Thứ Tư, 15.07.2015
Để bắt đầu công cuộc xây dựng trên một cái nền hoang dã cần phải có những con người tiên phong đi khai phóng dù vô danh hay hữu danh; họ đã là những viên gạch lót đường vững vàng cho những thế hệ tương lai tiến bước. Để tiếp nối chương trình hôm nay qua tiết mục Đất Nước Đứng Lên, mời quý thính giả nghe Trần Quốc Việt kể chuyện:" Những Người Của Rừng Mắm" qua sự trình bày của Nguyên Khải để tiếp nối chương trình tối nay
Hầu như mỗi lần nghĩ về những người đã hay đang công khai hoặc âm
thầm đấu tranh cho dân chủ và tự do ở trong và ngoài nước, đặc biệt
những tù nhân lương tâm, tôi đều tưởng đến truyện ngắn đặc sắc của cố
nhà văn Bình Nguyên Lộc: Rừng Mắm. Hình ảnh họ và rừng mắm quyện với
nhau không tách rời như hương quyện với hoa.
Thằng Cộc trong truyện cùng gia đình bỏ xứ ra đi vì nhà quá nghèo. Họ
liều đến vùng U-Minh nước mặn rừng rậm hoang vu để khai hoang. Ở nơi
"nhiều khi ăn rùa, ăn rắn trừ cơm" này, thằng Cộc thèm đủ thứ từ chè,
xoài, thôn xóm, tiếng người... Rồi một hôm sau khi gặp và trò chuyện với
đôi tình nhân ngồi tâm sự trên gò Ô-Heo, thằng Cộc ở tuổi mười lăm bắt
đầu mơ mộng và bâng khuâng về những chân trời tình yêu xa xăm nào đấy.
Nó về nhà và than với ông nội: "Ở đây, mình có ruộng, nhưng cũng khổ cả
đời. Tui muốn đi quá, đi đâu cũng được, miễn ở đó có làng xóm, có người
ta."
Ngày nọ, ông nội quyết định đưa thằng Cộc đến một nơi sát biển.
"Nơi đây, đất đã hết, mà chỉ còn bùn. Tràm mọc tới mé đất cuối cùng
thì dừng lại, như là dân ở biên giới một nước kia dừng lại nơi bìa lãnh
thổ mình.
Hết tràm thì có một khoảng trống, nửa bùn, nửa đất, trên ấy cỏ ống rậm ri và chim cao cẳng đủ loại đáp đầy trong cỏ.
Tràm đứng trước bãi cỏ mà nhìn dân láng giềng mọc trên bùn đen. Ðó là
những cây ốm nhom chen nhau mà vượt cao lên, cây nầy cách cây kia không
đầy bốn gang tay.
Bờ biển thoai thoải dốc xuống, trông rừng cây lạ ấy như một đạo binh xuống núi, tuôn tràn từ trên cao xuống mé biển ngoài xa.
Xa, xa lắm, có những cây mọc lẻ tẻ như những tên lính xung phong mau bước tiến tới, để hãm thành hầu lập công.
Nhìn xuống gốc cây, ông nội bảo:
- Nước chưa lớn hẳn, để lộ bùn đen dưới gốc cây ra. Bùn đen từng nơi
lại trắng xóa những đóa hoa năm cánh, hai màu đen trắng đối chọi nhau
trông rất đẹp.
- Cây gì mà lạ vậy ông nội? Trổ bông ngay dưới gốc?
- Bông trổ trên đầu những cái rễ ăn lên mà người ta gọi là rễ gió. Cây nầy là cây mắm. Ðây là rừng mắm đây.
- Cây mắm? Sao tui không nghe nói đến cây mắm bao giờ?
- Con không nghe nói, vì cây mắm không dùng được để làm gì hết, cho đến làm củi chụm cũng không được.
- Vậy chớ trời sanh nó ra làm chi mà vô ích dữ vậy ông nội, lại sanh hằng hà sa số như là cỏ ấy?
