THÂM THỦNG MẬU DỊCH VỚI TRUNG CỘNG LÊN ĐẾN 44 TỶ MỸ KIM VÀO NĂM 2014
Một đại biểu quốc hội VN vào hôm qua tuyên bố con số thâm thủng mậu
dịch với Trung Cộng vào năm ngoái là gần 44 tỷ Mỹ kim, tức gấp rưởi con
số chính thức mà hai nhà cầm quyền VN-TC loan báo trước đây.
Tiến sĩ kinh tế Mai Hữu Tín, một đại biểu của tỉnh Bình Dương, đã đưa
ra con số chấn động này. Ông Tín giải thích lý do của sự chênh lệch
khổng lồ này là vì có những giao dịch "chợ đen" giữa hai nước Việt –
Hoa. Vào năm ngoái, phía Trung Cộng thống kê là VN đã xuất cảng sang Hoa
Lục một lượng hàng hóa là 19 tỷ rưởi Mỹ kim, trong khi nhập về một
lượng hàng hóa lên đến 63 tỷ rưởi Mỹ kim, tức thâm thủng lên đến 44 tỷ
Mỹ kim, trong khi nhà cầm quyền VN lại tuyên bố là chỉ có 30 tỷ. Ông Tin
nhận định rằng, với lượng nhập cảng này, Trung Cộng chiếm đến 38%, tức
một phần ba hàng hóa mà VN phải nhập cảng từ thế giới.
Theo ông Tín thì phía Trung Cộng đã thống kê cả số lượng hàng hóa
xuất cảng lậu từ VN, đa số là khoáng sản. Ngược lại thì phía VN cũng
không nắm rõ số lượng hàng nhập lậu từ Trung Cộng, dẫn đến sự chênh lệch
về các con số nói trên. Ông Tín cảnh báo là mức thâm thủng này và nền
"kinh tế ngầm" đang đe dọa nặng nề đối với nền kinh tế VN.
MỘT SỐ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CÔNG KHAI CHỈ TRÍCH TRUNG CỘNG LẤN CHIẾM LÃNH HẢI VN
Trong buổi họp vào hôm qua, một số đại biểu đã mạnh mẽ phản đối việc
Trung Cộng ồ ạt xây dựng các đảo nhân tạo và đưa vũ khí hạng nặng đến
các hòn đảo mà họ xâm chiếm ở Trường Sa. Đại biểu Trần Quốc Tuấn tuyên
bố đây là hành động xâm lược và kêu gọi thế giới lên án Trung Cộng đang
ngang ngược thách thức cả thế giới.
Theo ông Tuấn thì các hành động xây dựng của Trung Cộng là nhằm khẳng
định chủ quyền đường lưỡi bò do họ tự vẽ ra trên Biển Đông. Trong khi
đó thì đại biểu Hà Sỹ Đồng tuyên bố các diễn biến hiện nay là một hiểm
họa khôn lường, ảnh hưởng đến tình hình tại VN. Cùng với hai đại biểu
nói trên, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa kêu gọi nhà nước VN phải tăng cường
thực lực trên biển để đối phó với quân Tàu xâm lược.
Cần nói thêm là quốc hội VN nhất quyết không đưa ra một tuyên bố nào
về tình hình Biển Đông trong phiên họp kỳ này, kể cả sau khi họp kín vào
cuối tuần qua để nghe báo cáo của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh. Vào hôm
qua, chiếc tàu thăm dò dầu khí Tân Hải của Trung Cộng đã tiến vào khu
vực Trường Sa do VN kiểm soát, cách hòn đảo Ba Bình khoảng 20 hải lý về
hướng đông bắc. Theo cục hải dương Trung Cộng thì chiếc tàu này đang
trên đường tiến vào vịnh Songla của Thái Lan vào ngày 10/6 tới đây.
PHILIPPINES NỘP CHO TÒA ÁN QUỐC TẾ TẤM BẢN ĐỒ BIỂN ĐÔNG CÁCH ĐÂY 3 THẾ KỶ
Trong tuần này, chính phủ Philippines sẽ chuyển cho tòa án trọng tài
quốc tế một tấm bản đồ được ấn bản cách đây 300 năm, trong đó ghi rõ bãi
đá ngầm Scarborough là thuộc chủ quyền của Phi Luật Tân với cái tên cổ
xưa là "Panacot" hay "Panatag".
Đây là tấm bản đồ có diện tích hơn 1 thước vuông, được in vào năm
1734 tại Manila. Tấm bản đồ này trở thành một vật rất quý hiếm vì thế
giới hiện chỉ có khoảng 50 bản sao của nó. Tấm bản đồ được bán đấu giá ở
London vào năm 2012, và một thương gia người Phi đã mua nó với giá 260
ngàn Mỹ kim vì biết rõ tầm quan trọng của nó đối với chủ quyền quốc gia.
Thương gia Mel Verlande cũng biết rõ chính phủ Phi rất muốn làm chủ tấm
bản đồ nhưng không có tiền, vì thế sau khi mua được, ông đã hiến tặng
cho viện Bảo tàng Quốc gia Phi.
