Thứ Tư, 29.07.2015
Khi sự kiên nhẫn của con người vượt quá giới hạn thì một là nó sẽ nổ bùng, hai là nó sẽ đi đến chỗ bị tê liệt thụ động chai lì; người dân Việt chúng ta chọn thái độ nào trước cái ác, cái vô luân thường bại lý đang hoành hành ngày đêm trên quê hương?” Để tiếp nối chương trình hôm nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả nghe Ns. Tuấn Khanh tản mạn: "Rồi Như Đá Ngây Ngô” qua sự trình bày của Nguyên Khải để tiếp nối chương trình tối nay
Báo chí Việt Nam đang rộ lên chuyện một bộ phim truyền hình của Ấn Độ
kéo dài đến gần 2000 tập. Các ý kiến được dẫn lời về bộ phim, cái thì
khen tài làm phim dài hơi, cái thì chê bai mọi chuyện cứ kéo lê thê một
cách không cần thiết và buồn chán. Khán giả hôm nay thật khó mà chiều
chuộng được. Báo chí cũng khó mà chiều lòng được. Thật khác với trước
kia, khi truyền hình vẫn lê thê và chán chường với các buổi chiếu các
cuốn phim: Đơn giản tôi là Maria, Người giàu cũng khóc... dù không
thích nhưng nhiều gia đình vẫn tụ họp nhau trước màn ảnh để xem – như
một trong những món giải trí quan trọng nhất trong ngày.
Và những ngày ấy, dù phim nhạt hơn nước ốc, cũng có không ít những
bài viết ca ngợi nền điện ảnh Mỹ Latin, ca ngợi những tập phim tố cáo
chế độ tư bản ung nhọt và thối nát...Rồi tới"Đời sống chợ đêm" hay
"Khi người ta yêu" cũng chỉ là các cuộc trò chuyện lãng đãng, rồi kéo
dài như vô tận, cũng có thời từng được nhiều báo khen ngợi. Một bộ phim
nhiều tập, tự nó đâu có lỗi lầm gì, phải không?. Nhân loại đã chứng kiến
không ít các bộ phim dài nhiều tập đến giật mình, diễn viên già nua
theo năm tháng vẫn phải bám theo diễn xuất. Mô-típ kịch bản thế nào rồi
cũng đoán được. Phim giải trí vẫn được làm thêm tập theo nguyên tắc "còn
người xem còn chiếu". The Friends với David Schwimmer, Jennifer
Aniston... được kéo đến 10 năm, các diễn viên phải năn nỉ xin thôi vì
không còn sức để diễn những vai độc thân hài hước và trẻ trung nữa. Vậy
mà khi phim ngừng, không ít khán giả đã khóc than, tiếc nuối.
Có vài lý do suy đoán về chuyện báo chí đột ngột lên tiếng chê bai
phim dài tập: gắng nói vì không còn gì để nói, hoặc vì khán giả ai nấy
hôm nay không còn đủ kiên nhẫn như xưa nữa. Cuộc sống rầm rập những đổi
thay bên ngoài bất tận như giá xăng, giá dầu, giá điện, giá thực phẩm...
khiến người ta không còn an nhiên nữa để ngồi thưởng thức những câu
chuyện dài không hồi kết. Có lẽ mất kiên nhẫn trước cuộc sống đang sôi
sùng sục, là một lý do quan trọng. Giới trẻ mất kiên nhẫn trước thế kỷ
hiện đại, nên chọn cho mình một lối thưởng thức âm nhạc hiện đại dồn
dập, thôi thúc. Các nhà điện ảnh cũng không còn kiên nhẫn trước các kịch
bản dàn trải, mà vào phim phải lập tức bắn, giết và nude. Các nhân vật
nổi tiếng thì tranh nhau nói những điều rỗng tuếch và ngu ngốc để được
báo chí đưa tin, chỉ vì sợ thua một bước chân của chúng bạn trên đường
đua vô nghĩa. Con người Việt Nam đang mất kiên nhẫn với điện ảnh, với
thảm họa âm nhạc, với văn chương trộm cắp lẫn nhau... âu thì cũng là một
niềm vui.
