Sunday, July 19, 2015

Nói Với Người Cộng Sản

Chủ Nhật 19.07.2015   
Sau đây, mời quý thính giả theo dõi chuyên mục "Nói với người cộng sản". Đây là diễn dàn để trình bày với các đảng viên đảng CSVN, đặc biệt những người đang phục vụ trong guồng máy công an và bộ đội của chế độ hiện hành. "Nói với người cộng sản" do Tiến Văn biên soạn, qua sự trình bày của Dian
Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội,
Thế là ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, với biệt danh Trọng "lú", đã ghi tên mình vào lịch sử bằng chuyến thăm cấp nhà nước tới Hoa Kì theo lời mời chính thức của Tổng thống Obama. Dù chức danh chính thức của ông Trọng không phải là lãnh đạo nhà nước, cũng không phải là quan chức chính phủ, nhưng ông Trọng đã được Tổng thống Obama tiếp đón trong Phòng Bầu Dục của Tòa Bạch Cung vốn chỉ dành cho khách mời là nguyên thủ quốc gia hay lãnh đạo chính phủ. Tuy nghi thức tiếp đón ông Trọng kém hơn rất nhiều so với các nguyên thủ quốc gia khác, chúng ta phải công nhận đó là một biệt lệ chính quyền Hoa Kì muốn dành cho giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện nay.
Biệt lệ này một lần nữa cho thấy chính sách đối ngoại của Hoa Kì luôn linh hoạt, thực tế có nền tảng căn bản dựa trên lợi ích quốc gia Hoa Kì. Nói một cách ngắn gọn, bất cứ điều gì có lợi cho an ninh, thịnh vượng của nhân dân Hoa Kì, chính quyền Hoa Kì đều phải xem xét thực hiện.
Nhìn trên khung cảnh tổng thể của an ninh khu vực châu Á-Thái bình dương và thế giới, điều chúng ta thấy rất rõ trong thời gian gần đây là Hoa Kì đang rất cần sự hợp tác, hỗ trợ của càng nhiều quốc gia càng tốt trong chiến lược kiềm chế, chống lại sự hung hăng ngày càng nguy hiểm của Trung Cộng. Trong khi đó Việt Nam là một quốc gia có một vị trí địa chính trị rất quan trọng trong việc đối phó với Trung Cộng.
Do vậy, việc cá nhân Tổng thống Obama và chính quyền Hoa Kì có quyết định theo kiểu nhún mình để mời và đón tiếp ông Nguyễn Phú Trọng, chỉ là Tổng bí thư của đảng cộng sản, theo cấp nguyên thủ quốc gia cũng là một việc hoàn toàn dễ hiểu và là điều gần như tất yếu trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện thời, bởi việc mời và kiểu cách đón tiếp đó có lợi cho an ninh và sự thịnh vượng của nhân dân Hoa Kì.
Thưa quí vị, quí bạn, đó cũng là sự thể hiện rõ nét tính ưu việt của một chính thể dân chủ. Nghĩa là kẻ cầm quyền trong chính thể dân chủ luôn phải suy tính và lấy quyết định dựa trên lợi ích tối cao của quốc gia, dựa trên các khả năng, cơ hội tốt hơn cho sự sống còn và thịnh vượng của dân tộc, của toàn dân chứ không phải dựa trên các tính toán hẹp hòi cá nhân cho danh dự, sự kiêu ngạo, hay ham muốn, lợi ích của riêng kẻ lãnh đạo hay của riêng đảng phái.
Về phẩm chất, tri thức và danh tiếng cá nhân, ông Obama ở một đẳng cấp cao hơn hẳn ông Trọng nhưng ông Obama vẫn chủ động mời ông Trọng tới "nhà" và tiếp đón ông Trọng một cách trọng thị. Bởi, qua cuộc gặp trực tiếp, ít nhất chính quyền Obama cũng hiểu rõ thêm được thực trạng của cá nhân lãnh đạo và nội tình của đảng cộng sản Việt Nam - tổ chức đang nắm quyền lãnh đạo một quốc gia có vị thế quan trọng tại châu Á-Thái bình dương.
Về triết lý chính trị và lý tưởng xã hội, chính quyền Hoa Kì đối lập hoàn toàn với chính quyền do đảng cộng sản Việt Nam dựng nên, nhưng việc Obama chính thức mời đảng trưởng đảng cộng sản Việt Nam và đón tiếp ngay tại tòa Bạch Cung ít nhất cũng giúp cho chính quyền Hoa Kì tạo thêm được sự gần gũi hơn với đảng cộng sản Việt Nam - một đối tác tiềm năng cần thiết trong việc đối phó với Trung Cộng.
Dĩ nhiên, cá nhân Tổng thống Obama và chính quyền Hoa Kì không phải là những con người ngây thơ, yếu hèn. Những gì thể hiện qua cuộc gặp cho chúng ta thấy chính quyền Hoa Kì và chính giới Hoa Kì rất thận trọng và có những nguyên tắc không thể đánh đổi.
Mặc dù dành cho ông Trọng cuộc đón tiếp trọng thị, nhưng Tổng thống Obama vẫn nhắc đến hồ sơ nhân quyền của Việt Nam. Ngoài ra, Tổng thống Obama và chính quyền Hoa Kì vẫn không duyệt xét hai vấn đề quan trọng hàng đầu mà ông Trọng và đảng cộng sản Việt Nam rất mong muốn đạt được qua chuyến thăm vừa qua, đó là việc phê chuẩn Việt Nam có nền kinh tế thị trường và việc bãi bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Việc ông Trọng tới thăm tư gia của cựu Tổng thống Bill Clinton và được chính ông cựu Tổng thống tiếp đón, nhưng không được gặp bà Hillary Clinton - một chính trị gia tiềm năng trở thành tổng thống Hoa Kì khóa tới - cũng là một dấu chỉ cho thấy chính giới Hoa Kỳ rất coi trọng Việt Nam nhưng cũng rất thận trọng với đảng cộng sản Việt Nam.
Như vậy, qua chuyến thăm lịch sử vừa qua của ông Trọng tới Hoa Kì, chúng ta đã thấy rõ thiện chí của chính quyền Hoa Kì đối với đảng cộng sản Việt Nam nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung, đó là: Chính quyền và nhân dân Hoa Kỳ rất muốn Việt Nam thực tâm hợp tác, sát cánh với Hoa Kỳ trong mọi lĩnh vực phát triển quốc gia, từ kinh tế, giáo dục, văn hóa, cho tới chính trị, an ninh và đặc biệt trong việc đối phó với tham vọng bành trướng bá quyền của Trung Cộng tại Biển Đông và khu vực Thái bình dương.
Thưa quí vị, quí bạn, có thể nói Việt Nam chúng ta lại đang có một cơ hội lớn khi một quốc gia hùng mạnh, dân chủ và nhân bản vào bậc nhất của nhân loại đang chủ động mở rộng tấm lòng với chúng ta. Nhưng một vấn đề quan hệ nhất đối với Việt Nam là đảng cộng sản Việt Nam có nhìn ra cơ hội này không và giới lãnh đạo của nó sắp tới có biết đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích đảng phái không?
Dian và Tiến Văn xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại.
Tiến Văn
19/07/2015

No comments:

Post a Comment