XUNG ĐỘT VỀ LÃNH THỔ DIỄN RA TẠI BIÊN GIỚI VIỆT – MIÊN
Một cuộc xung đột đã diễn ra tại biên giới tỉnh Svay Rieng của
Campuchia và tỉnh Long An của VN vào hôm 28/6 vừa qua, với hàng chục
người Miên bị phía VN đánh đập, trong đó có cả các nhà sư và dân biểu.
Theo lời kể của hai bên thì phái đoàn Campuchia có khoảng 200 người,
trong đó có một số tu sĩ và dân biểu, đã đến khu vực này để điều tra về
vụ VN xâm lấn ở biên giới. Phái đoàn Miên đã bị ngăn chặn tại cột mốc số
203. Theo lời kể của phái đoàn thì phía VN đã huy động khoảng 20 bộ đội
biên phòng và vài chục dân quân trang bị súng ống và dao búa. Một cuộc
tranh cãi và xô xát diễn ra, với một số người Miên bị đánh đập và bị
thương.
Ngay sau vụ xô xát, giới chức hai bên đều khăng khăng cho rằng khu
vực đó là thuộc lãnh thổ nước mình. Theo ông Tach Setha, chủ tịch cộng
đồng Kampuchea Krom, thì lực lượng biên phòng Miên khẳng định đây là
vùng đất của Campuchia thuộc tỉnh Svay Rieng, trong khi ông Nguyễn Văn
Quan, một quan chức biên phòng tỉnh Long An, thì khu vực đó thuộc xã
Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa.
HỘI NHÀ BÁO ĐỘC LẬP VN RA TUYÊN CÁO PHẢN ĐỐI BẠO QUYỀN ĐÀN ÁP ÔNG PHẠM CHÍ DŨNG
Hội Nhà báo Độc lập VN vừa đưa ra tuyên cáo phản đối bạo quyền Sài
Gòn sách nhiễu và ép buộc ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch hội này, phải đình
chỉ trang mạng Việt Nam Thời Báo của hội.
Tuyên cáo nêu rõ việc ông Dũng đã bị công an đến tận nhà áp giải lên
đồn để tra vấn vào hai ngày 25 và 26/6 tuần qua. Đây cũng không phải là
lần đầu tiên ông Dũng bị công an sách nhiễu và đe dọa. Kể từ năm 2013,
kể từ khi tuyên bố từ bỏ đảng cộng sản và tham gia sáng lập hội Nhà báo
Độc lập VN, ông Dũng đã bị "mời" lên đồn công an không dưới 20 lần, thậm
chí cũng bị tịch thu sổ thông hành và cấm xuất ngoại.
Trong vụ thẩm vấn mới nhất vào tuần qua, an ninh Sài Gòn nêu lý do về
vụ án Nguyễn Quang Lập vẫn chưa xét xử để yêu cầu ông Dũng phải đình
chỉ hoạt động của trang mạng Việt Nam Thời Báo. Tuy nhiên ông Dũng cho
biết là mục đích chính của công an là muốn dẹp bỏ trang mạng và luôn cả
hội Nhà báo Độc lập để bịt miệng những tiếng nói bất đồng chính kiến.
Trong một diễn biến khác giúp cho dư luận thế giới thấy rõ thêm về
tình trạng thiếu tự do ngôn luận tại VN, bộ trưởng thông tin Nguyễn Bắc
Son vào tuần qua kêu gọi nhà cầm quyền gia tăng trừng trị những ai nói
xấu đảng và nhà nước trên mạng lưới Facebook. Phát biểu với báo chí, ông
bộ trưởng Bắc Son không đưa ra định nghĩa thế nào là "nói xấu", nhưng
nhấn mạnh đến nghị định mang số 72 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành
vào hai năm trước, nội dung yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ
internet phải gia tăng kiểm soát các trang mạng mà ông Son gọi là có
"nội dung xấu".
TRƯƠNG TẤN SANG TUYÊN BỐ SẼ BẢO VỆ NGƯ DÂN VN
Trả lời câu hỏi về các vụ tàu thuyền VN bị quân Trung Cộng bắt giữ và
tấn công sát hại suốt mấy tháng qua, chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào
hôm qua đã lấp liếm trả lời là nhà cầm quyền luôn hỗ trợ mạnh mẽ ngư dân
trong việc đóng các tàu thuyền có công suốt lớn, và luôn luôn tranh cãi
rất nảy lửa với phía Trung Cộng chứ không phải là phản đối lấy lệ.
Ông Sang cũng tuyên bố là nhà nước VN sẽ bảo vệ cho ngư dân, nhưng
không nói rõ là bảo vệ như thế nào. Trong khi đó thì tờ báo Người Lao
Động cho biết là dưa theo số liệu của giới hữu trách VN thì trung bình
mỗi tháng có 4 tàu cá Quảng Ngãi bị quân Trung Cộng tấn công cướp bóc và
bắt giữ đòi tiền chuộc.
