PHÓ THỦ TƯỚNG TRUNG CỘNG SANG THĂM VIỆT NAM
Như tin đã loan vào đầu tuần này, phó thủ tướng Trung Cộng, Trương
Cao Lệ, vào hôm qua đã sang thăm tập đoàn lãnh đạo VN, chỉ một tuần sau
chuyến Mỹ du của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chuyến viếng thăm đột ngột này của họ Trương, một trong 7 nhân vật
siêu quyền lực của Trung Cộng, chỉ được bộ ngoại giao VN loan báo vào
đầu tuần này. Vào hôm qua, ông Cao Lệ đã gặp gỡ Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng và Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Báo chí lề đảng loan tin là hai bên đã thảo luận nhiều biện pháp nhằm
tăng cường mối quan hệ về kinh tế và đầu tư. Trong khi đó thì Tân Hoa
Xã cho biết chuyến thăm này là nhằm "tăng cường sự tin tưởng chính trị
và hiểu biết chung, thay vì làm trầm trọng thêm những khác biệt" giữa
hai nước. Các tuyên bố này cho thấy rõ là mục đích chuyến thăm của họ
Trương là nhằm thuyết phục VN chớ nên ngả về phía Hoa Kỳ để chống đối
Trung Cộng.
VIỆT NAM PHỦ NHẬN VIỆC ĐIỀU ĐỘNG QUÂN ĐỘI VÀ VŨ KHÍ ĐẾN BIÊN GIỚI VIỆT – MIÊN
Trong cuộc họp báo vào hôm qua, bộ ngoại giao VN cực lực phủ nhận tin
tức nói rằng quân đội VN đang chuyển quân và vũ khí hạng nặng đến biên
giới Việt – Miên sau các cuộc xung đột ở biên giới. Tuy nhiên một số dân
chúng ở tỉnh An Giang cho biết là trong mấy ngày qua, máy bay quân sự
của VN liên tục quần đảo dọc theo biên giới, và hàng đoàn xe tăng cũng
xuất hiện ở nhiều khu vực.
Một số dân chúng cho biết thêm là vào tối thứ Ba 14/7 vừa qua, một
nhóm người Campuchia đã băng qua ải Tịnh Biên để đập phá các cột mốc
phân chia biên giới hai nước. Một cuộc xung đột đã diễn ra suốt đêm đó,
nhưng không rõ con số thương vong.
Cần nói thêm, tỉnh An Giang có đường biên giới dài khoảng 100 cây số,
giáp giới hai tỉnh Takeo và Kandal của Campuchia. Đây cũng là cửa ngõ
tiến quân của phe Khmer Đỏ vào năm 1979, với nhiều làng mạc VN bị đốt
phá trong cuộc chiến vào 36 năm trước. Chính vì thế, mặc dù bộ ngoại
giao VN phủ nhận việc điều quân đến biên giới tây nam, giới quan sát
viên tin rằng đảng CSVN không muốn các vụ thảm sát tương tự sẽ diễn ra.
BỊ HÀNH HUNG, HÀNG TRĂM NGƯỜI DÂN BIỂU TÌNH TRƯỚC TRỤ SỞ HUYỆN
Vào chiều tối hôm qua, hàng trăm người dân xã An Sơn đã thuê xe đò
chở đến trụ sở hành chánh huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, để
phản đối công ty xi măng Phúc Sơn nổ mìn lấy đá làm hư hại nhà cửa của
họ và hành hung họ khi họ kéo đến khiếu nại.
Vụ hành hung diễn ra vào sáng hôm qua khi một số người dân xã An Sơn
kéo ra đường để ngăn chận đoàn xe tải chở đá của công ty Phúc Sơn. Ngay
lập tức một nhóm thanh niên tự xưng là công an lao tới đấm đá, xô đẩy và
giật điện thoại của họ. Một sản phụ 33 tuổi cũng bị lũ côn đồ này đánh
bị thương, phải nhập viện cứu chữa và có thể sinh non.
Quá phẫn nộ, ngay sau đó cả trăm người xã An Sơn đã thuê hai xe đò
chở họ đến trước trụ sở huyện Thụy Nguyên để yêu cầu giải quyết. Trả lời
cuộc phỏng vấn của tờ báo Tuổi Trẻ, giám đốc công ty Phúc Sơn, khẳng
định là họ không thuê mướn côn đồ để đánh dân, và phía công an huyện
Thủy Nguyên cũng phủ nhận chuyện này.
