Thứ Ba, 30.06.2015
Lịch sử nhân loại đã chứng minh sự phát triển và thăng hoa kinh tế tỷ lệ thuận với mức độ phát triển dân chủ trong một quốc gia. Những quốc gia bị độc tài thống trị thường lạc hậu về kinh tế. Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: “Bất Công Xã Hội Cản Trở Kinh Tế” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Ðọc trên một tờ báo trong nước: "Cầm trên tay hóa đơn tiền điện Tháng
Năm 2015, một phụ nữ 35 tuổi, ở quận Ðống Ða, thành phố Hà Nội tính
toán: "Bình thường mỗi tháng nhà tôi chỉ trả khoảng 400 ngàn đồng, tháng
này vọt lên hơn 1.8 triệu đồng. Không hiểu ngành điện họ có tính sai
không?"
Giá điện tăng vọt làm cả nước choáng váng. Nhưng đối với các "vương
tôn, công tử" thì con số một, hai triệu đồng không đáng để lo nghĩ. Năm
ngoái, trên các trang mạng đã sôi nổi khi mấy cậu ấm đưa lên mạng cho bà
con đọc hóa đơn các bữa ăn chơi của mình. Một cậu chi 182 triệu trong
một đêm, trong đó có 161 triệu tiền mua sáu chai rượu (tương đương hơn
7,000 đô la Mỹ). Một "thiếu gia" khác chi 218 triệu trong một đêm ăn
chơi, trong đó có ba chai rượu ngoại quốc, mỗi chai 65 triệu đồng Việt
Nam, gần 3,000 đô la một chai. Một đại gia thứ dữ, chi 400 triệu đồng,
với bốn chai rượu mỗi chai 90 triệu, hơn 4,000 đô la.
Một công dân mạng nhận xét: Họ ăn chơi một đêm bằng mình làm việc
mười năm, dành dụm không ăn uống gì cả! Một chai rượu của họ, mình đi
làm vài năm mới mua được. Không biết những người này kiếm được bao nhiêu
tiền một ngày!
Trong xã hội, cảnh bất công biểu lộ dưới hai hình thức: Bất công về
lợi tức và bất công về tài sản. Hai loại bất công này ảnh hưởng hỗ tương
với nhau. Người có sẵn tài sản lớn thì dễ kiếm được lợi tức cao. Ở
những nước dân chủ tự do, hiện tượng trên vẫn diễn ra. Cho nên, người ta
đặt ra những thứ luật lệ để giảm bớt tình trạng bất công này. Thí dụ,
đánh thuế trên các di sản lớn để con cháu những người giầu có không
chiếm ưu thế hưởng lợi tức cao mãi mãi hơn các gia đình nghèo. Một biện
pháp thịnh hành nhất là đánh thuế người giầu cao hơn người kiếm ra ít
tiền. Một người ở Mỹ kiếm nửa triệu mỗi năm có thể phải đóng thuế 39%,
còn những người lợi tức khoảng 20,000 đô la thường không phải đóng thuế.
Tại các nước Châu Âu, nhất là ở phía Bắc, những người lợi tức cao còn
phải đóng suất thuế lên tới 80%, 90%; mà đó cũng là những nước có lợi
tức bình quân cao nhất thế giới.
Nhưng bất công xã hội còn là một nguyên nhân gây cản trở khiến cho
kinh tế khó phát triển. Khi kinh tế không phát triển đúng theo tiềm năng
đáng lẽ phải đạt được, thì không phải chỉ người nghèo phải chịu, mà tất
cả mọi người đều bị thiệt thòi. Nếu xã hội công bằng hơn, thì tài sản
chung của quốc gia sẽ cao hơn, mọi người được chia phần cùng hưởng,
trong đó có giới trung lưu.
Chúng ta thử tưởng tượng lợi tức một nước là 100 đồng, gọi là GDP,
tổng sản lượng nội địa. Trong một xã hội hoàn toàn công bằng, số tiền đó
được chia đều, thí dụ 50 người dân mỗi người 2 đồng. Với lợi tức đó,
mỗi người sẽ chi tiêu một đồng rưỡi, tổng số tiêu thụ của cả nước sẽ là
75 đồng, 75% tổng số lợi tức quốc gia.