Vào sáng hôm qua, trong phiên họp thường kỳ của nội các Nguyễn Tấn
Dũng, một phó chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi báo cáo là chỉ trong 6 tháng đầu
năm nay đã có 34 chiếc tàu, với tổng cộng 480 ngư dân, bị quân Trung
Cộng tấn công ở Biển Đông. Tệ hơn thế nữa là Trung Cộng nhiều lần tiến
sát vào huyện đảo Lý Sơn trong năm nay, với 8 chiến hạm, 180 tàu cá và 3
canô trong phạm vi 15 hải lý của đảo này.
LẠI CÓ THÊM MỘT VỤ TREO CỔ TỰ TỬ TRONG ĐỒN CÔNG AN
Công an thành phố Biên Hòa lên tiếng xác nhận là ông Phạm Văn Được 58
tuổi, một cư dân ở phường Tân Tiến, được tìm thấy treo cổ tự tử trong
nhà kho của trụ sở công an thành phố vào sáng 29/6 vừa qua.
Đây là vụ đột tử mới nhất trong đồn công an VN ở khắp các tỉnh thành.
Theo lời kể của công an thì ông Được từng làm việc trong ngành công an,
sau khi ra khỏi ngành thì ký hợp đồng làm việc lặt vặt như bảo trì điện
nước tại đồn công an thành phố Biên Hòa. Công an cho biết là trên người
ông Được không có vết thương khả nghi nào.
PHILIPPINES NGƯNG TU BỔ MỘT PHI ĐẠO Ở TRƯỜNG SA
Chính phủ Philippines loan báo là họ đã ngưng tiến trình tu bổ một
phi đạo trên đảo Pagasa thuộc quần đảo Trường Sa, trong khi chờ đợi phán
quyết của tòa trọng tài quốc tế về cuộc tranh chấp chủ quyền giữa Phi
và Trung Cộng về một số hòn đảo trong vùng biển này.
Theo thông cáo thì chính phủ Phi đình chỉ việc tu sửa phi đạo là nhằm
đáp ứng yêu cầu duy trì nguyên trạng của khu vực tranh chấp, theo đề
nghị của thế giới. Cần biết là đảo Pagasa có diện tích khoảng 37 mẫu,
với một ngôi làng nhỏ và một phi đạo dùng cho việc tiếp tế. Phi đạo này
đã hư hỏng nhiều, trong khi hiện nay các tàu thuyền vận chuyển hàng hóa
của Phi đến đảo này phải xuyên qua lực lượng tuần tra dày đặc của Trung
Cộng.
Trong một diễn biến khác thì Thủ tướng Úc Tony Abbott tuyên bố là
nước Úc mạnh mẽ phản đối bất cứ một hành động nào nhằm thay đổi nguyên
trạng ở Biển Đông. Phát biểu tại Singapore, ông Abbott thẳng thắn đề cập
đến dã tâm xâm chiếm Biển Đông của Trung Cộng khi ồ ạt bồi đắp càc hòn
đảo ở Trường Sa để xây dựng cứ điểm. Cần nhắc lại là trong hội nghị an
ninh Shangri-la vào đầu tháng này, bộ trưởng quốc phòng Úc cũng đánh
tiếng với Trung Cộng là nước Úc sẵn sàng sát cánh với Mỹ và các nước để
đối phó với sự bành trướng quân sự của Trung Cộng tại Biển Đông.
THỦ LÃNH PHONG TRÀO SINH VIÊN HỒNG KÔNG BỊ HÀNH HUNG TRÊN ĐƯỜNG PHỐ
Hoàng Chi Phong 18 tuổi, một thủ lãnh sinh viên nổi tiếng trong phong
trào xuống đường đòi dân chủ ở Hồng Kông, đã bị hành hung tại khu phố
Mong Kok vào đêm Chủ nhật vừa qua.
Cảnh sát cho biết là Hoàng Chi Phong đã bị thương ở mặt khi một thanh
niên lạ mặt tấn công anh và cô bạn gái trước một rạp xi nê ở khu phố
Mong Kok. Trước đó, người sinh viên họ Hoàng này đã nhiều lần lên án các
vụ đàn áp thô bạo giới đấu tranh dân chủ ở Hồng Kông. Anh Phong tuyên
bố là các nhà đấu tranh có thể bị tấn công bất cứ lúc nào chứ không phải
chờ đến khi có mặt trong các cuộc biểu tình. Và đó là điều mà anh lo
lắng về nền dân chủ tại Hồng Kông.
Cần nhắc lại là hai tuần trước đây, các nghị viện thuộc phe dân chủ
Hồng Kông đã bác bỏ dự luật cải tổ bầu cử do Bắc Kinh soạn thảo. Cho đến
hôm nay, Bắc Kinh vẫn chưa có phản ứng gì về chuyện này.
No comments:
Post a Comment