Thursday, June 18, 2015

Tin Tức thứ Năm 18.06.2015

THÊM MỘT TÀU CÁ QUẢNG NGÃI BỊ QUÂN TÀU CƯỚP BÓC Ở TRƯỜNG SA

Lại có thêm một chiếc tàu cá Quảng Ngãi bị quân Tàu tấn công cướp bóc ở vùng biển Hoàng Sa, với toàn bộ hải sản và ngư cụ bị mất trắng. Cần nhắc lại là vào tuần trước, hai chiếc tàu khác cũng ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, đã bị lũ giặc Tàu tấn công trên vùng biển này, cướp đi toàn bộ tài sản, thậm chí còn phun vòi rồng làm bị thương một số ngư dân Việt. Theo thông báo của ông Nguyễn Thanh Hùng, chủ tịch hội Nghề cá Bình Châu, vụ tấn công mới nhất diễn ra vào lúc 9 giờ sáng ngày 14/6, khi bọn hải tặc Trung Cộng áp sát tàu cá của ông Nguyễn Văn Quang, khống chế toàn bộ ngư dân trên tàu rồi cướp đoạt toàn bộ hải sản và ngư cụ có trị giá lên đến 15 ngàn Mỹ kim.
Trong khi đó thì báo chí lề đảng cho biết là một tàu cá khác của tỉnh Quảng Ngãi bị chìm ở vùng biển Trường Sa, nhưng may mắn là 32 ngư dân đã được các tàu đồng nghiệp gần đó cứu vớt kịp thời. Tuy nhiên giới hữu trách VN không dám nói rõ nguyên nhân tại sao tàu chìm. Cần nhắc lại là vào cuối tuần qua, một tàu cá VN cũng bị tàu mà giới truyền thông quốc doanh gọi là "tàu lạ" húc chìm trong khi đang đánh cá ở vùng biển này, khiến một người ngư dân thiệt mạng và ba người khác bị thương nặng.

CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở MỸ VẬN ĐỘNG CHO TỰ DO TÔN GIÁO VÀ NHÂN QUYỀN TẠI VN

Một số tổ chức người Việt ở Mỹ đã mở cuộc tổng vận động quốc hội Hoa Kỳ can thiệp cho quyền tự do tôn giáo và nhân quyền tại VN. Chiến dịch này sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 19 tháng này.
Mục đích chính của đợt vận động này là yêu cầu quốc hội và chính phủ Mỹ đưa ra điều kiện cải thiện nhân quyền trong các cuộc đàm phán về mậu dịch hay quốc phòng với bạo quyền VN, đặc biệt là nêu lên vấn đề này trong chuyến viếng thăm nước Mỹ của Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng.
Theo kế hoạch dự trù thì cuộc vận động này sẽ có 4 sinh hoạt chính thức. Sinh hoạt đầu tiên là buổi điều trần tại hạ viện Mỹ vào hôm qua. Sinh hoạt thứ nhì diễn ra vào hôm nay, với khoảng 800 người Việt đấu tranh đến từ nhiều quốc gia, trong đó có VN, sẽ tiếp xúc với hàng trăm chính khách Mỹ ở thủ đô Washington. Một điều đáng chú ý là có rất nhiều cựu chiến binh Mỹ tham chiến ở VN đã sát cánh với các phái đoàn người Việt trong sinh hoạt này. Vào ngày mai, một phái đoàn gồm nhiều đại diện tôn giáo của VN sẽ gặp gỡ Ủy hội Tôn giáo Hoa Kỳ và bộ ngoại giao Hoa Kỳ để đề nghị họ đưa VN vào danh sách các nước vi phạm trầm trọng về quyền tự do tôn giáo, tức danh sách CPC.
Trong các buổi tiếp xúc vào ngày mai, một nhân chứng người Việt là bà Đoàn Thị Hồng Anh, sẽ kể lại vụ đàn áp để cưỡng đoạt đất đai ở giáo xứ Cồn Dầu, mà chồng bà là ông Nguyễn Thành Nam bị bạo quyền Đà Nẵng tra tấn đến chết. Một nhân chứng khác là blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải cũng sẽ trình bày về các vụ vi phạm nhân quyền tại VN.

MỘT THƯƠNG GIA MỸ GỐC VIỆT BỊ BẮT GIAM Ở CÀ MAU VỀ TỘI ẤU DÂM

Vào hôm qua, công an thành phố Cà Mau đã bắt giam ông Tiêu Văn Luận, một người Mỹ gốc Việt đang làm chủ một khách sạn lớn nhất ở thành phố này, với cáo buộc "mua dâm trẻ em".
Theo tường thuật của công an thì vào đêm 16/6 vừa qua, khi ập vào nhà trọ Thanh Tuyền thì họ bắt quả tang ông Tiêu Văn Luận đang ở với một thiếu nữ 14 tuổi. Vào hôm qua, công an cũng bắt giam người môi giới mãi dâm và chính thức truy tố vụ án mà họ gọi là "mua dâm trẻ vị thanh niên" và "môi giới mãi dâm".
Cần nói thêm là ông Luận về VN đầu tư vào năm 2005, và xây dựng khách sạn mang tên Best, được xem là khách sạn lớn nhất thành phố Cà Mau. Vào cuối năm ngoái, ông Luận được báo chí trong nước ca tụng rầm rộ khi sản xuất hàng loại căn nhà di động.