Nếu xã hội bất công, chúng ta có cảnh 100 đồng được chia cho 40 người
dân nghèo mỗi người một đồng, còn 10 người giàu có được lợi tức 60
đồng. Ðám dân nghèo sẽ dùng hết lợi tức vào việc tiêu thụ, tất cả 40
đồng. Còn 10 người giầu có, dù tiêu sài xa xỉ mỗi người cũng chỉ dùng
tới 2 đồng thôi, tổng cộng 20 đồng. Như vậy thì tổng số tiêu thụ đã giảm
xuống chỉ cò 60 đồng, 60% của tổng số GDP. Nếu xã hội bất công hơn, tập
trung lợi tức vào 5 người, hoặc 2 người, thì tổng số tiêu thụ còn thấp
hơn nữa.
Nhà cầm quyền Trung cộng hiện nay đang cố thoát khỏi cảnh trì trệ
bằng cách thúc đẩy người dân tiêu thụ nhiều hơn. Hiện nay tỷ lệ tiêu thụ
trong nước Trung Hoa chỉ chiếm 40% tổng sản lượng nội địa; Nhà cầm
quyền muốn con số đó tăng lên. Trong khi đó, dân Mỹ không cần chính
quyền khuyến khích vẫn dùng 70% GDP trong việc tiêu thụ.
Nhưng ngay trong việc kích thích tiêu thụ ở Trung cộng, người ta cũng
thấy ngay một chướng ngại, là tình trạng bất công xã hội. Chính những
người đang được hưởng lợi nhờ cơ cấu bất công trở thành một lực lượng
bảo thủ rất kiên cố, họ chống lại các biện pháp cải cách. Khi cơ cấu
kinh tế không thay đổi nhanh, các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm ưu thế
dù khả năng sinh lợi kém cỏi hoặc không hề sinh lợi, thì năng suất
chung của cả nền kinh tế không lên cao được.
Bất công xã hội cản trở việc phát triển kinh tế, chúng ta thấy rõ
nhất khi thấy trong lịch sử các cuộc cách mạng dân chủ giúp cho các nền
kinh tế nghèo cất cánh. Vì chế độ dân chủ bảo đảm việc thiết lập công
bằng xã hội dễ dàng, nhanh chóng và bền vững hơn.
Sau cuộc cách mạng ở Mỹ, người dân đã xóa bỏ những đặc quyền của giai
cấp thượng lưu, thiết lập những quyền tự do căn bản cho mọi người dân,
chính quyền chịu trách nhiệm với dân chúng, nhờ thế việc phân chia lợi
tức công bằng hơn. Ðó là nguyên nhân chính giúp cho kinh tế nước Mỹ phát
triển.
Một thí dụ hiển nhiên ai cũng thấy là khi so sánh Bắc Hàn với Nam
Hàn. Cùng một dân tộc, cùng một địa thế, cùng một thời gian, Nam Hàn đã
tiến bộ vượt bực. Các tác giả trên còn nêu thí dụ hai thị xã cùng mang
tên Nogales, nằm hai bên biên giới, một thuộc tiểu bang Sonora, Mexico
và một thuộc tiểu bang Arizona, Mỹ. Tình trạng giầu nghèo của dân chúng
hai nơi khác nhau chỉ có thể giải thích được là do chế độ chính trị ở Mỹ
dân chủ hơn, cho nên xã hội công bằng hơn.
Trong các bài nghiên cứu khác, Daron Acemoglu còn nhấn mạnh rằng khi
một chính quyền không dân chủ đưa ra những biện pháp giảm bất công xã
hội, thì hành động đó cũng không dẫn tới tiến bộ kinh tế bền vững. Chỉ
khi nào thể chế chính trị được thay đổi thì công bằng xã hội mới có, nhờ
thế kinh tế sẽ phát triển bền vững hơn.
Nếu biết suy nghĩ thì chính các "đại gia" ở Trung Quốc và ở Việt Nam
phải thấy rằng chính họ cần góp phần vào việc thay đổi thể chế chính
trị. Bởi vì khi người dân được tự do, xã hội công bằng hơn, thì chính
con cháu họ sau này sẽ được hưởng, nhờ kinh tế phát triển tốt hơn. Ngược
lại, tình trạng bất công sẽ kềm hãm kinh tế, làm tất cả cùng nghèo. Nếu
ngày nay họ được hưởng 1% của lợi tức chung 100 đồng, thì họ cũng chỉ
có một đồng. Khi kinh tế phát triển GDP lên thành 1,000 đồng, thì dù chỉ
hưởng 0.5% họ vẫn được 5 đồng! Muốn xã hội công bằng để kinh tế phát
triển, phải dân chủ hóa.
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment