Sunday, July 5, 2015

Việt Nam Tuần Qua

Chủ Nhật 5.7.2015   
Kính thưa quý thính giả, để điểm lại những sự kiện nổi bật tuần qua xin mời các bạn thính giả theo dõi buổi hội luận giữa ĐPV Hoàng Ân và PV Trường An.
Hoàng Ân: Thưa anh TA, việc Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, vào tuần tới sẽ đến Hoa Kỳ trong chuyến công du đầu tiên của một người đứng đầu nhà cầm quyền tại Việt Nam đã được giới chuyên gia đánh giá ra sao?
Trường An: Thưa chị cùng quý thính giả của đài!
Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, nhất là liên quan đến mối quan hệ Hà Nội-Washington, trong những ngày qua lên tiếng cho rằng chuyến công du của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Hoa Kỳ lần này chỉ mang tính 'biểu tượng'. Bởi vì chính phủ Mỹ hiểu rõ hệ thống chính trị của Việt Nam là đảng cộng sản nắm toàn quyền cai trị, dù rằng Việt Nam cũng có chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia và thủ tướng là người đứng đầu chính phủ.
Như chúng ta đều biết, Hoa kỳ từng tiếp thủ Phan Văn Khải năm 2005, chủ tịch Nguyển Minh Triết năm 2007, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2008 và chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013 tại tòa Bạch ốc. Tuy nhiên lần này thông tin nói ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ được tổng thống Barack Obama tiếp tại Nhà Trắng khiến nhiều người quan tâm. Tuy nhiên việc ông Trọng vào Bạch cung cũng không phải là vấn đề gì quá to tát bởi vì trước đó cũng có một số những nhà lãnh đạo cộng đồng như Đức Dalai Lama, hoặc gần đây chúng ta có thấy tổng thống Obama tiếp anh Điếu Cày Nguyễn Văn Hải.
Đối với những người trong nước thì vai trò của ông Nguyễn Phú Trọng không giống những vị nguyên thủ quốc gia khác có thể có những quyết định cá nhân. Trong trường hợp Việt Nam với cơ chế tập thể làm chủ, Bộ Chính Trị đưa ra quyết định và ông Nguyễn Phú Trọng chỉ là người được chọn để mgang đi thông điệp đã được thống nhất.
Hoàng Ân: Trước chuyến thăm của ông Trọng tới Hoa Kỳ lần này, Chính phủ Mỹ đã có buổi gặp gỡ các nhà hoạt động người Việt để thảo luận quan hệ Mỹ-Việt. Xin anh nói rõ hơn về sự kiện này?
Trường An: Đúng như chị vừa nói, Chính phủ Mỹ đã tổ chức buổi gặp gỡ với một số nhà đấu tranh VN để thu thập ý kiến trước khi tiếp đón phái đoàn Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tuần tới.
Buổi gặp gỡ diễn ra tại tòa Bạch Ốc do bộ ngoại giao Mỹ tổ chức. Phía VN có các khuôn mặt đấu tranh nổi tiếng như Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân và đại diện một số hội đoàn đảng phái. Về phía Hoa Kỳ thì người chủ tọa buổi gặp gỡ là ông Dan Kritenbrink, giám đốc vụ châu Á về nhân quyền, và một số quan chức khác thuộc bộ ngoại giao. Buổi gặp gỡ nhằm mục đích ghi nhận các ý kiến đóng góp trước khi chính phủ Mỹ tiếp đón phái đoàn Nguyễn Phú Trọng vào tuần tới.
Trong khi đó thì tại VN, trong buổi tiếp tân do tòa đại sứ Mỹ tổ chức, cựu tổng thống Bill Clinton cũng dành ra thì giờ để gặp gỡ một số đại diện các tổ chức dân sự xã hội tại VN. Theo lời kể của Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì ông Clinton cũng đã gặp riêng và thảo luận kín đáo với Ngoại trưởng Phạm Bình Minh và trưởng ban đối ngoại trung ương đảng CSVN, ông Hoàng Bình Quân.
Hoàng Ân: Anh ghi nhận như thế nào sau gần hai tuần rộ lên tin đồn là đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng quốc phòng VN, bị ám sát tại Pháp?
Trường An: Theo như tôi được biết, vào cuối tuần qua, tin đồn ông Thanh đã chết lại càng rộ lên trong dư luận khi giới truyền thông lề đảng tường trình về buổi họp nội các của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhưng không có mặt ông Thanh, mặc dù trên bàn có bảng tên ông. Ngay sau đó một số tờ báo lề đảng đồng loạt lên tiếng rằng ông Thanh đã nhập viện tại Pháp từ một tuần qua. Tin tức ông Phùng Quang Thanh đang trị bệnh ở Pháp được loan báo đồng thời với hình ảnh đại hội quân đội VN vào hôm 2/7, có sự tham dự của Thủ tướng Dũng và toàn bộ các tướng lãnh cao cấp nhất, nhưng không có mặt ông Thanh.
