Sunday, July 5, 2015

Nói Với Người Cộng Sản

Chủ Nhật 05.07.2015  
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Tâm Anh
Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,
Tuần trước chúng ta đã cùng nhau chứng minh rằng đảng cộng sản Việt Nam hiện nay không có thực tâm, cũng không thể có ý chí trong việc chống xâm lăng từ Trung Cộng.
Đó là mặt nguy hiểm, yếu hèn, phản quốc hiện nay của đảng cộng sản Việt nam. Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau xem lại một số âm mưu thâm sâu của Trung Cộng trong hơn 60 năm qua - kể từ khi Hồ Chí Minh bí mật sang Bắc Kinh vào đầu năm 1950 để xin Mao Trạch Đông công nhận và viện trợ cho chế độ cộng sản Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Bắc Việt.
Thưa quí vị, quí bạn, trước tiên chúng ta phải thấy ý đồ xâm lấn, thôn tính Việt Nam chỉ là một phần trong tham vọng bá chủ thế giới của Mao Trạch Đông và đảng cộng sản Trung Hoa.
Việc Mao đồng ý trợ giúp đầy đủ về khí tài, cố vấn và nhân lực để Hồ thắng Pháp tại Điện Biên Phủ cũng nằm trong chiến lược bá quyền tổng thể của Mao. Đổi lại, Mao đã đạt được nhiều mục đích quan trọng khi trợ giúp cho Hồ đánh Pháp.
Thứ nhất, nhờ có trận Điện Biên Phủ, Mao đã có được vị thế quan trọng trên trường quốc tế bằng việc tham gia vào cuộc đàm phán Giơ-Ne-Vơ năm 1954 với các đại cường Mĩ, Anh, Pháp và Nga Xô. Thứ hai, trợ giúp cho Hồ trong chiến thắng Điện Biên Phủ mang lại cho Mao một thành quả có ý nghĩa lâu dài khác về lãnh hải, đó là việc chính quyền của Hồ phải trả ơn bằng Công hàm năm 1958 công khai thừa nhận tuyên bố của Trung Cộng về chủ quyền trên Biển Đông gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa - vốn thuộc Việt Nam. Thứ ba, quan trọng hơn, về mặt chiến lược, khi Hồ buộc Pháp và các nước tư bản phải rút khỏi Bắc Việt năm 1954 cũng đồng nghĩa Hồ đã giúp Mao loại được một yếu tố chống cộng nằm ngay sát Trung Hoa và đuổi giúp Mao một đối thủ mạnh hơn ra khỏi Đông Dương - bàn đạp để tiến xuống vùng Đông Nam Á.
Chưa tới mười năm sau khi nắm quyền tại lục địa, Mao đã hoàn toàn khống chế được một nửa nước Việt Nam, đặt được nền móng cho việc đoạt dần các cứ điểm chiến lược nhằm khống chế hoàn toàn Biển Đông. Tất cả những điều này đều nhờ vào Hồ Chí Minh - lãnh tụ Bắc Việt.
Thưa quí vị, quí bạn, chiếu theo binh pháp Tôn Tử chúng ta thấy rất rõ, trong việc trợ giúp Bắc Việt, Mao đã áp dụng hai trong tam thập lục kế, đó là kế "Phao bác dẫn ngọc" - Tung hòn ngói ra để thu về hòn ngọc; và kế: "Tá đao sát nhân" - Mượn tay người khác để gạt bỏ đối thủ.
Nhưng, còn một đối thủ khác đáng gờm hơn rất nhiều đối với Mao trên con đường tiến xuống vùng Đông Nam Á, đó là Mĩ.
Trong việc đối phó với đại cường Mĩ, Mao lại tiếp tục được chính quyền cộng sản Bắc Việt nhận làm tên lính xung kích thông qua quyết tâm của các lãnh tụ Bắc Việt huy động toàn dân Bắc Việt tiến đánh miền Nam Việt Nam - đồng minh của Mĩ, như Hồ Chí Minh đã tuyên bố: "Dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào", hay trắng trợn hơn như lời Lê Duẩn khẳng định: "Ta đánh Mĩ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc". Tất cả các chính sách "Nam tiến", "Thống nhất đất nước" bằng mọi giá của các lãnh tụ Bắc Việt đều tuân đúng theo tư tưởng chống Mĩ của Mao: "Trung Hoa sẽ đánh Mĩ tới người Việt Nam cuối cùng."
Cuối cùng, nhờ cuộc nội chiến Nam-Bắc Việt Nam, Mao đã đạt được mục đích trong việc đối phó với Mĩ: Uy thế chính trị và sức mạnh vật chất của Mĩ bị suy yếu buộc Mĩ phải chủ động hòa hảo với Trung Cộng qua chuyến thăm của Tổng thống Nixon tới Bắc Kinh năm 1972 và cuộc hòa đàm Paris năm 1973 - đưa tới kết cục Mĩ, lại giống Pháp trước đây, phải rút khỏi Việt Nam và Đông Dương.
Lần này, Mao còn có thêm một thành quả vật chất to lớn đã trù bị từ năm 1958 đó là việc đầu năm 1974 đưa quân tấn chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa với sự im lặng đồng lõa của chính quyền Bắc Việt và trước thái độ không can thiệp (đã cam kết trước) của Mĩ.
Như vậy, chỉ trong 25 năm, Mao và đảng cộng sản Trung Hoa đã tạo dựng được vị thế đại cường trên bàn cờ chính trị thế giới, đã đẩy được các đối thủ đại cường ra xa khỏi khu vực phía Nam, biến toàn bộ Việt Nam thành một cửa ngõ xung yếu cho việc bành trướng xuống Đông Nam Á. Thành quả này một lần nữa lại có sự đóng góp tích cực của Hồ Chí Minh và chính quyền cộng sản Bắc Việt.
Tháng Hai năm 1979, khi cả Mao và Hồ đều đã chết, Đặng Tiểu Bình đưa quân đánh Việt Nam nhằm dạy cho đảng cộng sản Việt Nam "một bài học". Lẽ ra đó phải là một cơ hội rất tốt để đảng cộng sản Việt Nam tỉnh ngộ, phải rời xa Trung Cộng. Nhưng hết sức đáng tiếc, sự "tỉnh ngộ" đó không những không xảy ra mà chỉ vài năm sau, năm 1988, đảng cộng sản Việt Nam lại có một hành động tự qui phục trở lại Trung Cộng bằng việc chỉ thị cho binh sĩ tại đảo Gạc Ma hạ súng đầu hàng chịu chết khi Trung Cộng đưa quân tấn chiếm.
Tâm Anh và Tiến Văn thân chào tạm biệt và xin tiếp tục trong chuyên mục tuần tới.
Tiến Văn
05/07/2015

No comments:

Post a Comment