Thứ Sáu, ngày 26.06.2015
Vấn đề cải cách giáo dục tại Việt Nam đã được nói đến từ nhiều năm qua, nhưng càng cải cách thì lại càng lộ ra những khuyết điểm mới. Chuyện cải cách giáo dục đang là đề tài nóng trước đại hội 12 của đảng CSVN. Mời quý thính giả theo dõi Quan Điểm của LLDTCNTQ về một nền giáo dục tương lai của Việt Nam qua sự trình bày của Hải Nguyên để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Thưa quí thính giả,
Dù giải thích hay định nghĩa cách nào đi nữa, cũng phải thừa nhận
rằng mục đích chính của giáo dục là xây dựng con người, giúp con người
trở nên hoàn hảo hơn. Khi mỗi cá nhân nên tốt hơn, thì cộng đồng xã hội
sẽ tốt hơn. Như vậy xã hội tốt là hoa trái của nền giáo dục thành công.
Nhìn vào xã hội để đánh giá thành quả của giáo dục là cách lượng giá rất
thực tiễn và phổ quát. Ta có thể nói ngắn gọn rằng giáo dục để nâng cao
tri thức của người dân trong một quốc gia. Ở đây chúng tôi chỉ nói đến
những khái niệm phổ quát mà ai cũng thấy, cũng hiểu được.
Nhìn vào xã hội Việt Nam hôm nay, từ người dân thường đến những nhà
giáo dục, đều tỏ ra lo âu cho tương lai các thế hệ con cháu mình, đang
phải sống trong một giai đoạn mà nền giáo dục hầu như bất định, mất
phương hướng. Sự lo âu này được phản ảnh trên khắp ngõ ngách của quốc
gia, và trên các hệ thống truyền thông đại chúng, cũng nhưtrong các cơ
quan chuyên ngành; đâu đâu cũng thấy những bài phân tích rất tỷ mỷ, rất
công phu; nhưng điều lạ lùng là những góp ý ấy lại không thấy đem ra áp
dụng.
Câu hỏi đặt ra hôm nay là chúng ta đang chờ đợi điều gì để việc cải cách giáo dục được áp dụng?
Nói đến cải cách giáo dục, chúng ta hãy gác qua một bên những lần cải
cách trong quá khứ, đặc biệt là vào các năm 1950, 1956, 1980. Hãy xem
đó là giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn do chiến tranh và hậu quả
của chiến tranh. Nhưng tính từ 1980 đến lần cải cách gần nhất là năm
2000, trong hai thập niên ấy, thời gian quá đủ để các nhà giáo dục nhận
ra những yếu kém và bế tắc, nhưng lần cải cách này đã không đi xa hơn
một bước nào, mà chỉ là những chắp vá vụn vặt, nên đây là một bước thụt
lùi nghiêm trọng.
Đến nay 2015 các nhà làm chính sách giáo dục nước ta chẳng những đã
không rút tỉa được kinh nghiệm gì từ những thất bại của mấy thập niên
qua, mà vẫn thụ động chạy theo một cách vô định.
Sự thất bại của nền giao dục Việt Nam được phản ảnh dưới nhiều dạng
khác nhau. Dạng dễ nhận diệnnhất là thành phần tốt nghiệp đại học, khi
ra trường mà không có việc làm, phải đi bán vé số sống qua ngày, hay
phải làm những việc không liên hệ gì đến chương trình đã học. Điều này
cho thấy định hướng giáo dục thiếu thực tế đối với một quốc gia chậm
tiến đang cần một đội ngũ thích hợp để phát triển.
Một dạng thất bại rất phổ thông hiện nay, mà ai cũng nhận ra và than
phiền, đó là đạo đức xuống cấp trầm trọng nơi thanh thiếu niên nam nữ
tuổi học trò. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi căn bản, chắc chắn không thể
đổ tội cho hệ quả của chiến tranh được nữa. Vậy trách nhiệm thuộc về
ai? Tại thầy cô không làm tròn phận sự, hay không là mô phạm, là mẫu
gương để con em học theo? Tại gia đình không biết giáo dục con? Tại
trường lớp không tạo được môi trường lành mạnh? Hay tại một xã hội bị ô
nhiễm? Nhưng xã hội ô nhiễm là bởi hệ thống giáo dục, là công cụ để gạn
lọc, làm cho xã hội lành mạnh, nó đã không có khả năng đáp ứng được nhu
cầu ấy.