Một điểm đáng chú ý trong đại hội toàn quân này là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại có một câu tuyên bố ngược lại với các khẳng định trước đây khi sửa đổi hiến pháp. Ông Dũng tuyên bố là quân đội VN phải "tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với dân tộc, với hiến pháp" trong khi giới lãnh đạo cao cấp và truyền thông lề đảng đều hô hào quân đội phải "trung thành với đảng".
Tôi muốn được nói thêm đây là đại hội nhằm sắp xếp nhân sự trong hệ thống quân đội và tuyển chọn ứng viên cho ban chấp hành trung ương đảng vào năm tới. Ông Đại tướng Phùng Quang Thanh hiện nắm ghế phó bí thư quân ủy trung ương, tức cơ cấu quyền lực lớn nhất của quân đội. Theo lịch trình thì ông Thanh phải có mặt trong đại hội này trước khi tháp tùng phái đoàn tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm nước Mỹ vào tuần tới.
Hoàng Ân: Thế còn việc xung đột về lãnh thổ diễn ra tại biên giới Việt Nam và Campuchia thì sao thưa anh?
Trường An: Một cuộc xung đột đã diễn ra tại biên giới tỉnh Svay Rieng của Campuchia và tỉnh Long An của VN vào hôm 28/6 vừa qua, với hàng chục người Miên bị phía VN đánh đập, trong đó có cả các nhà sư và dân biểu.
Theo lời kể của hai bên thì phái đoàn Campuchia có khoảng 200 người, trong đó có một số tu sĩ và dân biểu, đã đến khu vực này để điều tra về vụ VN xâm lấn ở biên giới. Phái đoàn Miên đã bị ngăn chặn tại cột mốc số 203. Theo lời kể của phái đoàn thì phía VN đã huy động khoảng 20 bộ đội biên phòng và vài chục dân quân trang bị súng ống và dao búa. Một cuộc tranh cãi và xô xát diễn ra, với một số người Miên bị đánh đập và bị thương.
Ngay sau vụ xô xát, giới chức hai bên đều khăng khăng cho rằng khu vực đó là thuộc lãnh thổ nước mình. Theo ông Tach Setha, chủ tịch cộng đồng Kampuchea Krom, thì lực lượng biên phòng Miên khẳng định đây là vùng đất của Campuchia thuộc tỉnh Svay Rieng, trong khi theo ông Nguyễn Văn Quan, một quan chức biên phòng tỉnh Long An, thì khu vực đó thuộc xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa.
Hoàng Ân: Trong tuần qua, giới chức tỉnh Quảng Ngãi đã xác nhận là một chiếc tàu cá của đảo Lý Sơn đã bị quân Tàu tấn công cướp sạch tài sản vào sáng Chủ nhật vừa qua ở vùng biển Hoàng Sa, cách đảo Bạch Quy khoảng một hải lý. Anh vui lòng nhắc lại sự kiện này?
Trường An: Được biết chiếc tàu cá này do ông Nguyễn Chí Thạnh làm chủ, đã bị hai chiến hạm Trung Cộng tấn công, cướp sạch số ngư cụ lên đến 139 triệu đồng, tức khoảng 7 ngàn Mỹ kim. Vụ tấn công diễn ra chỉ không đầy mấy ngày sau khi giới chức tỉnh này báo cáo với nội các Nguyễn Tấn Dũng là trung bình mỗi tháng có 4 tàu cá Quảng Ngãi bị quân Tàu tấn công, giam giữ đòi tiền chuộc hay cướp đoạt tài sản.
Trong khi đó vào cuối tuần qua, chủ tịch nhà nước VN Trương Tấn Sang cũng hùng hổ tuyên bố là nhà cầm quyền Hà Nội sẵn sàng bảo vệ ngư dân bám biển, trong khi đó quốc hội VN không hề ra một thông cáo nào về tình hình Biển Đông sau khi kết thúc phiên họp định kỳ.
Trong khi đó hôm 30/6, Trung Cộng loan báo là giàn khoan Hải Dương 981 đã được thả neo tại một vị trí cách bờ biển VN 100 hải lý về hướng đông, tức thuộc vùng kinh tế VN. Trung Cộng cho biết là giàn khoan này sẽ tiến hành thăm dò dầu khí trong vòng 2 tháng, đồng thời ra lệnh cho các tàu thuyền không được đến gần giàn khoan này trong phạm vi 2 cây số.
Hoàng Ân: Cám ơn PV Trường An đã chia sẻ các tin tức và nhận xét để gửi đến thính giả của Đài ĐLSN. Kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại anh và quý thính giả trong chương trình tuần tới.

No comments:

Post a Comment