Thứ Bảy 27.06.2015
Kính thưa quý thính giả, Di chúc của một vị vua viết cách đây 730 năm, mãi đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Con dân Việt từ đời này qua đời khác đã thực hiện di chúc của ngài: "Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác". Ngài đã nhiều lần chiến thắng quân Nguyên – Mông, dựng lại ngọn cờ tự chủ cho dân tộc. Tên tuổi của ngài là niềm tự hào của con dân nước Việt. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Vua Trần Nhân Tông" của Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.
"Cối Kê cựu sự quân tu ký,
Hoan diễn do tồn thập vạn binh".
Tạm dịch:
"Cối Kê chuyện cũ ngươi nên nhớ,
Hoan Diễn đang còn chục vạn quân".
Hai câu thơ này do vua Trần Nhân Tông cho khắc lên chiến thuyền và
hai câu thơ sau đây do ngài viết khi ăn mừng chiến thắng Nguyên - Mông
lần thứ ba đã đi vào lịch sử dân tộc.
"Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã,
Sơn hà thiên cổ điện Kim lâu".
Nghĩa là:
"Xã tắc hai lần lao ngựa đá,
Non sông ngàn thuở vững ngai vàng".
Tên húy của vua Trần Nhân Tông là Trần Khâm sinh ngày 11 tháng 11 năm
Mậu Ngọ ( 7/12/1258). Ngài là con trưởng của vua Trần Thánh Tông. Mẹ là
Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng hậu
Năm 16 tuổi, ngài được lập làm Thái tử và năm 21 tuổi lên ngôi hoàng
đế. Ngài là vị hoàng đế thứ ba của nhà Trần trị vì 15 năm, sau đó truyền
ngôi cho Trần Anh Tông và lên làm Thái thượng hoàng.
Để chuẩn bị cho cuộc chiến chống quân xâm lược, nhà Trần tiến hành
xét duyệt sổ đinh, chuẩn bị lương thảo. Phong cho Hưng Đạo vương Trần
Quốc Tuấn làm Quốc công tiết chế, thống lãnh toàn quân, sai chọn các
tướng sĩ có tài chỉ huy nắm giữ các đơn vị chiến đấu. Khi ấy, Trần Quang
Khải có hiềm khích với Hưng Đạo vương, nhưng hai người dẹp bỏ thù riêng
cùng bàn kế sách đánh giặc Nguyên, nên kể từ đó tinh thần quân sĩ nhà
Trần lên cao. Nhờ vậy, các đợt tiến công của quân Nguyên - Mông vào năm
1285 và năm 1287 đều bị đập tan, nhiều tướng lãnh như Ô Mã Nhi, Lý Hằng
đều bị quân nhà Trần giết chết tại mặt trận.
Năm Kỷ Hợi (1299), ngài xuất gia tu hành ở cung Vũ Lâm (Ninh Bình),
đến Yên Tử lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy đạo hiệu là Điếu Ngư Giác
Hoàng. Ngài băng hà vào ngày 3 tháng 11 năm Mậu Thân (tức ngày
16/12/1308) tại am Ngọa Vân núi Yên Tử và được an táng ở Đức Lăng nay
thuộc tỉnh Thái Bình. Về sau, vua Trần Minh Tông dâng thụy hiệu là Pháp
Thiên Sùng Đạo Thánh Văn Thần Võ Nguyên Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế.
Ngài để lại các tác phẩm Trần Nhân Tông thi tập, Đại hương hải ấn thi
tập, Tăng già toái sự, Thạch thất mỵ ngữ. Riêng bộ Trung hưng thực lục,
do ngài sai văn thần biên soạn. Hiện nay chỉ còn tìm thấy 31 bài thơ,
một bài minh và một bài tán. Ngoài ra, trong sách Thiền tông bản hạnh
còn có hai bài văn Nôm biền ngẫu ghi tên ngài là tác giả.
Ngay sau khi dẹp yên giặc Nguyên - Mông, ngài cho giảm thuế và phát
chẩn cứu dân nghèo. Ngoài ra, ngài còn tích cực trong việc khôi phục các
công trình văn hóa đã bị giặc ngọai xâm hủy hoại, nhờ đó nước Đại Việt
hưng thịnh hơn xưa.
Trần Nhân Tông là vị hoàng đế có học vấn uyên thâm, là một triết gia,
đồng thời cũng là một thi sĩ và ngài được xem là một trong những vị vua
anh minh nhất trong sử Việt. Ngài lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và
trở thành vị tổ thứ nhất.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, sử gia thời Hậu Lê nhận định về ngài
như sau: "Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng
sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần. Song để tâm nơi
kinh Phật, tuy nói là để siêu thoát, nhưng đó không phải là đạo trung
dung của thánh nhân".
Phiên bản di chúc của ngài vẫn thường thấy ở các di tích đền chùa.
Càng đọc càng thấm thía lời dạy của bậc thánh nhân, hết lòng vì lợi ích
quốc gia, dân tộc.
"... Không thôn tính được ta, thì họ gặm nhấm đất đai của ta, lâu dần
họ sẽ biến giang sơn của ta từ tổ đại bàng thành cái tổ chim chích. Vì
vậy, các người phải nhớ lời ta dặn: Một tấc đất của tiền nhân để lại,
cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta để lại lời nhắn nhủ này như
một di chúc cho muôn đời con cháu".
Để tưởng nhớ người anh hùng dân tộc đã góp công lớn trong cuộc chiến
chống quân Nguyên - Mông xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập
dân tộc, con dân nước Việt đã tạc tượng và lập đền thờ ngài ở nhiều nơi.
Tượng vua Trần Nhân Tông là một trong những tượng lớn nhất Việt Nam
được đúc bằng đồng, cân nặng 138 tấn, cao 15 mét đặt trên đỉnh núi Yên
Tử - Quảng Ninh ở độ cao trên 900 m so với mặt nước biển.
Lịch sử là những bài học đầy xương máu mà con cháu về sau phải khắc
ghi trong tâm khảm, để nhớ ơn những người đã nằm xuống trong quá trình
dựng nước và giữ nước. Và cũng để căm hận những kẻ vì tư lợi đang tâm
dâng hiến cơ đồ của tiền nhân cho giặc phương Bắc như Trần Ích Tắc, Lê
Chiêu Thống... và gần đây là tập đoàn Cộng sản Việt Nam với chiêu bài
"16 chữ vàng" và "4 tốt" mà thực chất chỉ là chủ trương "mãi quốc cầu
vinh". Nếu ở vào thời vua Trần Nhân Tông thì tập đoàn lãnh đạo CSVN phải
bị tru di cửu tộc vì tội danh bán nước.
Việt Thái
No comments:
Post a Comment