Thứ Tư, ngày 17.06.2015
Trong chế độ CSVN, công lý cần phải được xem là mục tiêu trọng yếu trong quan hệ giữa nhà nước và công dân. Nhưng có hay không có công lý cho người dân Việt trong thực trạng đất nước hiện nay? … Liên tục chương trình, trong tiết mục Chuyện Nước Non Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết của Gs. Nguyễn Văn Tuấn với tựa đề: “Công Lý Nhân Dân”, qua giọng đọc của Minh Nguyệt.
Hiếm thấy nơi nào trên thế giới mà hai chữ "nhân dân" xuất hiện dầy
đặc như ở VN, nhưng nhân dân lại là nạn nhân đông nhất. Vụ tuyên án tù
hai người thân của một em học sinh bị giết chết (1) là một ví dụ tiêu
biểu.
Nhân dân trở thành một uyển ngữ ở VN. Cái gì cũng mang danh nhân dân,
nhưng không thuộc nhân dân. Uỷ ban nhân dân, Bệnh viện nhân dân, hội
đồng nhân dân, quân đội nhân dân, công an nhân dân, báo Nhân dân, viện
kiểm sát nhân dân, toà án nhân dân, v.v. Tuy nói là "nhân dân", nhưng
người dân rất khó đến gần những nơi đó vì cổng kín tường cao. Trong thực
tế, những cơ quan gọi là "nhân dân" đó thật ra là của "đảng". Đảng
CSVN. Đảng sáng lập ra các cơ quan đó, và như là mặc định các cơ quan đó
phục vụ trước hết và trên hết cho đảng. Hai chữ "nhân dân" chỉ là sáo
ngữ hay bình phông mà thôi.
Riêng cái toà án nhân dân thì phải nói là "hành dân" mới đúng hơn.
Thật khó có thể tưởng tượng nổi các quan toà dựa vào lí lẽ nào mà tuyên
án 15 tháng tù cho 2 người thân của một em học sinh bị công an đánh
chết. Điều trớ trêu là những viên công an đánh chết em học sinh thì bị
phạt nhẹ hều: người thì 9 tháng tù treo, người thì 3 năm tù về tội "Cố ý
gây thương tích". Thật là hài hước: gây thương tích mà làm cho em học
sinh chết!? Đáng lí ra là "giết người" mới đúng chứ. Nhưng bản án dành
cho các viên công an đã bị hủy bỏ, trong khi đó thì thân nhân của em học
sinh bị kêu án tù nặng hơn cả hình phạt do Viện kiểm sát đề nghị.
Trước cái chết oan ức của người thân, người ta có quyền than khóc, có
quyền gào thét, thậm chí có quyền chửi. Được than khóc, được gào thét,
được chửi cũng là một hình thức giải toả những bức bối nội tâm. Đó chẳng
phải là gây rối trật tự gì cả, mà chỉ là phản ứng tự nhiên của những
người có lòng nhân. Chỉ có những kẻ mất cái nhân tính mới không hiểu nỗi
đau của đồng loại, nên mới tuyên án tù người ta. Có thể nói không ngoa
rằng chính những kẻ tuyên án đó thật sự có vấn đề về nhân tính.
Người dân đâu còn phương tiện nào để thể hiện sự bức xúc của mình. Họ
phải tụ tập, thậm chí biểu tình. Còn nhớ vụ Rodney King cách đây trên
20 năm (bên Mĩ). Anh chàng này có tiền án ăn cướp, hôm đó anh ta lái xe
quá tốc độ vì say rượu, bị cảnh sát Los Angeles rượt bắt. Khi bắt được,
cảnh sát đánh đá anh ta xem khá dã man. Một người dân quay được đoạn
cảnh sát đánh Rodney King và tung lên báo. Thế là lập tức người dân da
đen nổi loạn, đập phá các khu phố người da trắng, và đập luôn khu phố
người Hàn Quốc! Những cảnh sát đánh đập Rodney King bị phạt án tù 2 năm,
còn Thành phố LA thì đền cho King gần 4 triệu USD. Nhưng đó là ở Mĩ,
nơi công lí còn được tôn trọng. Còn ở VN, nạn nhân lại trở thành kẻ bị
phạt, và sự thật đó một lần nữa nói lên rằng VN có một nền công lí chẳng
giống ai. Hay là chúng ta nên đặt tên nền công lí đó là "công lí nhân
dân"?
Bản án [dành cho hai người thân của em học sinh bị công an giết chết]
chỉ có hiệu quả đầu độc thêm mối quan hệ giữa người dân và chính quyền
vốn đã căng thẳng. Nó (bản án đó) còn thể hiện rõ nét nhất thân phận của
kẻ bị trị và kẻ đang trị, biểu hiện sự mất bình đẳng giữa người dân thế
cô và người cầm quyền. Tuần vừa qua, trong cuộc thảo luận về sửa đổi Bộ
luật hình sự, một vị thiếu tướng quân đội, Phó Giám đốc Học viện Quốc
phòng, đã nói rằng "Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân
dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa" (2). Mượn cái ý đó,
chúng ta cũng có thể nói bản án đó còn là chứng từ rõ ràng nhất và
thuyết phục nhất rằng nền tư pháp ngày nay và một số quan toà "nhân dân"
còn tệ hơn cả thời chế độ thực dân Pháp. Thế mới thấy hai chữ "nhân
dân" trong biển hiệu "Toà án nhân dân" giống như là trêu chọc và thách
thức người dân.
GS Nguyễn Văn Tuấn
No comments:
Post a Comment