Thứ Hai, ngày 08.06.2015
Thành phần sinh viên ra trường mỗi
năm quá nhiều nhưng chạy đua tìm được việc làm lại là một vấn nạn quá
lớn. Trong tiếc mục "Chuyện Chỉ Có Ở Việt Nam" hôm nay, mời quý thính
giả theo dõi bài viết " của Song Toàn sẽ được Tâm Anh trình bày để tiếp
nối chương trình phát thanh tối hôm nay
Theo bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam của bộ lao động
thương binh- xã hội số 1, quý 1/2014, công bố: Năm 2013, cả nước có hơn
72.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp, cao gấp 1,7 lần so với năm 2012.
Theo báo cáo, tỷ lệ thất nghiệp cao rơi vào nhóm người có trình độ
chuyên môn cao. Trong đó thanh niên từ 20 đến 24 tuổi, tốt nghiệp cao
đẳng và đại học chiếm 20,75 %. Riêng tại thành phố Hà nội có khoảng
2,7 triệu thanh niên thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành
thị trong cả nước năm 2014 là 4,5%. Năm 2014 chỉ có 35.869 học sinh học
nghề trung cấp chuyên nghiệp, một con số quá ít ỏi so với nhu cầu thực
tế, có nhiều trường không tuyển được học sinh nào. Nhiều cử nhân, thậm
chí thạc sỹ ra trường không xin được việc làm phù hợp với chuyên môn,
ngành nghề đã học, buộc phải giấu bằng đại học, thạc sỹ , quay trở lại
học nghề để đi làm công nhân, lao động phổ thông.
Trong báo cáo của bộ giáo dục và đào tạo tại phiên họp thảo luận
của chính phủ vào cuối tháng 4/ 2015 về việc thực hiện luật giáo dục
đại học và vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đã đưa ra
con số biết nói: thành phần trình độ đại học, cao đẳng thất nghiệp
năm 2014 so với năm 2010 tăng 103%, trong 3 năm số sinh viên ra trường
không có việc làm tăng nửa triệu.
Các nhà quản lý cộng sản Việt Nam đã đưa ra hàng loạt nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đó là:
-Công tác phân chia không hiệu quả. Các trường dạy nghề do hai
cơ quan song hành quản ly là bộ lao động- thương binh – xã hội và bộ
giáo dục và đào tạo, dẫn đến nhiều khó khăn và trở ngại
-Phần lớn học sinh bậc trung học, đại học, cao đẳng ,không mặn mà với
việc học nghề, nên các trường dạy nghề khó khăn tuyển sinh.
-Nhiều trường đại học, cao đẳng mọc lên như nấm. Hình thức, sự quy
mô, số lượng và chỉ tiêu cũng không ngừng gia tăng và có sự cạnh tranh
tối đa để thu hút học sinh vào trường mình.
-Việc đào tạo không tính đến nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, của xã hội.
-Công tác quy hoạch, dự báo, quản lý nguồn nhân lực của nhà nước còn lỏng lẻo, không có kế hoạch rõ ràng
-Kinh tế khó khăn, hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, quy mô sản xuất của nền kinh tế đất nước còn nhỏ bé.
- Tâm lý người Việt trọng bằng cấp, thích làm thầy, làm cán bộ để có thu nhập ổn định hơn...
Những nguyên nhân trên của nhà đương cục cộng sản Việt nam đưa ra,
khách quan mà nói thì không sai, song nó chỉ là phiến diện, không phản
ảnh được đúng bản chất của vấn đề, họ đã cố tình tránh né nêu lên
nguyên nhân chính, đó chính là bản chất của chế độ cộng sản, nó tác
động và chi phối toàn bộ đời sống xã hội Việt nam.