Một điều đáng buồn nữa là nước ta tuy có mấy chục ngàn tiến sĩ, với
con số 412 trường đại học và cao đẳng lớn nhỏ, nhưng không một trường
nào được xếp vào danh sách các trường danh tiếng, được thế giới nhìn
nhận, vì vậy con cái của những người có chức, có quyền, có tiền đều gửi
ra nước ngoài để theo học.
Trở lại vấn đề cơ bản, trách nhiệm giáo dục thuộc bộ Giáo Dục Đào
Tạo, bên cạnh đó còn có những cơ quan nghiên cứu như Ban Dân Vận Trung
Ương Đảng CSVN, những tổ chức như Trung Tâm Minh Triết Việt Nam...rồi
các hội nghị về giáo dục, những cuộc đối thoại chuyên ngành giáo dục
cũng được mở ra. Chưa kể đến những góp ý của nhiều giáo sư đang giảng
dạy trong các đại học tại VN. Các nhóm chuyên gia được gửi ra ngoại quốc
để nghiên cứu về giáo dục. Nhìn chung các nhận xét tập trung vào mấy
nguyên nhân dẫn tới tình trạng trì trệ hiện này là: Thứ nhất Việt Nam
thiếu một nền triết lý giáo dục. Thứ hai thiếu nhận thức khoa học GD.
Thứ batư duy GD bảo thủ già cỗi, khó thay đổi nơi những nhà hoạch định
chính sách. Thứ tư điều hành và quản lý GD yếu kém. Thứ năm giáo dục là
quốc sách nhưng chưa đầu tư đúng mức và dung cách.
Nhưng chúng tôi cho rằng những đúc kết các nguyên do trên đây vẫn chỉ
là phần ngọn của nền giáo dục tại VN, bởi vì vấn đề nằm ở gốc rễ, nếu
không thay đổi tận gốc rễ thì cành lá vẫn không thay đổi.
Cho tới nay VN vẫn kiên quyết đi theo chủ nghĩa cộng sản, lấy lý
thuyết Marx Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm chủ đạo, làm nền tảng cho
việc giáo dục và phát triển, và vẫn duy trì chính sách độc quyền giáo
dục. Từ đó cho dù có đưa ra một triết lý giáo dục, hay thay đổi gì đi
nữa thì nó vẫn phải ở bên trong một cái khung nhất định, mọi cải tổ
không thể vượt qua lằn ranh do đảng CS đề ra.
Chúng ta hình dung Giáo Dục Việt Nam như một căn phòng thắp toàn đèn
màu đỏ, những người trong căn phòng ấy dù có thay đổi thế nào thì cũng
chỉ thấy màu đỏ mà thôi. Từ thực tế ấy, chúng ta không lạ gì cách thức
giảng dạy, học hành và thi cử ở VN ngày nay vẫn duy trì và thúc đẩy cách
thức "đi tắt, đón đầu" trong giáo dục, thay vì phải đi theo một trình
tự hợp lý.
Tóm lại nếu Việt Nam muốn thoát khỏi tình trạng tụt hậu, chậm tiến
thì trước hết phải thay đổi thể chế chính trị, để mở ra một nền giáo dục
tự do nhân bản và khai phóng. Chấp nhận sự đóng góp giáo dục của các
tôn giáo, bên cạnh hệ thống công lập do nhá nước điều hanh. Đó là con
đường ngắn và đúng có thể giúp VN dước ra khỏi bế tắc hiện nay.
Cám ơn quí thính giả đã đón nghe quan điểm của chúng tôi.
Lực Lượng Cứu Quốc
No comments:
Post a Comment