Một thẩm phán thuộc Tối cao Pháp viện Phi cho biết đây là bản đồ gốc
của tất cả các bản đồ mà nước Phi đang có. Không chỉ vẽ các hòn đảo ở
Trường Sa, bản đồ này còn vẽ thêm một bản đồ nhỏ về hòn đảo Guam hiện
thuộc chủ quyền của nước Mỹ. Theo dự định thì vào ngày 12/6, tức ngày
quốc khánh của Phí, thương gia Verlande sẽ đích thân trao tấm bản đồ gốc
này cho Tổng thống Bengigno Aquino.
ĐÀI LOAN PHỦ NHẬN VIỆC TẬP TRẬN BẮN ĐẠN THẬT Ở ĐẢO BA BÌNH
Bộ tư lệnh hải quân Đài Loan đã cực lực phủ nhận các tin tức nói rằng
họ đã thực tập bắn đạn thật trên đảo Ba Bình, tức hòn đảo lớn nhất và
duy nhất mà Đài Loan xâm chiếm được ở quần đảo Trường Sa từ nhiều năm
trước.
Thông cáo của hải quân Đài Loan thừa nhận là họ có kế hoạch thực tập
bắn trọng pháo, nhưng cuối cùng hủy bỏ vì lý do thời tiết và một số
nguyên nhân khác. Giới chức hải quân Đài Loan cũng yêu cầu các hãng
thông tấn phải kiểm chứng rõ ràng trước khi loan tin để tránh làm thiệt
hại uy tín của quân đội nước này.
Cần nói thêm là với diện tích tự nhiên vào khoảng 50 mẫu, đảo Ba
Bình, mà Đài Loan gọi là Thái Bình, là hòn đảo lớn nhất của Trường Sa,
nhưng bây giờ thì nó thua xa các hòn đảo nhân tạo mà Trung Cộng bồi đắp,
điển hình như hòn Chữ Thập.
Trong một diễn biến khác có tính bất thường là vào hôm qua, chính phủ
Mã Lai mạnh mẽ phản đối việc một chiến hạm Trung Cộng đã xâm nhập vào
lãnh hải Mã Lai ở phía bắc Borneo. Đây là vùng biển không nằm trong
tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, vì thế thủ tướng Mã Lai tuyên bố là
ông sẽ trực tiếp gửi thư phản đối đến Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình.
Cần biết là Mã Lai lâu nay vẫn giữ im lặng, ít khi chỉ trích Trung Cộng
về tình hình Biển Đông.
THÊM DẤU HIỆU CHO THẤY NỀN KINH TẾ TRUNG CỘNG THỰC SỰ ĐÌNH TRỆ
Tổng số lượng nhập cảng và xuất cảng của Trung Cộng lại tiếp tục suy
giảm trong tháng 5, tức 7 tháng liên tiếp bị sụt giảm, cho thấy các
chính sách kích thích tăng trưởng của Bắc Kinh đã không mang lại hiệu
quả nào.
Theo số liệu chính thức mà Bắc Kinh công bố vào hôm qua thì mức nhập
cảng vào tháng 5 đã giảm gần 20% so với năm ngoái, tức gấp đôi tỷ lệ sụt
giảm mà các chuyên gia kinh tế dự đoán vào tháng qua. Chỉ trong lãnh
vực dầu thô, Trung Cộng chỉ nhập khoảng 5 triệu rưởi thùng dầu mỗi ngày
so với con số 7 triệu 7 ngàn thùng vào tháng Hai năm ngoái, mặc dù giá
dầu hiện nay ở dưới mức 60 Mỹ kim một thùng. Điều này cho thấy rõ là
guồng máy sản xuất của Trung Cộng đang khựng lại. Về lãnh vực xuất cảng
thì sau khi sụt giảm 6% vào tháng 4, tổng trị giá xuất cảng vào tháng 5
chỉ vào khoảng 191 tỷ Mỹ kim, tức giảm thêm 2.5 %.
Trong khi đó thì có thêm một con "hổ tham nhũng" vừa sa lưới Tập Cận
Bình vào hôm Chủ nhật. Vị đại quan tham này là ông Quế Hạo, phó chủ tịch
hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc tập đoàn Than đá của Trung Cộng.
NAM HÀN ĐÓNG CỬA 2 NGÀN TRƯỜNG HỌC ĐỂ CHẬN DỊCH BỆNH SIÊU VI MERS
Tổng thống Nam Hàn vào hôm qua ra lệnh cho bộ y tế nước này phải nỗ
lực chận đứng sự lây lan của dịch bệnh hô hấp cấp tính MERS, trong thời
hạn sớm nhất, và trước mắt là 2 ngàn trường học sẽ bị đóng cửa.
Vào hôm qua, bộ y tế Nam Hàn loan báo là có 6 người đã thiệt mạng vì
dịch bệnh MERS, tức hội chứng hô hấp cấp tính Trung Đông, và 87 người
khác đang nhiễm siêu vi này. Ngoài ra 2300 người khác đang bị cách lý để
theo dõi triệu chứng.
Theo chỉ thị mới nhất thì 2 ngàn trường học ở thủ đô Seoul và một số
vùng phụ cận bị đóng cửa, trong khi chờ đợi bộ y tế phối hợp tổ chức Y
tế Thế giới tìm ra biện pháp ngăn chận sự lan nhiễm của dịch này.
No comments:
Post a Comment