Trước hết hãy bàn đến vì sao một đất nước đang ở tình trạng kém phát
triển mà thiếu thợ trầm trọng? Có thể nói nguyên nhân chính là do thái
độ phân biệt đối xử của giới cầm quyền cộng sản Việt nam, nó thể hiện
sự coi thường đối với người công nhân lao động, họ không được giới chức
cộng sản tôn trọng đúng mức và theo đó là xã hội nhìn họ với con mắt
khinh rẻ. Các chính sách, chế độ đãi ngộ hiện hành đã làm thui chột
khả năng của đội ngũ công nhân lành nghề ở nước ta, họ không thể sống
nổi với mức lương căn bản của nhà nước quy định. Trong khi họ ít có cơ
hội được thăng tiến, lại càng không có cơ hội để tham nhũng, vơ vét làm
giàu cá nhân.Vì vậy giới trẻ ở Việt nam hiện nay với cách sống thực tế
nên đã quay lưng, nếu không muốn nói là đoạn tuyệt với việc học nghề.
Tại sao đầy dẫy những cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp? Trước hết phải
khẳng định lỗi không phải tại họ, mà thủ phạm chính là do thể chế của
chế độ tạo ra. Một tâm lý chung rất phổ biến trong xã hội hiện nay là
phấn đấu được vào biên chế nhà nước. Một tâm lý chỉ riêng có trong chế
độ cộng sản bởi vì ở đó sẽ có những đặc tính ổn định lâu dài, thu nhập
ổn định, có cơ hội thăng tiến, có thời cơ làm giàu cá nhân, có điều kiện
giúp đỡ người thân, gia đình, dòng tộc, có chỗ dựa và tương lai cho con
cháu về sau...Hình ảnh những cán bộ cộng sản Việt nam giàu lên một cách
nhanh chóng đã tác động lớn đến giới trẻ Việt nam. Mọi người, mọi nhà,
mọi dòng tộc đều muốn mình, con em mình trở thành những cử nhân, thạc sỹ
để có cơ hội nhảy vào các cơ quan nhà nước vì khi vào đó không những
được hưởng những đặc quyền, đặc lợi của đảng, nhà nước ban cho mà còn là
niềm tự hào,vinh dự đối với xã hội. Cuộc chạy đua làm thầy, làm cán bộ
ngày càng quyết liệt, nhiều gia đình phải bán hoặc thế chấp tài sản duy
nhất của mình để đầu tư cho con em mình kiếm bằng được tấm bằng đại học
để có cơ may trở thành những viên chức nhà nước.
Có cầu ắt có cung, ngành nào cũng mở trường đại học, học viện. Địa
phương nào cũng có nhiều trường cao đẳng, đại học với nhiều thể thức
đào tạo khác nhau: chính quy, tại chức, từ xa và đó là nguồn thu nhập
không hề nhỏ đối với các nhà lãnh đạo của các bộ, ngành, trung ương, địa
phương. Hàng năm một con số khổng lồ của giới sinh viên ra trường, và
cuộc chiến chạy đua tìm việc làm càng nóng lên, các cuộc cầu cạnh của
người xin việc đối với những nhà chức trách rộ lên, những kẻ nắm quyền
chức có cơ hội thao túng, lũng đoạn xã hội, làm giàu bất chính.
Không thể nói rằng giới cầm quyền cộng sản Việt nam không nhận ra
điều đó, biết mà vẫn làm, vì đây là lợi ích, là cơ hội để gặt hái nên dù
có phương hại đến lợi ích quốc gia, lãng phí đến tiền bạc của nhân dân
nhưng họ vẫn làm. Và đây là một trong những sân chơi điển hình mang đầy
tính đặc quyền trong xã hội Việt nam ngày nay, nó sẽ tiếp tục được duy
trì và phát triển vì ở đó có nguồn dinh dưỡng dồi dào tiếp tế cho các
giới chức cộng sản.
Một đất nước đang cần nâng cao năng suất lao động, đang cần nhiều sản
phẩm quốc nội có chất lượng để cạnh tranh, đang cần sự khẳng định vị
thế của dân tộc trong thời cuộc hội nhập mà nguồn nhân lực của đất nước
đang thừa thầy, thiếu thợ là mối hiểm họa cho dân tộc. Chuyện chỉ có ở
Việt nam.
Song Toàn
No comments:
Post a Comment