HOA KỲ CHỈ TRÍCH VIỆC TRUNG CỘNG XÂY CỨ ĐIỂM QUÂN SỰ Ở BIỂN ĐÔNG

Vào hôm qua bạo quyền Trung Cộng đã công bố một số hình ảnh các cơ sở hạ tầng dân sự mà họ đang xây dựng ở Biển Đông, nhưng chính phủ Hoa Kỳ vẫn mạnh mẽ phản đối vì các nhiều chứng cớ cho thấy là Trung Cộng đang biến các hòn đảo ở Trường Sa thành những cứ điểm quân sự để kiểm soát Biển Đông.
Bộ ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố là việc Trung Cộng loan báo ngưng bồi đắp đảo, nhưng tiếp tục xây dựng các công trình như phi đạo và bến cảng, đã không giúp hạ giảm tình hình căng thẳng ở Biển Đông mà chỉ nhằm nhấn mạnh chủ quyền của Trung Cộng ở vùng biển này. Ngay trong thông cáo đưa ra, Trung Cộng cũng không che giấu ý định xây dựng các cơ sở quân sự khiến thế giới càng tin rằng một cuộc đụng độ bằng vũ lực phải xảy ra giữa Trung Cộng và các nước như Mỹ, Nhật, Phi.
Trong một diễn biến khác liên quan đến quần đảo Trường Sa mà nhiều nước đang tranh chấp về chủ quyền thì chính phủ Philippines cho biết họ đang soạn thảo một thỏa ước hợp tác đánh bắt hải sản tại vùng biển này. Thỏa ước này không ấn định biên giới rõ rệt nhưng có những hướng dẫn cụ thể để tránh trường hợp giới ngư dân hay hải quân hai nước va chạm nhau trên biển. Cần nhắc lại là vào tháng trước, lực lượng tuần duyên Phi và Đài Loan đã nghênh chiến nhau suốt 4 tiếng đồng hồ khi lực lượng Phi bắt giữ một tàu cá Đài Loan.

ÂN XÁ QUỐC TẾ LÊN ÁN NHÀ CẦM QUYỀN MIẾN ĐIỆN ĐÀN ÁP GIỚI BÁO CHÍ

Trong phúc trình công bố vào hôm qua ở Luân Đôn, tổ chức Ân xá Quốc tế tố cáo nhà cầm quyền Miến Điện đã tiếp tục đàn áp báo chí bằng nhiều thủ đoạn, từ đe dọa cho đến hành hung và bỏ tù những nhà báo chỉ trích nhà nước.
Phúc trình nêu tên tuổi 10 nhà báo bị Miến Điện tống giam vào năm qua, chỉ vì đã viết và phổ biến những bài báo chỉ trích các chính sách của nhà nước. Theo Ân xá Quốc tế, thì các vụ này cho thấy là nhà cầm quyền Miến Điện không thật tâm muốn cải tổ chính trị và càng gần ngày tuyển cử quốc hội thì lại càng mạnh tay đàn áp giới báo chí tư nhân. Ngay lập tức bộ trưởng thông tin Miến Điện bác bỏ các tố cáo của tổ chức Ân xá Quốc tế và tuyên bố là quyền tự do báo chí phải đi kèm với trách nhiệm phụng sự quốc gia và phải có đạo đức nghề nghiệp.

BẮC HÀN ĐANG BỊ HẠN HÁN NẶNG NỀ NHẤT KỂ TỪ 100 NĂM QUA

Giới truyền thông Bắc Hàn loan tin là nước này đang trực diện với cơn hạn hán nghiêm trọng nhất kể từ 100 năm qua. Đây là một công bố có tính bất thường, lý do là bất chấp hàng trăm ngàn người dân chết vì đói khát trong thập niên 1990, bạo quyền cộng sản Bắc Hàn không hề xác nhận các vụ hạn hán này.
Tình trạng hạn hán được loan tin cùng lúc với việc Bắc Hàn phóng thích hai công dân Nam Hàn, cho thấy bạo quyền Bắc Hàn muốn có lại sự viện trợ lương thực từ Nam Hàn. Sau trận đói vào thập niên 1990, Bắc Hàn đã thử nghiệm việc trả lại đất đai cho nông dân để canh tác và sản lượng lương thực gia tăng thấy rõ. Nhưng nếu mức độ hạn hán thật sự trầm trọng như bạo quyền vừa loan báo thì người dân Bắc Hàn đang trực diện với một trận đói khốc liệt nữa.
 

No comments:

Post a Comment