Thứ Bảy 11.07.2015
Khi nói đến truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc Việt, không ai không biết đến Bà Triệu, một phụ nữ đã không ngại hiểm nguy, xông pha trận mạc chống giặc Ngô xâm lấn bờ cõi, được đời sau xem là anh thư nước Việt. Nhưng ít ai nhắc đến người anh đã nuôi nấng, dạy dỗ bà và chính người anh này là người đầu tiên tụ binh, dựng cờ khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm phương Bắc. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối nay, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Thủ lãnh Triệu Quốc Đạt" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
Sau Hai Bà Trưng, Bà Triệu cũng được sử Việt xem là một anh thư lẫm
liệt của dân tộc và mãi đến ngày nay vẫn còn in đậm trong tâm thức mỗi
người Việt với lòng ngưỡng mộ và tự hào về giòng giống Lạc Hồng.
Bà Triệu tên là Triệu thị Trinh được anh ruột là Triệu Quốc Đạt nuôi
nấng, dạy dỗ và rèn luyện võ nghệ từ lúc còn thơ ấu. Lúc ấy Triệu Quốc
Đạt là một hào trưởng, thủ lãnh vùng đất Cửu Chân (Thanh Hóa).
Năm 246, Triệu Quốc Đạt chiêu hiền đãi sĩ, thu nạp hào kiệt, tụ binh
khởi nghĩa chống lại nhà Đông Ngô của thời Tam quốc bên Tàu. Ông được
mọi người tôn làm thủ lãnh nghĩa quân. Khi vợ của Triệu Quốc Đạt định tố
giác mưu toan khởi nghĩa của ông với bọn thái thú nhà Ngô thì bị bà
Triệu Thị Trinh phát giác và ra tay giết chết. Khi hay biết chuyện này,
người anh Triệu Quốc Đạt không hề trị tội hay khiển trách em gái mình.
Sau đó, từ hai căn cứ rừng núi ở vùng Nưa và Yên Định, ông dẫn quân
đánh chiếm quận Tư Phố nằm ở vị trí hữu ngạn sông Mã. Đây là căn cứ quân
sự lớn của quân nhà Đông Ngô trên đất Cửu Chân, dưới sự trấn thủ của
tướng Tiết Kính Hàn. Thừa thắng xông lên, lực lượng nghĩa quân chuyển
hướng xuống hoạt động ở vùng đồng bằng sông Mã.
Sau khi xuống đồng bằng, Triệu Quốc Đạt lâm bệnh qua đời. Các nghĩa
binh tôn Bà Triệu làm chủ tướng. Quân của Bà Triệu đi đến đâu cũng đều
được dân chúng hưởng ứng. Phụ nữ quanh vùng thúc giục chồng con gia nhập
vào đoàn quân của Bà ra trận đánh giặc, và làm bài đồng dao để ca ngợi
tài năng chỉ huy của Bà Triệu. Quân Ngô nghe bài đồng dao lại càng khiếp
sợ uy thế của nghĩa binh.
Được tin cuộc khởi nghĩa lan nhanh, Tôn Quyền phái đại tướng Lục Dận
sang làm thứ sử Giao Châu, mang theo 8 ngàn quân để trấn áp cuộc khởi
nghĩa. Vừa đến nơi, Lục Dận liền dùng vàng bạc mua chuộc một số lãnh tụ
địa phương để làm suy yếu và gây phan hóa lực lượng nghĩa quân.
Bà Triệu chỉ huy cuộc kháng chiến chống quân Đông Ngô được 5 tháng
thì thất trận và tuẫn tiết trên núi Tùng (thuộc tỉnh Thanh Hóa) vào năm
Mậu Thìn (248). Lúc đó bà chỉ mới 23 tuổi. Từ đó nước Việt bị nhà Đông
Ngô đô hộ cho đến năm 265.
* * *
Mặc dù là người chủ xướng cuộc khởi nghĩa đánh quân Đông Ngô để dựng
lại nền tự chủ cho dân tộc Việt, nhưng vị anh hùng Triệu Quốc Đạt chỉ
được nhắc đến vài đoạn trong dòng lịch sử đấu tranh của nước Việt. Sử
viết rằng, chính ông là người nuôi nấng cô em gái Triệu Thị Trinh sau
khi cha mẹ qua đời sớm. Và khi ông đề nghị Bà Triệu lấy chồng thì cô em
gái 19 tuổi đã trả lời bằng một câu nói đi vào lịch sử: "Tôi muốn cưỡi
cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, lấy lại giang
sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không muốn khom lưng làm tì
thiếp cho người!".
Cũng theo lịch sử thì thủ lãnh Triệu Quốc Đạt rất giỏi võ và chính
ông là người truyền thụ võ nghệ cho em gái mình, bà Triệu là người thừa
kế chức vụ thủ lãnh và được các nghĩa quân tôn phong là "Nhụy Kiều tướng
quân" vì sự dũng mãnh và gan dạ của bà khi ra trận.
Mặc dù lịch sử không viết nhiều về cuộc kháng chiến oai hùng của vị
thủ lãnh đất Cửu Chân, nhưng người ta có thể khẳng định rằng, sự ra đi
quá sớm của Triệu Quốc Đạt là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự
thất bại của cuộc khởi nghĩa, vì Bà Triệu dù sao cũng chỉ là một nữ
tướng trẻ tuổi, không đủ uy tín huy động quần chúng như vị hào trưởng
Triệu Quốc Đạt.
Nhưng dù chỉ vài dòng sơ lược, lịch sử Việt đã nhắc nhở cho thế hệ
con cháu về truyền thống bất khuất của dân tộc, qua cuộc khởi nghĩa hào
hùng của hai anh em Triệu Quốc Đạt chống lại triều đình Đông Ngô với lý
tưởng cao cả là "lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ chứ
không muốn làm tì thiếp cho người".
Thế nhưng không ai ngờ rằng, gần 1800 năm sau, nước Việt đang sản
sinh ra một tập đoàn lãnh đạo, ngoài mặt tự xưng là mang truyền thông
bất khuất của cha ông nhưng trong lòng thì đang chấp nhận làm thái thú
cho đế quốc Hán Cộng để vinh thân phì gia. Một điển hình là ông đại
tướng - bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh - đã lâng láo bày tỏ sự
lo ngại của mình trước thái độ chống Tàu của người dân Việt Nam, thậm
chí còn cho rằng thái độ đó là một hiểm họa của dân tộc.
Ông Thanh đã nói lộn. Nếu so với khí phách của hai anh em vị thủ lãnh
Triệu Quốc Đạt thì đảng cộng sản Việt Nam mới chính là thảm họa của dân
tộc!
Việt Thái
No comments:
Post a Comment