Friday, January 20, 2012

TẾT ĐẾN BÊN CỬA NHÀ NGHÈO

Ngày 20.01.2012     

Lời dẫn: Trong khi người giàu có đang nô nức đón Tết thì tại nhiều thôn xóm chung quanh Sài Gòn có hàng trăm gia đình phải mò cua bắt ốc, hay lăn lộn trên các cánh đồng muối, để kiếm ăn qua ngày mà mức thu nhập chỉ vài trăm ngàn đồng một tháng. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài phóng sự dưới đây của Hồ Văn và Bảo Ân, qua sự trình bày của chị Như Giang.
Giữa cái nắng trưa oi ả, chúng tôi đến xóm nghèo Thiềng Liềng, một xóm nhỏ lọt thỏm giữa mênh mông nước và các vạt rừng đước Cần Giờ của thành phố Sài Gòn.

Cả xóm vắng ngắt, chỉ còn ít người già hay người thất nghiệp ở nhà. Một người dân cho biết: "Giờ này hầu hết mọi người vẫn ở đồng muối làm việc. Người nào không làm muối thì đang lênh đênh trên sông nước hay chui lủi giữa các vạt rừng để kiếm cá bắt ốc. Người dân hầu hết đều nghèo nên ai cũng phải vất vả chạy ăn từng ngày dù cái tết đã gần kề".
Cái nghèo ở đây hiển hiện trên những nóc nhà vách lá, mái tôn cũ kỹ, và nét mặt đăm chiêu của những người dân khắc khổ. Chúng tôi ghé vào nhà bà Đỗ Thị Tâm. Căn nhà trống huơ trống hoác với tủ thờ đặt giữa nhà là tài sản quý giá nhất. Hỏi chuyện bà Tâm, chúng tôi chỉ nhận được những cái ra dấu bằng tay vì bà bị câm từ nhỏ. Qua phiên dịch bất đắc dĩ của ông trưởng ấp Nguyễn Hồng Huỳnh, chúng tôi mới biết bà chuẩn bị đi bán 2 ký ốc len bắt được quanh các vạt rừng.
Theo giá thị trường, với 2 ký ốc, bà Tâm có thể bán được khoảng 200 ngàn đồng. Bà đưa hai bàn tay lên và gập lại ba ngón với ý cho biết 2 ký ốc là công sức mò bắt suốt 7 ngày qua. Ngoài nghề bắt ốc, bà Tâm sống dựa vào người con trai duy nhất vừa bỏ học lớp 9 và đang làm thuê ngoài đồng muối. Hỏi đến việc sắm tết, bà lại ra dấu cho biết nếu chủ muối sớm trả công cho đứa con thì có tiền sắm tết, còn không thì chỉ có món quà tết nhỏ mà xã vừa tặng. Ông Huỳnh cho biết: "Đây là gia đình neo đơn nhất và nghèo nhất, với thu nhập dưới 8 triệu đồng một năm, chủ yếu là tiền công của đứa con trai".
Cả ấp có tổng cộng 206 gia đình nhưng 101 gia đình là nghèo, hầu hết sống bằng nghề làm muối, một số khác thì đi đánh cá hay bắt ốc. Anh Nguyễn Văn Yến, người công an của ấp và cũng là một chủ muối đang lo vay tiền trả công cho những người làm thuê để họ lo tết, cho biết: "Thời gian này mọi năm là cao điểm thu hoạch muối. Nhưng năm nay thời tiết bất ổn, mưa liên miên nên đồng muối giờ chỉ toàn nước mặn. Hạt muối không kết tinh nên ngay cả các chủ muối như chúng tôi cũng gặp khó khăn huống gì người làm thuê".
