Wednesday, July 1, 2015

Dân trí và phát triển

Thứ Tư, 01.07.2015    
Giáo điều ý thức hệ Mác-Lê là nền tảng của chế độ ngu dân do đảng CSVN chủ trương. Đập tan giáo điều ý thức hệ này là bước đầu trong tiến trình khai mở trí tuệ cho dân tộc Việt Nam. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Huỳnh Ngọc Tuấn với tựa đề: "Dân trí và phát triển" sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Dân trí và Phát triển xã hội có tương quan nhân quả.
Dân trí là nền tảng của một xã hội, nó quyết định chiều hướng và tốc độ phát triển của xã hội đó. Nó cũng tạo nên bản sắc và phẩm chất của một xã hội.
Bất cứ một quốc gia nào muốn phát triển nhanh, bền vững và đạt đẳng cấp cao thì không thể thiếu vắng một chính sách giáo dục có viễn kiến chú trọng đến sự tinh túy.
Đầu tư lớn cho Giáo dục – Y tế là một chọn lựa theo chiều hướng này.
Nhưng chỉ đầu tư cho Giáo dục theo kiểu đào tạo kỹ năng chuyên môn thì chưa chắc đã tạo nên được một xã hội có tầng dân trí cao đúng nghĩa.
Giá trịtôn giáo và đạo đức tuy vô hình nhưng lại đóng góp rất lớn vào việc kiến tạo nên trình độ dân trí của một đất nước, phẩm chất của một xã hội.
Một khi tôn giáo bị lợi dụng cho mục tiêu chính trị hoặc can thiệp - lũng đoạn nền chính trị quốc gia thì giá trị đạo đức bị băng hoại, niềm tin vào giá trị thiêng liêng sụp đổ, niềm tin vào chân thiện mỹ bị lung lay, xã hội sẽ trở nên vô thần, vô cảm và trở thành mảnh đất tốt cho cái ác nảy nở.
Nếu nhà cầm quyền tha hóa, tham nhũng, tàn ác, chuyên quyền, thối nát và bất lương sẽ tạo nên một xã hội tha hóa, bất công và bất lương vì "thượng bất chính, hạ tắc loạn".
Nếu kẻ sĩ, các bậc trí nhân trong xã hội vô trách nhiệm với đất nước, nhắm mắt trước những bất công và thối nát trong xã hội hoặc chỉ biết cúi đầu "ăn theo" nhà cầm quyền chuyên chế thì xã hội sẽ mất niềm tin vào lương tri và sự công chính.
Nếu việc khơi nguồn cho năng lực sáng tạo nẩy nở và giáo dục khả năng cảm nhận những giá trị thẩm mỹ, giá trị tư tưởng và đạo đức thất bại sẽ tạo nên một xã hội máy móc, nghèo nàn, ù lì, ngu ngơ.
Việt Nam hiện nay đang rơi rất nhanh và rất sâu vào vực thẳm đó khi tôn giáo bị lợi dụng, bị biến thái, nhà cầm quyền tàn độc và tha hóa, tầng lớp trí thức hèn hạ vụ lợi và một nền giáo dục theo chủ nghĩa Mác-Lênin vô thần và thực dụng đã đầu độc toàn diện xã hội.
Để bù lấp vào khoảng trống trong giáo dục, chế độ CSVN cho đào tạo ồ ạt, cẩu thả và không phẩm chất những thế hệ thanh niên Việt Nam, họ cho ra lò hàng triệu những Tiến sĩ- Thạc sĩ, Cử nhân thiếu kỹ năng và vô đạo đức .
Đa phần những con người này không có năng lực và sự say mê sáng tạo,không có năng lực cảm nhận, tìm kiếm và đòi hỏi những giá trị cao quý tiềm ẩn trong niềm tin tôn giáo, giá trị đạo đức, giá trị tư tưởng và thẩm mỹ, không có chiều sâu của tư duy nên suy nghĩ hời hợt, họ chỉ có năng lực và khuynh hướng cảm nhận, tìm kiếm và đòi hỏi những cái tầm thường "bậc trung", thậm chí là những cái thấp hèn!
Một xã hội như vậy làm sao đủ tầm vóc để vươn tới những đỉnh cao?
Chính vì vậy mà Việt Nam hiện nay với số người có học hàm- học vị cao đứng nhất khu vực Đông nam Á nhưng vẫn nằm trong danh sách các nước nghèo nàn lạc hậu và dân trí thấp.