- Bờ biển nầy mỗi năm được phù sa bồi thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn
thước. Phù sa là đất bùn mềm lũn và không bao giờ thành đất thịt được để
ta hưởng nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một khi kia
cây mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm,
đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được.
Thấy thằng cháu nội ngơ ngác chưa hiểu, ông cụ vịn vai nó mà tiếp:
- Ông với lại tía của con là cây mắm, chơn giẫm trong bùn. Ðời con là
tràm, chơn vẫn còn lấm bùn chút ít, nhưng đất đã gần thuần rồi. Con
cháu của con sẽ là xoài, mít, dừa, cau.
Ðời cây mắm tuy vô ích, nhưng không uổng, như là lính ngoài mặt trận vậy mà. Họ ngã gục cho kẻ khác là con cháu của họ hưởng.
Con, con sắp được hưởng rồi, sao lại muốn bỏ mà đi ? Vả lại con không thích hy-sanh chút ít cho con cháu của con hưởng sao ?
Thằng Cộc nhìn lại ông nội nó và nghe thương không biết bao nhiêu ông
già đã bỏ mồ, bỏ mả ông cha để hì-hục năm năm trong đồng chua, nước mặn
ở Ô-Heo.
Phải, cứ theo dự đoán của gia đình thì nó sắp được hưởng, tuy không nhiều, mà rồi sẽ nhiều.
Nó nắm chặt tay ông nội nó và nó thấy ông nội nó giỏi quá. Ông có biết chữ nho kia mà.
- Ông ơi, nó than, nhưng tràm buồn quá.
- Tràm sẽ khỏi buồn nữa. Năm tới, đất thuần rồi thì ta làm ba mươi
công và sẽ gọi dân cấy gặt ở xa tới phụ lực. Rồi tía con sẽ cưới vợ cho
con, rồi thiên hạ sẽ bắt chước ta, tràn tới đây mà phá rừng, vùng Ô-Heo
sẽ sầm uất, vui biết bao nhiêu.
Tràm hết buồn vì sẽ đẻ ra cau, dừa, xoài, quít, đầy nhà, nước sẽ ngọt một khi đất thuần...
- Và sẽ có chè ăn ?
Ông nội cười ha hả mà rằng:
- Gì chớ chè thì sẽ có lu bù.
- Mà ông nội nè, cưới vợ làm sao được, ai thèm về Ô-Heo ?
- Hai năm nữa người ta sẽ đồn rằng đất Ô-Heo thuần. Những kẻ nghèo khó như ta chỉ mong được tới đây.
Ông nói điều nầy, không biết con hiểu được hay không. Là tổ tiên ta
ngày xưa từ miền Trung tràn vào đây đều chịu số phận của cây mắm hết, từ
xứ Ðồng Nai nước ngọt cho tới đây, ở đâu cũng hoang vu cả.
Họ đã ngã rạp trong chốn ma thiêng nước độc nầy để lót đường cho con
cháu họ đi tới, y như là đàn kiến xung phong, tốp đầu liều chết đuối,
lội qua tô nước rọng hủ đường để làm cầu cho bọn đi sau vào đến nơi có
chất ngọt. Nhiều lớp tiên phuông đã ngã gục như rừng mắm. Rồi thì ông
sơ, ông cố con, ông nội đây là tràm mới kiếm được miếng ăn..."
Đọc đến đây, độc giả chắc hiểu tại sao mỗi khi nghĩ về những người
đấu tranh cho tự do và dân chủ tôi lại liên tưởng đến rừng mắm. Họ đã
chấp nhận gian khổ, lao tù và cả hy sinh hạnh phúc riêng của mình để mở
đường tương lai cho quê hương. Mượn cách nói của nhà vật lý Anh Newton,
tương lai của Việt Nam và những thế hệ hiện nay tươi sáng hơn là nhờ
đứng trên vai của vô số những người dấn thân vô danh và hữu danh
này_những người của Rừng Mắm Việt Nam_ lót đường cho những mùa xuân rực
rỡ trong tương lai.
Trần Quốc Việt
No comments:
Post a Comment