Cũng đến lúc mà sự mất kiên nhẫn cho thấy mặt tích cực của nó: thôi
thúc sự đổi thay và nhận diện đúng mọi thứ chung quanh mình. Con người
không còn thụ động ngó nhìn và im lặng, như đá ngây ngô. Nhưng mong rằng
sự mất kiên nhẫn đó của người Việt sẽ lớn hơn, đi xa hơn trong một cuộc
sống đang cần thật nhiều lửa trong trái tim mình, cần nhiều tiếng đập
cửa để nghe tiếng vọng lại, để phá vỡ không gian phong bế vô hình, không
chỉ là chuyện phim ảnh tầm ruồng. Cũng đã đến lúc người Việt cần nhận
ra rằng, chính cuộc sống thực tế hôm nay, không khác gì những cuốn phim
dài tập không kết cục đến đáng giận. Người Việt cũng cần tắt bỏ những
hình ảnh chớp lóa thôi miên trước mặt, dụi mắt và đòi chấm dứt trong một
cái kết có hậu tức thì. Lúc này, người Việt rất cần mất kiên nhẫn để
đứng dậy, rời khỏi gánh hát xã hội chính trị vô tận ngu xuẩn vẫn thấy.
Sự mất kiên nhẫn đó, đã được thể hiện bằng lời mỉa mai nhức nhối về
chuyện xã hội Việt Nam có loại người như ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục
trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), luôn miệng cười tươi và
kiên cường khuyên nhủ dân chúng ăn thực phẩm có chất độc nhập từ Trung
Quốc. Sự mất kiên nhẫn đó là cách dân chúng liên tục chỉ ra nạn bạo
hành, lạm dụng quyền lực và coi thường công dân trong giới cảnh sát giao
thông, công an đang ngày càng dâng cao, thông qua các bài viết và
video. Sự mất kiên nhẫn đó là câu hỏi được nhắc từng ngày về sự công
chính cần thiết trong vụ án Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng... về những
tượng đài vụn vỡ vì bị ăn bớt, về những đền đài, dinh thự xây âm thầm,
về đại lộ, cầu cống ngàn tỉ sụp đổ vì nạn tham nhũng, do các quan chức
coi thường nhân dân mình.Đừng nói với tôi là bạn không thấy xã hội và
thông tin ở Việt Nam đang ngày càng mất kiên nhẫn nhé? Sự mất kiên nhẫn
đó cũng đang được nhìn thấy ở vỉa hè, ở facebook, lan rộng ở các câu
bình luận trong các trang báo điện tử... người ta đang nói với nhau về
những bộ phim không có hồi kết, những bộ phim đời thật sự nhức nhối cần
phải nói, hơn là những tập phim truyền hình duy giải trí. Tôi vẫn nghĩ
có thể vào lúc nào đó, xã hội Việt Nam sẽ còn mất kiên nhẫn hơn và quyết
liệt hơn nữa khi đưa ra những câu hỏi, cần phải được trả lời cho chuyện
tàu cá Trung cộng ngày đêm liên tục đâm tàu Việt Nam – ngay trong biển
Việt Nam, mà quốc hội thì ngủ gật, về sớm và lặng im. Cuốn phim kéo dài
và vô lương về chuyện khai thác bauxite cho Trung Quốc càng làm càng
lỗ, sau ba năm lỗ đến gần 38 triệu USD, vì sau cứ phải lầm lũi kéo dài?
Ôi những cuốn phim đau thương đó trong đất nước này, đang chồng chất,
đợi trình chiếu với kết cục đau thương.
Kiên nhẫn là điều cần thiết, nhưng luôn nằm trong vùng ước lệ, qua
việc nhìn thấy thực tế hiển hiện. Mất kiên nhẫn là điều thường được coi
là không tốt. Nhưng mất kiên nhẫn khi phải chứng kiến các bộ phim đời vô
đạo và khó hiểu kéo dài lại là điều cần thiết. Kiên nhẫn tột bật có thể
là thánh nhân. Nhưng kiên nhẫn trước những điều ngụy lý bại thường
quanh mình, có thể biến mình thành vô tri như đá cuội – biến mình thành
như đá ngây ngô, phải không, người bạn đang đọc tôi?
Ns Tuấn Khanh
No comments:
Post a Comment