TRUNG CỘNG RẦM RỘ XÂY DỰNG BẤT HỢP PHÁP Ở TỈNH QUẢNG NINH
Các công ty Trung Cộng đã rầm rộ tiến hành nhiều dự án ở huyện Hải Hà
tỉnh Quảng Ninh, mặc dù chưa được cấp giấy phép hay có quyêt định giao
đất.
Một trong những dự án điển hình là khu hải cảng Hải Hà có diện tích
gần 5 mẫu mà nhà cầm quyền đang cưỡng chiếm của dân nhưng chưa bồi
thường thỏa đáng. Một số dự án khác là ở xã Quảng Điền với tổng diện
tích đất đai bị cưỡng chiếm là 133 mẫu, đa số là đất ruộng và đầm nuôi
tôm cá. Mặc dù chưa giải quyết xong vấn đề đất đai nhưng các công ty
Trung Cộng đã ào ạt kéo đến xây dựng tại những dự án này.
Trong khi đó thì số liệu thống kê của VN cho thấy là trị giá mậu dịch
giữa VN với Trung Cộng trong 6 tháng qua là hơn 32 tỷ Mỹ kim, trong số
đó có hơn 24 tỷ Mỹ kim là nhập cảng hàng hóa từ Trung Cộng về VN. Bộ kế
hoạch và đầu tư cũng cho biết, chỉ trong 3 tháng đầu năm, VN đã nhập về
56 ngàn chiếc xe hơi do Trung Cộng chế tạo.
PHILIPPINES MỞ LẠI CĂN CỨ SUBIC BAY ĐỂ ĐƯƠNG ĐẦU VỚI TRUNG CỘNG
Nhằm đối phó với dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Cộng, chính phủ
Philippines quyết định mở lại căn cứ Subic Bay để đồn trú các phi đoàn
không quân và chiến hạm hải quân.
Cần biết là căn cứ quân sự khổng lồ Subic Bay, được xem là vịnh Cam
Ranh của Phi, do quân đội Mỹ thuê mướn và xây dựng vào nhiều thập niên
trước. Trước áp lực của dân chúng Phi, nước Mỹ đã hoàn trả căn cứ này
vào đầu thập niên 1990 và được chuyển thành một đặc khu kinh tế. Căn cứ
này cách đảo Scarborough bị Trung Cộng tấn chiếm khoảng 270 cây số.
Vào hôm qua, bộ quốc phòng Phi cho biết đã ký hợp đồng thuê lại vịnh
Subic với thời hạn 15 năm để đồn trú các đơn vị không quân và hải quân
nhằm bảo vệ chủ quyền vùng biển phía tây nước Phi.
HẠ VIỆN NHẬT THÔNG QUA DỰ LUẬT MỞ RỘNG VAI TRÒ QUÂN ĐỘI
Hạ viện Nhật vào hôm qua đã thông qua hai dự luật quốc phòng, bất
chấp sự phản đối của nhiều nhóm dân chúng suốt nhiều tháng qua.
Các dự luật này có nội dung cho phép quân đội Nhật tham chiến ở nước
ngoài để bảo vệ các nước đồng minh, chứ không còn bị giới hạn trong vai
trò phòng vệ theo qui định trong bản hiến pháp được ban hành sau đệ nhị
thế chiến. Các dự luật này phải được thượng viện thông qua mới trở thành
luật, nhưng giới quan sát viên tin rằng chúng sẽ được viện này thông
qua, mặc dù kết quả các cuộc thăm dò cho thấy gần một nửa dân Nhật phản
đối các dự luật này.
Trong khi đó thì dư luận Nam Hàn đang rúng động khi công tố viện loan
báo là 60 thường dân và sĩ quan các cấp của quân đội xứ này đã bị truy
tố về các tội tham nhũng, nhận hối lộ và tiết lộ bí mật quân sự. Đây là
cáo trạng đưa ra sau cuộc điều tra kéo dài từ tháng 11 năm ngoái đến
nay. Trong số các bị cáo, có 10 tướng lãnh đang tại chức hay đã về hưu.
Tất cả đều bị cáo buộc lem nhem tiền bạc trong các hợp đồng cung cấp
quân trang quân dụng cho binh chủng hải quân.
No comments:
Post a Comment