Thứ Hai, ngày 29.06.2015
Quý thính giả thân mến, trong một xã hội mà các công dân bị tước đoạt quyền bày tỏ ý kiến xây dựng quốc gia trong đó có luật pháp hiện hành, thì việc họ quay lưng lại với pháp luật là điều tất nhiên, đó cũng là cách biểu lộ sự phản đối luật rừng của người bị trị. Để tiếp nối chương trình hôm nay, qua Chuyên mục Chuyện Chỉ Có Ở VN, đài ĐLSN mời quý thính giả theo dõi bài viết “Sự kỳ quặc của một đạo luật” của Việt Anh sẽ được Mỹ Linh trình bày sau đây
Ngày 20/6/2012, tại kỳ họp thứ 3 quốc hội nước CHXHCN Việt nam khóa
13 đã thông qua luật: "phổ biến, giáo dục pháp luật". Theo luật này, tại
điều 1 nói về phạm vi điều chỉnh, theo đó quy định: "Trách nhiệm của
công dân trong việc tìm hiểu, học tập pháp luật; trách nhiệm của cơ
quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công
tác phổ biến, giáo dục pháp luật". Cụ thể tại điều 2 quy định: "Công
dân có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật"; Điều 3 : " phổ
biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị,
trong đó nhà nước giữ vai trò nòng cốt, nhà nước bảo đảm các nguồn lực
cần thiết cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật". Điều 5: " Việc phổ
biến, giáo dục pháp luật phải bảo đảm kịp thời, thường xuyên, đa dạng
hóa các hình thức phổ biến, phù hợp với từng lứa tuổi, trình độ của từng
đối tượng". Điều 6: Quản lý nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật: " Bộ Tư pháp có trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác phổ
biến, giáo dục pháp luật; các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm phối
hợp với bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về công tác phổ biến, giáo
dục pháp luật; Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiêm quản lý nhà nước
về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương mình". Nội dung
quản lý nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bao gồm: " Xây
dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về công tác phổ biến, giáo
dục pháp luât; chỉ đạo hướng dẫn các tổ chức thực hiện công tác phổ
biến, giáo dục pháp luật; bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ về công tác phổ
biến giáo dục pháp luật; kiểm tra xử lý về công tác phổ biến giáo dục
pháp luật." Điều 7: " Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật được thành
lập ở trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc TU cho đến cấp huyện,
quận, thị xã trong cả nước". Nội dung và mục đích việc phổ biến giáo dục
pháp luật: " Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho mọi công dân
có ý thức biết tôn trọng và chấp hành pháp luật". Điều 40: " luật này có
hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2013".
Trong phiên họp quốc hội thảo luận về đạo luật này, phó chủ tịch quốc
hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tuyên bố: Đây là một đạo luật rất hay mà chỉ
có ở Việt nam ta mới có, luật làm ra nhưng không có người đọc, nghiên
cứu, tìm hiểu, tức là luật vẫn chỉ là luật, luật không đi vào cuộc sống,
dẫn đến việc thực thi pháp luật bị hạn chế. Nên phải có một đạo luật để
điều chỉnh, tức là luật bắt buộc mọi công dân phải có trách nhiệm tìm
hiểu, nghiên cứu và chấp hành luật.
Câu hỏi đặt ra là tại sao nhà nước cộng sản Việt nam cho ra lò về đạo
luật kỳ quặc này? Để trả lời câu hỏi này, trước hết hãy xem xét về hoàn
cảnh ra đời của nó.Từ nhiều năm nay quốc hội Việt nam đã phải chạy theo
thời gian sản xuất hàng loạt các đạo luật. Việc xúc tiến làm luật một
cách tràn lan đã làm cho xã hội nước ta bội thực về luật, nhiều đạo luật
ra đời chưa kịp tổ chức khai triển, luật mới đã lại ra đời, làm ứ
đọng trong việc tiêu hóa luật. Giải thích vấn đề này, giới chức trách
nhà nước cộng sản Việt nam phân bua rằng: "Do hệ thống pháp luật Việt
nam chưa hoàn chỉnh, vừa thiếu, vừa yếu nên việc quản lý, điều hành đất
nước gặp nhiều khó khăn, việc đồng loạt cho ra nhiều luật là một đòi hỏi
khách quan nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của đất nước".
Cách làm luật của Việt nam theo kiểu đơn đặt hàng, chạy theo số
lượng, nên các bộ liên quan bởi luật điều chỉnh được chính phủ giao soạn
thảo đã vội vàng cho ra mắt để kịp đáp ứng sự đòi hỏi của cấp trên, vì
thế nội dung của các đạo luật thường mang tính sơ sài, xa rời thực tế
cuộc sống và kết quả của nó là nhận được thái độ dửng dưng của xã hội.
Trước thực trạng đó giới cầm quyền Hà Nội đã chạnh lòng, phật ý với nhân
dân nên nảy sinh ra sáng kiến ban hành luật bắt mọi công dân phải có
trách nhiệm đọc, tìm hiểu pháp luật.
Với thể chế chính trị độc tài đảng trị nên luật pháp Việt nam không
phải là công cụ duy nhất để điều chỉnh xã hội mà còn bị tác động bởi
các chủ trương, chính sách, nghị quyết của đảng cộng sản.Trong mối quan
hệ giữa công dân với chính quyền nhà nước, với tư cách là kẻ cai trị,
việc vận dụng các điều luật để điều chỉnh thường mang tính chủ quan, suy
diễn, áp đặt cho người bị cai trị mà dân gian thường gọi là "luật
rừng". Cách hành xử của các nhà chức trách thực thi pháp luật của nhà
nước cộng sản Việt Nam đã tạo ra sự bất bình trong xã hội, thiếu lòng
tin vào nhà nước, vào hệ thống pháp luật hiện hành. Từ đó người dân
thiếu ý thức tôn trọng pháp luật, thờ ơ trong việc tìm hiểu, nghiên cứu,
học tập pháp luật hay nói cách khác, theo giới chức trách cộng sản Việt
nam gọi là "pháp luật không đi vào cuộc sống".
Phàm những thứ không phải của mình, không phải mình làm ra, những thứ
đó người ta thường không quý trọng, không mấy quan tâm. Nhà nước cộng
sản Việt nam thực tế không do người dân lập ra, người dân không có quyền
lựa chọn người đại diện cho chính mình, người dân bỏ phiếu cho những
người do đảng cử, những người này tự định ra pháp luật để bảo vệ chế độ,
bảo vệ đảng nên việc người dân không quan tâm với pháp luật là điều tất
yếu, dễ hiểu.
Ở Việt nam những thứ gì mà nhà nước không quản lý nổi thì ra lệnh
cấm, những gì mà bảo dân không nghe thì ra luật bắt buộc. Pháp luật là
vấn đề thiết thực trong cuộc sống vì nó là công cụ chủ yếu để điều chỉnh
hành vi con người. Ý thức của công dân đối với pháp luật là thước đo,
là hình ảnh trung thực của lòng dân đối với chế độ. Việc ra luật để bắt
buộc công dân phải học, phải tìm hiểu pháp luật là việc làm miễn cưỡng
mà giới cầm quyền cộng sản biết rất rõ, song cực chẳng đã vẫn phải gượng
gạo tạo ra nó để đối phó với vấn nạn người dân quay lưng lại với luật
pháp. Chuyện chỉ có ở Việt nam.
Việt Anh
No comments:
Post a Comment