Anh Yến cho biết vào thời gian này năm ngoái đã thu hoạch cả chục tấn muối, giúp chủ muối lẫn người làm thuê đều có cái Tết đầm ấm. Nhưng muối năm nay mất mùa vì trời mưa liên miên, muối vừa kết tinh lại tan thành nước. Trong những ngày Tết Nguyên đán, nếu trời nắng to thì người làm muối ở ấp Thiềng Liềng vẫn ra đồng làm việc bình thường.
Chúng tôi tìm về khu dân cư Cá Cháy, ấp Doi Lầu, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ nằm giữa tứ bề rừng đước mênh mông. Chị Huỳnh Thị Kim Phượng 36 tuổi đang ngồi tỉ mỉ kết từng hạt cườm áo cho các tiệm may để kiếm tiền sắm tết. Chị Phượng dời nhà từ khu sạt lở cầu Kinh Bà Tổng xuống khu dân cư Cá Cháy đã hơn một năm nay. Đó cũng là thời gian chị lặn lội vào rừng đước mò ốc, bắt nha (tức ba khía) để đắp đổi qua ngày.
Những ngày tháng lội nước, mò nha bắt ốc liên tục trong rừng, khiến chị mắc đủ thứ bệnh, cộng thêm bệnh thiếu máu và viêm xoang nên mấy tháng nay sức khỏe sa sút nghiêm trọng. Chị tâm sự: "Tôi mò nha bắt ốc may lắm chỉ đủ tiền mắm muối qua ngày". Anh Diệp, chồng chị, cũng không biết chữ và mưu sinh bằng đủ thứ nghề. Ban ngày cào tôm mướn, phụ hồ, chằm lá dừa nước. Ban đêm anh lặn lội vào rừng đước bắt nha. Ngày nào may mắn kiếm được khoảng 100 ngàn đồng, nhưng công việc bữa có bữa không.
Chị Phượng kể: "Giờ một mình ảnh làm nuôi ba mẹ con. Nghĩ thấy tội quá. Nhưng cho con nghỉ học không đành. Đời mình ít chữ khổ quá rồi, nay chỉ mong con được học hành kiếm nghề ổn định tự nuôi bản thân". Nhắc đến chuyện sắm sửa ngày tết, chị thở dài: "Có mua sắm gì đâu, mấy đứa nhỏ thấy mẹ bệnh nên không dám đòi quần áo mới".
Cùng sống trong xóm soi nha là bà Nguyễn Thị Xồm 70 tuổi bán chuối chiên. Vì bán trong xóm nghèo nên bà chỉ lấy 1000 đồng một cái gọi là lấy công làm lời. Bà cho biết ngày nào bán được lắm cũng chỉ lời khoảng 10 ngàn đồng. Bà Xồm có người con trai út là anh Phạm Văn Lý 36 tuổi, mắt yếu nên không thể đi soi bắt nha. Còn cô con dâu Phạm Thị Ngọc Giàu 34 tuổi, lại bị khuyết tật, vẹo cột sống bẩm sinh nên cũng không làm việc nặng được. Anh Lý nói: "Vợ tui chỉ ở nhà buôn bán lặt vặt. Tui đau mắt nên chỉ đi đổi nước cho người ta chứ không soi nha và làm thuê. Lại lo cho hai đứa con đi học nữa, nhiều khi thấy má bệnh mà không lo được, tủi thân quá".
Chị Giàu tâm sự là ở khu dân cư Cá Cháy thì ngày tết cũng chẳng khác ngày thường. Nếu gặp nước ròng thì mọi người vẫn lội rừng đước, mà nước ngập tới ngực, để soi nha mong kiếm thêm ít tiền đong gạo.
Trước ngày chúng tôi đến, những gia đình nghèo trong xóm đã nhận được phần quà tết mà xã chuyển giao từ sự đóng góp của những người hảo tâm ở Sài Gòn. Mỗi phần quà trị giá 400 ngàn đồng, trong đó có 200 ngàn đồng tiền mặt.
HỒ VĂN - BẢO ÂN

No comments:

Post a Comment