợ tôi nói dối với con: 'Mẹ đi chợ rồi mẹ mua bánh cho con'. Tôi thì dặn con ở nhà chơi với ông bà cho ngoan, ăn nhiều cho nhanh lớn. Con tôi hỏi: 'Khi nào ba về, ba?'. Lòng tôi se thắt. Tôi rưng rưng nước mắt nói: 'Ừ, tết ba về. Ba sẽ mua áo quần mới cho con, ba sẽ mua thật nhiều bánh cho con".
Thế nhưng gần bốn năm rồi, anh Công chưa trở lại. Anh cười buồn: "Mỗi lần gọi điện về cho con, nó đều hỏi: tết này ba về không? Ba nhớ mua đồ chơi cho con nha". Nghe tiếng con líu lo trong điện thoại, anh vừa nhớ, lại vừa lo vừa buồn.
Là con trai, đã hơn 20 tuổi mà mỗi khi đặt bút viết về tết, về mẹ là Nguyễn Văn Thức quê ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, lại rơm rớm nước mắt: "Mẹ à! Tết năm nay con không về được đâu. Nhà chỉ có hai mẹ con, con không về thì mẹ buồn lắm. Con và mẹ đều là nguồn động lực của nhau để sống mà. Nhưng cuộc sống của con giờ phải vừa học vừa làm thì làm sao có tiền về hả mẹ? Con nhớ mẹ, nhớ nồi bánh chưng mà mẹ con mình thức sáng đêm để nấu. Năm nay, con lại ăn tết Sài Gòn, tết không có mẹ".
Thức nói: "Tôi hiểu cái cảnh ăn tết Sài Gòn, cái cảnh không được cùng mẹ làm dĩa bánh cúng giao thừa mà chỉ có một mình trong phòng trọ, gọi điện mà nói với mẹ rằng: Mẹ ơi, con nhớ mẹ, con muốn về. Trong này buồn lắm... Với tôi, bây giờ có được tấm vé xe về ăn tết là một điều vô cùng hạnh phúc. Thế nhưng nếu như tấm vé mà tôi may mắn có được có thể mang lại niềm vui cho những bạn công nhân còn khổ hơn mình, tôi sẽ nhường cho họ. Tôi tin là mẹ sẽ hiểu. Tôi sẽ nói với mẹ: Mẹ à, năm nay không về được, con lại cố gắng năm sau hay năm sau nữa con sẽ về ăn tết cùng với mẹ".
Riêng Dương Thị Giàu quê ở huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định thì kể rằng: "Đó là đêm 30 tết. Một đêm cuối đông lạnh buốt cả người. Cả nhà đang quây quần bên mâm cơm cuối năm. Tất cả mọi người đều nhìn ra cửa như trông đợi điều gì. Thằng Út buột miệng: Sao giờ này mà anh Hai chưa về hả mẹ?... Bố khóc, mẹ khóc, các em khóc. Lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy bố khóc. Năm đó, gia đình tôi đón tết trong 'ba không': không bánh mứt, không quần áo đẹp và không tiếng cười".
Năm đó người anh hai của chị Giàu đã không về. Anh đi làm công nhân trong miền Nam để có tiền phụ bố mẹ nuôi đàn em. Sau cái Tết buồn thảm đó, cô Giàu thấm thía cái nghèo và quyết định vào Sài Gòn đi làm giúp gia đình. Nhà có bảy anh chị em thì bốn người làm công nhân. Quần quật cả năm trời, cực khổ cỡ nào anh em Giàu cũng ráng góp tiền mua vé xe loại rẻ nhất để về nhà ăn Tết.
Nhưng gần sáu năm rồi, Trần Thị Nghiên, không về nhà. Bài dự thi của Nghiên kể chuyện thời xa lắc vào năm 2006: "Chiều 28 tết, tôi về đến làng. Quê tôi lúc này nhà nhà luộc bánh chưng, xay thịt gói giò tỏa hương ngào ngạt... Nhà tôi nấu cơm bằng rơm rạ. Chị tôi nhìn tôi rồi nói: "Em ốm quá, ăn nhiều vào em". Tôi nghe xót trong lòng". Nhưng 6 năm qua, Nghiên chưa được ăn cơm với mẹ và chị lần nào nữa.
Nghiên nói buồn nhất là đêm 30 tết. Tết của Nghiên đâu có ở trong này. Tết của Nghiên ở tận xóm 7, thôn Nam, xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ở đó có căn nhà nhỏ, có mẹ già, có người chị bị bệnh vẫn ngày ngày đốt rơm nấu cơm, khói bay mù trong bếp làm cay sè mắt mà không biết nước mắt chảy vì khói hay vì nhớ em!
Mai Lâm

No comments:

Post a Comment