Dân trí cao hay thấp không đồng nghĩa và phụ thuộc vào số lượng người có học vị - học hàm cao nhiều hay ít trong xã hội (vì học hàm - học vị chỉ là kiến năng chuyên môn) mà nó phụ thuộc vào năng lực sáng tạo, năng lực cảm nhận những giá trị cao quý hàm chứa trong tư tưởng, đạo đức và thẩm mỹ, phụ thuộc vào chiều sâu tư duy của dân tộc đó.
Đây là lời giải trình cho những hoài nghi thắc mắc là tại sao Việt Nam có nhiều Giáo sư - Tiến sĩ - Thạc sĩ - Cử nhân bậc nhất thế giới nhưng không hề có được một phát minh khoa học nào, không nhận được một giải thưởng cao quý nào trên thế giới như giải Nobel chẳng hạn.
Sau hơn 30 năm "mở cửa - đổi mới" với những ưu đãi dành cho một nước "đang phát triển" CSVN không xây dựng được một thương hiệu lớn nào như Samsung, Hyundai của Nam Hàn cho dù Việt nam có điều kiện tự nhiên tốt hơn và "vốn liếng" con người không thua kém Hàn quốc!
Để độc tôn cai trị đất nước lâu dài, CSVN chủ trương một nền giáo dục mỵ dân và ngu dân, và họ đã đạt được mục tiêu đó sau hơn 60 năm cầm quyền.
Nhưng hậu quả để lại quá nặng nề cho đất nước, dân tộc và không thể phục hồi trong một sớm một chiều.
Chưa bao giờ trong lịch sử đất nước, Việt nam lại sa đọa như hôm nay:
Về Chính trị: Không có những nhà lãnh đạo tài năng xuất chúng và đạo đức.
Về Văn hóa: Không có sáng tạo mang tầm vóc và giá trị cao trong mọi lãnh vực học thuật, văn chương, âm nhạc, thơ ca, hội họa và khoa học.
Về Tôn giáo: Có rất ít những bậc chân tu đạo hạnh làm người hướng đạo tinh thần, giá trị tôn giáo bị xuyên tạc, bị lợi dụng cho mục tiêu chính trị dẫn đến khủng hoảng niềm tin tôn giáo và đạo đức nghiêm trọng.
Về Giáo dục: Chỉ biết chạy theo thành tích và sự giả dối, không đào tạo được nhân tài và thiếu vắng những con người xuất chúng.
Về Xã hội: Xã hội tha hóa, đầy dãy những bất công, bất bình đẳng, bất ổn và tội ác.
CSVN đã liều lĩnh khi "chơi một ván bài" quá phiêu lưu mạo hiểm, nhưng "họ biết một mà không biết hai" vì thực tế trên thế giới từ cổ chí kim đã chứng minh rằng những quốc gia có trình độ dân trí và đạo đức cao luôn đứng ở đỉnh cao trong nền văn minh nhân loại, luôn có những thành tựu văn hóa - kinh tế cao và bền vững hơn, xã hội văn minh hơn, nhân bản hơn và người dân ở đó có khuynh hướng ôn hòa trong những tranh chấp xã hội.
Ngược lại những quốc gia có trình độ dân trí và đạo đức thấp có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp và không bền vững, có nhiều tệ nạn xã hội hơn và người dân có khuynh hướng xử dụng bạo lực trong mọi tranh chấp xã hội.
Những quốc gia đó luôn ở dưới đáy của nền văn minh nhân loại, luôn là nạn nhân của lịch sử và bị khinh miệt.
CSVN nghĩ rằng họ có trong tay 1 triệu bộ đội và công an thì có thể kiểm soát được tình hình một cách dể dàng?
Nhưng lịch sử cho thấy những quốc gia như Việt Nam và Ukraina nằm trong "vành đai" tranh chấp của các siêu cường thì đừng hy vọng có hòa bình và ổn định vĩnh viễn.
Một khi có biến động và chiến tranh... người dân Việt Nam sẽ cầm mã tấu thay cho biểu ngữ, dùng vũ lực thay cho ôn hòa.
Đến lúc đó CSVN có ân hận cũng quá muộn rồi.
Người ta nói "gieo nhân nào gặt quả đó", "gieo gió thì gặt bão" vậy./.
Huỳnh Ngọc Tuấn

No comments:

Post a Comment